Việt Nam và Singapore thiết lập Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh

15:22 - 09/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 9/2/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chứng kiến Lễ trao đổi 4 văn kiện hợp tác cấp Chính phủ và giữa các cơ quan, doanh nghiệp 2 nước gồm: 

Bản ghi nhớ về Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Singapore;

Bản ghi nhớ về Kế hoạch hợp tác kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Singapore;

Bản ghi nhớ về Hợp tác Thanh niên giữa Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam và Hội đồng Thanh niên Quốc gia Singapore giai đoạn 2023 - 2028; 

Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hàng hải giữa Cục Hàng hải Việt Nam và Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore.

Việt Nam và Singapore thiết lập Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chứng kiến lễ trao đổi Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc thiết lập Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh giữa Việt Nam và Singapore được ký kết bởi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương kiêm Bộ trưởng Bộ Lao động Singapore Tan See Leng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một trong những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Singapore lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới, quan trọng, như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh…

Thời gian tới, Việt Nam và Singapore dự kiến sẽ đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm quản lý, các sáng kiến, nền tảng trong lĩnh vực chuyển đổi số trên 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực ưu tiên, như quản lý dân cư, tài chính ngân hàng, đất đai, thương mại điện tử…

Đồng thời, hai bên sẽ hợp tác phát triển, kết nối chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó có chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia (như dữ liệu về hàng hóa, phương tiện vận chuyển, thương mại hướng tới thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hai nước tiến hành hoàn toàn trên môi trường số).

Về kinh tế xanh, hai bên sẽ phối hợp, hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050. Việc thúc đẩy kết nối lưới điện giữa Việt Nam-Singapore cũng được kỳ vọng sẽ là hình mẫu cho việc hợp tác về thương mại, kết nối điện trong ASEAN, phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Phía Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Singapore mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực ưu tiên, như đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số; ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh; hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị; phát triển thị trường vốn; đào tạo nguồn nhân lực; công nghiệp dược, sản xuất các thiết bị y tế; công nghiệp chế biến, chế tạo, vật liệu, điện tử; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Việt Nam và Singapore thiết lập Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh - Ảnh 2.

Bản ghi nhớ giữa hai Bộ Công Thương về kế hoạch hợp tác kinh tế và thương mại được ký kết bởi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương kiêm Bộ trưởng Bộ Lao động Singapore Tan See Leng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác kinh tế và thương mại được ký kết bởi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương kiêm Bộ trưởng Bộ Lao động Singapore Tan See Leng có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tầm quan trọng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, quan hệ hợp tác chặt chẽ, gần gũi giữa hai Bộ Công Thương. 

Việc triển khai Bản ghi nhớ sau khi ký kết sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam và Singapore trong thời gian tới, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Singapore sau 10 năm thiết lập (2013 - 2023).

Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong ASEAN. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 9,1 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore đạt 4,3 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2021; nhập khẩu của Việt Nam từ Singapore đạt 4,8 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021.

Việt Nam và Singapore thiết lập Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Tường Lâm, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và ông Alvin Tan, Quốc Vụ khanh Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên, Phó Chủ tịch Hội đồng Thanh niên quốc gia Singapore ký Bản ghi nhớ về hợp tác thanh niên giữa Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và Hội đồng Thanh niên quốc gia Singapore. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam và Singapore thiết lập Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Đình Việt, quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và Cục trưởng Cục Hàng hải Singapore ký kết Bản ghi nhớ hợp tác hàng hải giữa Cục Hàng hải Việt Nam và Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng ngày 9/2/2023, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân đã chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Singapore, được tổ chức trọng thể tại Phủ Tổng thống Singapore (Dinh Istana).

Đây là chuyến thăm Singapore đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị mới và là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Singapore sau 5 năm.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore đang phát triển mạnh mẽ. Trong đó, Singapore duy trì vị trí là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và thứ 2 trên thế giới.

Chuyến thăm là sự kiện mở màn cho các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác Chiến lược giữa hai nước. Những kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm sẽ gửi đi thông điệp về quyết tâm mạnh mẽ của hai nước cùng hợp tác, tăng cường kết nối và phát triển tự cường, bền vững, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Nguồn: Báo Chính phủ
Bình luận của bạn

Bình luận