Việt Nam đang kiểm soát khá tốt tỷ lệ lạm phát

Anh Thư
23:39 - 05/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 dự báo khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm nay, đồng thời nâng dự báo lạm phát năm 2022 của khu vực này lên 5,2%, trong đó Việt Nam đang kiểm soát khá tốt tỷ lệ lạm phát.

Kinh tế ASEAN+3 tiếp tục duy trì tăng trưởng mạnh mẽ - Ảnh 1.

Các yếu tố rủi ro đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế của ASEAN+3. Nguồn: Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô AMRO

Trong báo cáo thường kỳ mới công bố hôm nay (ngày 5/7) về triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 (gồm ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã hạ dự báo tăng trưởng ngắn hạn cho khu vực do tác động của đợt bùng phát COVID-19 gần đây tại Trung Quốc cùng những ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc chiến ở Ukraine.

Theo đó, AMRO dự báo khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm nay, đồng thời nâng dự báo lạm phát năm 2022 của khu vực này lên 5,2%; tăng 1,7 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng tư vừa qua.  

Chuyên gia kinh tế trưởng của AMRO, Hoe Ee Khor cho biết, xung đột Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga đã khiến giá nhiên liệu và lương thực toàn cầu tăng cao, làm trầm trọng thêm vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến lạm phát gia tăng trong ASEAN+3. Tại Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang đã thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh hơn dự kiến, làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Ngoài ra, đợt bùng phát COVID-19 gần đây ở Thượng Hải (Trung Quốc) cũng làm gián đoạn sản xuất và nguồn cung cấp trong khu vực, khiến cho tăng trưởng của cả Trung Quốc và khu vực đều suy giảm.

Kinh tế ASEAN+3 tiếp tục duy trì tăng trưởng mạnh mẽ - Ảnh 2.

Dự báo tăng trưởng và mức độ lạm phát khu vực ASEAN +3. Nguồn: Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô AMRO

Dự kiến tăng trưởng ASEAN+3 sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm nay và năm tới, có thể đạt 4,9% vào năm 2023, trong khi lạm phát có thể sẽ ở mức khoảng 2,8%. AMRO lưu ý rằng nhiều nền kinh tế trong khu vực đang chuyển sang coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Việc nới lỏng hơn nữa các biện pháp ngăn chặn và hạn chế đi lại sẽ cho phép hoạt động kinh tế trở lại đầy đủ hơn và giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Đề cập đến tình hình kinh tế tại Việt Nam, các chuyên gia của AMRO đều lạc quan cho rằng, Việt Nam đang kiểm soát khá tốt tỷ lệ lạm phát, giữ cho giá của một số mặt hàng cần thiết không bị tăng quá cao. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể giảm từ 6,5% xuống 6,3%. Thay đổi này là do Việt Nam là một nền kinh tế mở, nên khi tốc độ tăng trưởng ở các thị trường lớn như Trung Quốc hay Mỹ giảm, sẽ làm giảm nhu cầu từ thị trường bên ngoài đối với Việt Nam. Cũng theo ông Hoe Ee Khor, "Việt Nam có dư địa/không gian tài khoá cho phép sự linh hoạt và khả năng trợ cấp giá một số mặt hàng cần thiết. Trong tình hình này, một điều Việt Nam có thể làm đó là thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng, giúp kích thích kinh tế phát triển".