Việt Nam trên con đường trở thành "ông lớn" trong lĩnh vực năng lượng sạch

Trà Li (tổng hợp)
15:59 - 05/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Với sự phát triển ấn tượng trong lĩnh vực năng lượng sạch những năm qua, Việt Nam đang ghi dấu ấn mạnh mẽ trên con đường thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Theo tạp chí The Economist, các nước Đông Nam Á nên học hỏi Việt Nam trong lĩnh vực này.

An ninh năng lượng - Thách thức hiện hữu của Đông Nam Á

Trong tất cả các vấn đề "dài hơi" phức tạp của thế giới hiện nay, việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch được cho là một trong những vấn đề cấp bách nhất. Bởi lẽ đây không chỉ là cách để chúng ta cứu hành tinh xanh khỏi biến đổi khí hậu, mà còn là biện pháp nhằm đảm bảo để kinh tế tăng trưởng bền vững.

Việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đòi hỏi một nguồn cung năng lượng ổn định, an toàn. Và an ninh năng lượng đang là thách thức hiện hữu ở Đông Nam Á, do khu vực này không sản xuất đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu của chính mình và vẫn phụ thuộc nhiều vào khai thác năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Hơn nữa, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng tại Trung Quốc và Ấn Độ cũng gây áp lực không nhỏ đến nguồn cung năng lượng cho các thị trường Đông Nam Á.

Việt Nam trên con đường trở thành "ông lớn" trong lĩnh vực năng lượng sạch - Ảnh 1.

Đông Nam Á phần lớn vẫn dựa vào nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Trong ảnh: Toàn cảnh Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 nhìn từ trên cao. Ảnh: Petrovietnam

Song song với đó, những lời kêu gọi ngăn chặn biến đổi khí hậu ngày một gia tăng. Các biện pháp bảo vệ môi trường và quản lý khai thác tài nguyên đang được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các công ty và nhà đầu tư. 

Các chính phủ và ngành năng lượng chịu áp lực lớn khi phải cắt giảm lượng khí thải cacbon trong quá trình sản xuất và sử dụng năng lượng. Vì vậy, năng lượng tái tạo xuất hiện như một giải pháp đầy hứa hẹn khi không chỉ cung cấp năng lượng sạch, các dự án này còn tạo ra hiệu quả kinh tế đáng kể.

Tuy nhiên, không có nhiều quốc gia Đông Nam Á đầu tư mạnh để phát triển năng lượng sạch. 

Việt Nam trên con đường trở thành "ông lớn" trong lĩnh vực năng lượng sạch - Ảnh 2.

Tạp chí The Economist đánh giá: "Việt Nam đang dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch ở Đông Nam Á". Ảnh minh họa/ nguồn EVN

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về chuyển đổi sang năng lượng sạch

Hãng dịch vụ kiểm toán Ernst & Young (EY) được xếp vào nhóm Big4, một trong bốn hãng dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp hàng đầu lớn nhất trên thế giới - cùng với Deloitte, KPMG, PwC.

Ngay cả khi các nền kinh tế bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch vẫn tiếp diễn. Theo một nghiên cứu của Hãng dịch vụ kiểm toán Ernst & Young về tám nền kinh tế trên khắp châu Á - Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam từ tháng 8 đến tháng 9/2020, 800 dự án năng lượng sạch đang được triển khai. Giả sử tất cả những dự án này đều thành hiện thực, có nghĩa là chúng ta đã có một khoản đầu tư đầy tiềm năng hơn 316 tỉ USD và có thể giảm phát thải hơn 229 tấn khí carbon dioxide, tạo ra 870.000 việc làm.

Theo ấn bản lần thứ 58 của Chỉ số hấp dẫn quốc gia năng lượng tái tạo (RECAI) của EY, công bố tháng 10/2021, cùng với Philippines và Indonesia, Việt Nam đã tăng thứ hạng trong số 40 thị trường hàng đầu thế giới về mức độ hấp dẫn đầu tư và triển khai năng lượng tái tạo.

Trong 5 năm qua, Đông Nam Á đã và đang gia tăng sản xuất năng lượng tái tạo. Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là Việt Nam, khi từ năm 2016 đến năm 2020, nước ta đã tăng hơn gấp đôi sản lượng năng lượng tái tạo, từ hơn 17.000 MW lên hơn 35.000 MW, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế. 

Việt Nam trên con đường trở thành "ông lớn" trong lĩnh vực năng lượng sạch - Ảnh 4.

Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới về công suất lắp đặt năng lượng mặt trời. Ảnh minh họa/ nguồn: EVN

Trong bài viết với tiêu đề: "Việt Nam đang dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch ở Đông Nam Á" của Tạp chí The Economist (trụ sở tại Anh) xuất bản ngày 4/6, trong 4 năm tính đến năm 2021, tỉ trọng điện lượng mặt trời tại Việt Nam đã tăng từ mức thực tế gần như bằng 0 lên gần 11%. Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới, mà tỉ trọng này còn cao hơn khi được đem so sánh với các nền kinh tế lớn như Pháp, Nhật Bản.

Năm 2021, Việt Nam đã lọt vào top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới với vị trí thứ 8. Cụ thể, Việt Nam sản xuất được 16.504MW từ năng lượng mặt trời, chiếm 2,3% công suất toàn cầu. Công suất trên đầu người của Việt Nam là 60W/người.

Theo phân tích của Tạp chí The Economist, những thành tích của Việt Nam về phát triển năng lượng sạch chủ yếu nhờ ý chí chính trị và các động lực thị trường.

Năm 2017, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu trả cho các nhà cung cấp năng lượng mặt trời với giá cố định lên tới 9,35 cent cho mỗi kilowatt giờ cung cấp cho lưới điện. Đây là mức giá khá hào phóng vì chi phí cho mỗi kilowatt/giờ thường chỉ từ 5 - 7 cent. Kết quả là 100.000 tấm pin mặt trời trên mái đã được lắp đặt trong hai năm 2019 và 2020, nâng công suất năng lượng mặt trời của Việt Nam lên 16GW.

Bên cạnh đó, cải cách cũng đã giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng kinh doanh tại Việt Nam. 

Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã nêu rõ tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nâng tỉ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng lên hơn 32% vào 2030 và sẽ đạt khoảng 44% vào 2050.

Ngày 1/11/2021, tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đưa ra mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế

Tuy nhiên, trước hy vọng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo The Economist, Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn nữa. 

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2022, Việt Nam đang kỳ vọng mức tăng trưởng GDP phục hồi sẽ ở mức 6,5%. Với mức này, mức tiêu thụ điện năng sẽ tăng hơn 11%/năm, nhanh hơn đáng kể so với GDP quốc gia. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá Việt Nam là nước sử dụng điện lớn thứ hai Đông Nam Á. 

Trước nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, cũng như thực tế ngành khai thác, sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước không thể đáp ứng kịp nhu cầu, để đảm bảo an ninh năng lượng, hạn chế biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo là hướng đi đúng đắn, hợp lý nhất không chỉ với Việt Nam, mà với cả Đông Nam Á, rộng hơn là toàn cầu.