Vì sao phổ điểm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn 2023 rất khả quan?
Phần đọc hiểu và làm văn nhẹ nhàng, thí sinh dễ đạt điểm cao là nguyên nhân khiến phổ điểm tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm nay cao hơn nhiều so với các năm trước.
Phổ điểm môn Ngữ văn khả quan
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phổ điểm các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Trong đó, phổ điểm môn Ngữ văn hơn nhiều so với các năm trước.
Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn của cả nước năm 2023 cho thấy: Có 1,008,239 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn, trong đó điểm trung bình là 6.86 điểm, điểm trung vị là 7.0 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 92 (chiếm tỷ lệ 0.009%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 73,622 (chiếm tỷ lệ 7.3%).
Còn kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn của cả nước năm 2022 cho thấy: Có 981,407 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn, trong đó điểm trung bình là 6.51 điểm, điểm trung vị là 6.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 194 (chiếm tỷ lệ 0.02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 113,888 (chiếm tỷ lệ 11.6%).
Năm 2021, cả nước có 978,027 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn, trong đó điểm trung bình là 6.47 điểm, điểm trung vị là 6.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 172 (chiếm tỷ lệ 0.02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 117,915 (chiếm tỷ lệ 12.06%).
So với kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 thì phổ điểm thi môn Ngữ văn năm 2023 tăng 0,35%; tăng 0,36% so với năm 2021. Năm 2023 điểm trung vị môn Ngữ văn là 7.0 điểm, tăng 0,5 điểm so với năm 2022 và năm 2021. Đáng chú ý, năm 2023 số thí sinh có điểm liệt cũng ít hơn (92) so năm 2022 (194) và năm 2021 (172).
Vì sao phổ điểm môn Ngữ văn năm 2023 cao hơn năm 2022 và 2021?
Thứ nhất, phần đọc hiểu, câu 1 (nhận biết) yêu cầu thí sinh xác định thể thơ. Câu 2 (nhận biết), yêu cầu thí sinh chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè trong những dòng thơ: "Tiếng sấm gõ trên bầu trời thật thấp/ gió từ đất thổi lên rát mặt/ Cát bay, lá bay, đá bay" (Đi qua cơn giông, Anh Ngọc). Đa số thí sinh lấy trọn 1,5 điểm ở câu 1 và câu 2.
Câu 3 (thông hiểu) chỉ yêu cầu thí sinh nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh (Mưa ròng ròng như triệu ngón tay/ Lùa vào trong cổ/ Ngỡ như hành quân trở về tuổi nhỏ/ Những giọt mưa nhảy múa trước hiên nhà) là khá dễ, thí sinh dễ lấy từ 0,75 điểm/1 điểm.
Câu 4 (vận dụng ở mức thấp) yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ "Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình". Câu này chỉ chiếm 0,5 điểm, thí sinh viết sơ sài hay sâu sắc, chỉ cần có ý: Trong cuộc sống, ai cũng trải qua khó khăn, thử thách, từ đó, rút ra một bài học về lẽ sống phù hợp là được trọn điểm.
Thứ hai, câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh nghị luận về một đoạn văn xuôi được trích ở phần cuối của tác phẩm "Vợ nhặt" (Kim Lân) ít có giá trị về nội dung và nghệ thuật nên hầu hết thí sinh có thể đạt mức từ 2,5 điểm/5 điểm.
Nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông mong rằng, câu nghị luận văn học đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm năm 2024 cần có độ phân hóa cao hơn nữa, nhằm giúp các trường đại học lấy điểm thi này làm cơ sở cho việc tuyển được chính xác.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google