Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Ngày 31/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn.
Phản đối hành vi sử dụng vũ lực với tàu cá của Việt Nam hoạt động trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa
Ngày 31/8, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước thông tin một tàu cá Việt Nam bị tấn công khi đang hoạt động trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: Các cơ quan chức năng Việt Nam đang khẩn trương làm rõ vụ việc. Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với các tàu cá của Việt Nam hoạt động bình thường trên biển, đe dọa đến tính mạng và an toàn cũng như gây thiệt hại về tài sản và lợi ích của ngư dân, trái với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Việt Nam phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn
Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Trung Quốc công bố cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023”, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Việc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Trung Quốc công bố cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023”, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như thể hiện yêu sách đường đứt đoạn là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Do đó, yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Một lần nữa Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google