Vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đeo "huy hiệu lạ" và quy định cấm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật
Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vi phạm các quy định về hoạt động trình diễn nghệ thuật, Sở đang đề xuất xử lý.
Các ý kiến cho rằng các huy hiệu Đàm Vĩnh Hưng đeo mô phỏng "Biệt công bội tinh" - một loại huy chương của chế độ cũ trước năm 1975. Hay dòng chữ Marine Semper fi là Marine Corps Semper Fidelis - được bạn đọc dịch ra là "Thủy quân lục chiến Mỹ luôn luôn trung thành"... Đàm Vĩnh Hưng phản hồi trên trang cá nhân khẳng định các huy hiệu là phụ kiện bình thường, mang tính chất trang trí, để bộ trang phục thêm phần bắt mắt khán giả, không có ẩn ý như mạng xã hội bình luận. Sau đó, thông qua mạng xã hội, Đàm Vĩnh Hưng xin lỗi khán giả.
Đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đeo "huy hiệu lạ"
Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, phía Sở đã lắng nghe ý kiến từ các nhà quản lý văn hóa, đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành; đã lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, hội đồng nghệ thuật để thẩm định các yếu tố biểu diễn liên quan những nội dung báo chí và người dân phản ánh về việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đeo "huy hiệu lạ" trên áo khi trình diễn trong đêm nhạc Ngày em thắp sao trời diễn ra ngày 4/5/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, các ý kiến nhận định: những tiết mục trình diễn thông qua nghệ thuật sân khấu cùng việc sử dụng trang phục cách điệu theo phong cách quân đội nước ngoài và các phụ kiện với biểu tượng huân, huy chương trên trang phục của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không phù hợp nội dung các tiết mục và tổng thể chương trình, không phù hợp với giá trị văn hóa Việt Nam; dễ liên tưởng đến các vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị.
Những nội dung trên đã vi phạm các quy định về hoạt động trình diễn nghệ thuật. Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện việc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã mời Công ty TNHH Tiếng Hát Việt, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và nhà thiết kế trao đổi và có biên bản ghi nhận các ý kiến phản hồi.
Phía Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nhắc nhở, đề nghị Công ty Tiếng Hát Việt, các cá nhân tham gia biểu diễn, sáng tạo nghệ thuật cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, nhận thức chính trị; chú ý đến vấn đề trang phục, hình thức trình bày, tránh gây phản cảm và có tác động tiêu cực đến dư luận và xã hội trong thời gian tới.
Nghiêm cấm sử dụng trang phục trái thuần phong, mỹ tục trong biểu diễn nghệ thuật
Tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, ban hành ngày 14/12/2020 quy định:
Điều 3. Quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn
1. Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
3. Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
4. Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Điều 5. Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật
1. Tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật có quyền:
a) Tham gia biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật;
b) Thụ hưởng các lợi ích hợp pháp từ việc tham gia biểu diễn nghệ thuật và được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật chịu trách nhiệm:
a) Tuân thủ quy định tại Điều 3 Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Không lợi dụng hoạt động biểu diễn nghệ thuật để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
c) Không sử dụng danh hiệu, giải thưởng đã bị thu hồi, bị hủy hoặc danh hiệu thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định này;
d) Thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google