Vì sao thưởng Tết của doanh nghiệp có vốn Nhà nước cao hơn các nhóm khác?

Trang Linh
13:09 - 25/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Theo báo cáo nhanh của 62/63 tỉnh thành, doanh nghiệp có vốn Nhà nước là nhóm có mức thưởng Tết bình quân cao nhất, trong khi đó doanh nghiệp FDI lập kỷ lục về số tiền thưởng Tết 2024.

thưởng tết

Thưởng Tết có thể thưởng bằng tiền, hiện vật hoặc các hình thức khác. Ảnh: Hạnh Quỳnh

Theo báo cáo nhanh của 62/63 tỉnh thành, khảo sát 47.374 doanh nghiệp, tương ứng 4,79 triệu lao động gửi về Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), khoảng 61,37% doanh nghiệp trong tổng số 47.374 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Mức thưởng bình quân 6,85 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Xếp theo loại hình doanh nghiệp, công ty có vốn Nhà nước thường có thưởng Tết cao nhất, chiếm trên 54%. Doanh nghiệp FDI đứng thứ hai (38%), còn các công ty tư nhân xếp cuối (9%).

Tuy nhiên, kỷ lục thưởng Tết lại thường thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mức thưởng lên đến hàng tỉ đồng. Năm nay, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 5,68 tỉ đồng/người cho vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI ở tỉnh Long An. 

Đối với tiền lương, trong năm 2023, tiền lương tăng 3%, bình quân ước đạt 8,49 triệu đồng/tháng, tăng 3% cùng kỳ năm 2022. Tiền lương cao nhất năm là 834 triệu đồng/tháng thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn FDI ở Đồng Nai.

Thưởng Tết có phải là khoản tiền doanh nghiệp bắt buộc phải chi trả?

Ngoài tiền lương, tiền thưởng dịp Tết, tùy theo điều kiện mà doanh nghiệp còn có hình thức khác hỗ trợ, chăm lo cho người lao động nhân như tặng giỏ quà, tặng tiền tàu xe về quê đón Tết hoặc bố trí xe đưa người lao động về quê, bố trí hợp lý thời gian nghỉ Tết để người lao động có lịch trình thích hợp, đặc biệt đối với lao động làm việc xa quê.

Báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết chỉ là thông tin thị trường tham khảo, không bắt buộc. Trên thực tế, pháp luật không có quy định cụ thể về thưởng Tết hay lương tháng 13. 

thưởng tết ảnh 2

Pháp luật không quy định cụ thể về thưởng Tết hay lương tháng 13. Ảnh: Nam Trần

Tuy nhiên, có thể trong hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động ký kết thỏa thuận về việc hưởng "lương tháng 13" hoặc cách tính toán thưởng Tết dựa trên mức lương, vị trí việc làm, chức danh công việc, hiệu quả làm việc trong năm, tình hình kinh doanh của công ty…

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở).

Nguyên nhân khối doanh nghiệp có vốn Nhà nước thưởng Tết cao hơn các nhóm khác

Chia sẻ với báo chí về nguyên nhân thưởng Tết ở khối doanh nghiệp có vốn Nhà nước cao hơn các nhóm khác, Cục phó Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - Tống Văn Lai cho biết, cơ chế tài chính của doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm cả tiền lương của người lao động, được Chính phủ quy định. Mức thưởng cao nhất là 3 tháng lương, gồm một tháng trích từ quỹ phúc lợi, còn lại là thưởng từ lợi nhuận kinh doanh. 

Hiện nay, lương bình quân khu vực Nhà nước khoảng 10 triệu đồng/tháng, nếu thưởng hai tháng sẽ được 20 triệu đồng. Trường hợp doanh nghiệp làm ăn không tốt thì thưởng thấp, hoặc không có thưởng.

Ngoài ra, người lao động làm việc tại doanh nghiệp Nhà nước còn nhận được một khoản từ tiền lương để lại. Tức là, nhân sự nhận lương 15 triệu đồng mỗi tháng, nhưng hàng tháng có thể chỉ nhận 10 triệu đồng, phần còn lại sẽ được trả vào cuối năm. Kết quả là số tiền nhận vào dịp Tết tăng thêm. Tại một số doanh nghiệp Nhà nước, tiền Tết cuối năm thực chất là lương còn lại.

Mặc dù phần lớn doanh nghiệp bảo đảm được đời sống, việc làm cho người lao động, song một bộ phận công ty, đơn vị vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng hoặc suy giảm sức chống chọi sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định.

Dự kiến trong tháng 1/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có báo cáo chung về tình hình lương thưởng cũng như nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội khi các địa phương báo cáo đầy đủ.

Bình luận của bạn

Bình luận