Việt Nam - điểm đến đầu tư đầy triển vọng của các công ty lớn trên thế giới

T.Anh (tổng hợp)
15:13 - 26/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Việt Nam được cho có thể là điểm đến của hàng loạt công ty lớn trên thế giới, trong bối cảnh sự gián đoạn hoạt động sản xuất do tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã buộc các công ty phải tìm cách chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi nước này.

Việt Nam - điểm đến đầu tư đầy triển vọng của các công ty lớn trên thế giới - Ảnh 1.

Dòng đầu tư quốc tế đang phục hồi sau COVID-19 đã chọn Việt Nam là một trong những điểm đến.

Chuyên gia tư vấn Henrik Bork tại Asia Waypoint mới đây cho biết, các tập đoàn điện tử của Trung Quốc như Luxshare Precision Industry, Goertek và nhà lắp ráp iPhone Pegatron của Đài Loan (Trung Quốc) đang chuyển cơ sở sang Việt Nam. 

Trong khi đó, tạp chí Nikkei Asia của Nhật Bản đầu tháng 6 cho biết, Apple đang dịch chuyển hoạt động sản xuất iPad ra bên ngoài Trung Quốc, hướng đến Việt Nam. 

Đài DW của Đức đưa tin các công ty, đặc biệt là trong ngành công nghiệp điện tử, đang đầu tư rất lớn vào Việt Nam. 

Tháng hai, tập đoàn điện tử Samsung hàng đầu của Hàn Quốc thông báo sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD vào Việt Nam.

Theo nhiều đánh giá, các công ty toàn cầu như Apple đang chuyển hoạt động sản xuất đến Việt Nam chủ yếu do lương nhân công ở Trung Quốc cao và cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc căng thẳng. 

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam được đánh giá sẽ có vai trò quan trọng trong mục tiêu chính sách này. 

Ngoài ra, Việt Nam hiện có lực lượng lao động trẻ trên bình quân đầu người lớn hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới và ngành sản xuất có tính cạnh tranh. Việt Nam cũng có hệ thống đường biển dễ dàng cho việc xuất khẩu, yếu tố khiến nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) và châu Á ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Theo chuyên gia Raphael Mok tại Công ty tư vấn Fitch Solutions, Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng. 

Dòng đầu tư quốc tế đang phục hồi sau COVID-19 đã chọn Việt Nam là một trong những điểm đến. Các khảo sát gần đây của EuroCham hay Jetro đều cho thấy điều này. 

Cơ hội tiếp nhận đầu tư của Việt Nam còn rộng mở hơn nữa, nhất là với các khoản đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia. 

“Với chiến lược Trung Quốc + 1, các doanh nghiệp sẽ mở rộng hoạt động ở các nước đang phát triển khác, như Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Philippines, Việt Nam, Malaysia” - bà Yan Liu, Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết.

Theo một báo cáo nghiên cứu vừa được Tổ chức tài chính quốc tế (IFC, thuộc Ngân hàng Thế giới - WB) công bố, các tập đoàn đa quốc gia đang lập kế hoạch tái phân bổ đầu tư đáng kể trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và châu Âu - Trung Á. Điều đáng quan tâm là, có tới 190 trong số 1.060 người được hỏi (chiếm khoảng 18%) cho biết, Trung Quốc sẽ là một trong ba quốc gia mà họ dự kiến giảm đầu tư nhiều nhất.

Các công ty hàng đầu về dịch vụ hỗ trợ công nghệ thông tin và thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO), như Goertel, Foxconn, Compal, Luxshare, Pegatron… trong những năm gần đây, đều đã gia tăng đầu tư vào Việt Nam.

Cuối tháng 5 vừa qua, đài DW của Đức nhận xét có một xu hướng chuyển dịch sản xuất công nghệ cao từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo DW, ông Daniel Müller, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương của Đức cho biết Việt Nam luôn là điểm đến hứa hẹn đối với các công ty Đức.

Trang DW (Đức) ngày 8/6 đăng bài viết đánh giá hoạt động kinh tế sôi động của Việt Nam trong những năm gần đây là yếu tố thu hút sự chú ý của các công ty châu Âu. Kết quả hoạt động kinh tế của Việt Nam trong và sau đại dịch COVID-19 đã thu hút sự chú ý của một số công ty lớn của châu Âu.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á không rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế mạnh do đại dịch COVID-19 trong năm 2020 và 2021. Theo dự báo của WB, năm 2022, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 5,5%.

Kết quả một khảo sát nhằm đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức do mạng lưới các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại nước ngoài thực hiện gần đây, cho biết: Gần 93% số doanh nghiệp Đức nói sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam; hơn 64% số kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn trong 12 tháng tới. 

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đối với quyết định đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam là tình hình chính trị ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, vận tải và logistics…

Mới đây nhất, tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 được tổ chức ngày 25/6 vừa qua, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã công bố danh mục dự án thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030. Nhiều dự án hạ tầng lớn đã thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế. 

Ông Keigo Shiomi, Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo Corporation tại khu vực châu Á & châu Đại Dương cho biết rất vui khi tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố Đà Nẵng. Tại Việt Nam, tập đoàn đã đầu tư các dự án tiêu biểu như: Ba khu công nghiệp Thăng Long, tuyến tàu điện nội thị Thành phố Hồ Chí Minh, nhà máy điện Vân Phong 1... 

Tháng 11/2021, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ký kết Biên bản ghi nhớ với liên danh Tập đoàn Sumitomo Corporation và Tập đoàn BRG về phát triển kết cấu hạ tầng tại Đà Nẵng. Sắp tới, Tập đoàn sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và hy vọng sẽ có cơ hội hiện thực hóa các dự án hạ tầng để góp phần phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố phát triển hàng đầu châu Á.

Tập đoàn Adani Ports&SEV là tập đoàn cơ sở hạ tầng lớn nhất của Ấn Độ với vốn hóa thị trường hơn 206 tỉ USD. Ông Sandeep Mehta, Chủ tịch Adani Pót & SEV cho biết, tập đoàn đang có vị thế lớn trong lĩnh vực cảng biển và đặc khu kinh tế tại Ấn Độ. Adani có mạng lưới gồm 13 cảng trải khắp cả bờ Tây và Đông Ấn Độ với công suất xếp dỡ hàng hóa tổng hợp khoảng 560 triệu tấn. Ông Adani Pót & SEV khẳng định cam kết hỗ trợ và đầu tư 2 tỉ USD phát triển cảng Liên Chiểu cùng với toàn bộ khu tiếp vận và khu công nghiệp tại Đà Nẵng, đưa khu vực này trở thành cửa ngõ kinh tế của miền Trung Việt Nam.

Nguồn: PV (tổng hợp)