Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách "một Trung Quốc"

Quỳnh Giang
11:43 - 03/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách "một Trung Quốc", mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan

Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách "một Trung Quốc"

Ngày 3/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình eo biển Đài Loan hiện nay, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách "một Trung Quốc" và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Trước đó, ngày 2/7, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ ngày 28-29/6, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Lập trường của Việt Nam đối với việc Đài Loan tiến hành bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là rõ ràng, nhất quán và được khẳng định trong nhiều năm qua. Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đe doạ hoà bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan huỷ bỏ hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn vi phạm tương tự", Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách "một Trung Quốc" - Ảnh 1.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Báo Chính phủ


Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới thăm vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) 

Trước đó, ngày 2/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tới vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) trong khi đang thực hiện chuyến công du 4 nước châu Á gồm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chuyến bay chở bà Pelosi đã hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn Đài Bắc vào tối cùng ngày. 

Bà Nancy Pelosi là quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Đài Loan (Trung Quốc) kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich đến đây năm 1997.

Bà Nancy Pelosi đang có chuyến công du tới châu Á, bao gồm các điểm dừng chân là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore. Các thành viên trong phái đoàn lần này ngoài bà Pelosi còn bao gồm 5 nghị sĩ khác, trong đó có chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. 

Theo đài Sputnik, trong chuyến thăm lần này, bà Nancy Pelosi dự kiến gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong sáng 3/8. 

Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách "một Trung Quốc" - Ảnh 2.

Bà Nancy Pelosi (áo hồng) sau khi xuống máy bay tại sân bay Tùng Sơn Đài Bắc. Ảnh: Cơ quan đối ngoại Đài Loan.


Nguyên tắc "Một Trung Quốc" trong quan hệ Mỹ - Trung

Ngày 2/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố về chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc).

Tuyên bố cho rằng chuyến thăm của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc) đã ảnh hưởng tới nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc - Mỹ, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc" và những điều khoản của ba thông cáo chung Trung - Mỹ, xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Tuyên bố nhấn mạnh, cách đúng đắn để giải quyết quan hệ giữa hai nước lớn như Mỹ và Trung Quốc là phải trên cơ sở "tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình, không đối đầu và hợp tác cùng thắng".

Tại hội thảo chuyên đề quốc tế về "Ý nghĩa của Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc" được tổ chức vào ngày 18/11/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: Các chuyên gia quốc tế và Trung Quốc nhất trí cho rằng, nghị quyết này của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khẳng định Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn bộ Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan. Các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế được xác nhận trong nghị quyết được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc. Trung Quốc có đầy đủ cơ sở pháp lý để chứng minh. Bên cạnh đó, điều này còn được khẳng định trong hàng loạt văn bản pháp luật quốc tế như "Tuyên bố Cairo", "Tuyên bố Postdam".