Vụ án chuyển hơn 30 nghìn tỷ trái phép: Bị cáo ân hận khi nhiều người thân vướng lao lý

PV
18:47 - 22/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trước những lời khai của Nguyệt, Chủ tọa phiên tòa nhận định, "đầu óc của bị cáo cũng ghê gớm, nghĩ ra cả cái quy trình mà đến công an cũng không lường trước được".

Nói về thủ đoạn chuyển tiền, Nguyệt cho biết, tiền từ người thuê sẽ chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân của Nguyệt và những đối tượng khác. Bị cáo sau khi nhận được số tiền này sẽ ra ngân hàng mua ngoại tệ, tiếp theo thông qua các nhân viên ngân hàng, tiền được chuyển vào các số tài khoản định sẵn ở nước ngoài do Nguyệt yêu cầu.

Không chỉ thông qua hệ thống ngân hàng, Nguyệt còn thực hiện hành vi chuyển tiền qua một số người ở các tiệm vàng trên chợ Hà Trung, Hà Nội. Bị cáo đưa số tài khoản, còn việc chuyển ngoại tệ do những người khác lo.

Trình bày trước tòa, Nguyệt nói, điều bị cáo ân hận nhất là đã lôi kéo nhiều người thân trong gia đình vướng lao lý.

Vụ án chuyển hơn 30 nghìn tỷ trái phép: Bị cáo ân hận khi nhiều người thân vướng lao lý - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Nguyệt cầm đầu đường dây vận chuyển 30.000 tỉ đồng trái phép ra nước ngoài. Ảnh: Việt Dũng - Lao động

Sau hai ngày xét xử, sáng 22/12, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Thị Nguyệt (37 tuổi, trú quận Tây Hồ) mức án 7 năm 6 tháng tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Chồng của Nguyệt là bị cáo Phạm Anh Tuấn (38 tuổi) lĩnh 5 năm tù.

Theo nhận định của hội đồng xét xử, Nguyệt là đối tượng chủ mưu khởi xướng, trực tiếp điều hành mạng lưới vận chuyển tiền trái phép, thu lợi bất chính số tiền trên 25 tỷ đồng nên có vai trò cao nhất, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc để có tính răn đe.

Đối tượng Tuấn là đồng phạm trong vai trò trợ giúp Nguyệt suốt quá trình phạm tội, tham gia điều hành mạng lưới chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, hưởng lợi trên 6 tỷ đồng nên giữ vai trò cao thứ hai trong vụ án.

Vụ án chuyển hơn 30 nghìn tỷ trái phép: Bị cáo ân hận khi nhiều người thân vướng lao lý - Ảnh 2.

Các bị cáo trong đường dây vận chuyển 30.000 tỉ trái phép.

Cùng tội danh nêu trên, nhóm đồng phạm với vợ chồng Nguyệt gồm: Phạm Hữu Thuật (sinh năm 1981, Quảng Ninh, bạn hàng của Nguyệt) bị phạt 30 tháng tù; Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1985, Hà Nội, em trai của Nguyệt) 4 năm tù; Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1988, Hà Nội, vợ của Thắng) 3,5 năm tù; Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1979, Hà Nội, chị dâu của Nguyệt) lĩnh 3 năm tù treo; Nguyễn Văn Thực (sinh năm 1979, Hà Nội, anh trai của Nguyệt) lĩnh 30 tháng tù; Phạm Việt Hùng (sinh năm 1991, Hà Nội, em chồng của Nguyệt) 27 tháng tù; Nguyễn Xuân Tươi (sinh năm 1969, Hải Dương, cậu của chồng Nguyệt) 30 tháng tù treo, Nguyễn Văn Việt (sinh năm 1998, con bị cáo Tươi) nhận án 27 tháng tù; Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1974, Hà Nội, chị gái của Nguyệt) bị phạt 30 tháng tù treo; Nguyễn Minh Khang (sinh năm 1995, Hà Nội, lao động tự do) 27 tháng tù. Riêng ông Phạm Hồng Hạo (sinh năm 1967, Hà Nam) đã mất nên Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đình chỉ xét xử.

Theo cáo trạng, trong nhóm nhân viên ngân hàng liên quan đường dây chuyển tiền này đã bị xử lý trong hai vụ án khác. Đáng chú ý có Phạm Thị Minh Ngân, nhân viên Ngân hàng MB Bank nhận thực hiện thanh toán quốc tế cho 6 công ty do Nguyệt thành lập.

Cơ quan điều tra cũng xác định, một số đối tượng liên quan chuyển tiền cho Nguyễn Thị Nguyệt là chủ nhiều tiệm vàng ở phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), và chủ doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Các nhóm đối tượng này, cơ quan điều tra sẽ tách tài liệu để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý.

Nguồn: Tổng hợp

Bình luận của bạn

Bình luận