Vốn là người không hề có thói quen, sở thích đọc sách, cho đến khi điều hành công ty gặp vô vàn khó khăn như: quản lý nhân sự, tạo động lực, kiến thức tài chính, lập chiến lược, lập kế hoạch… ông Lê Hồng Long mới “bén duyên” với những cuốn sách – nơi ông tìm thấy cho mình “lối đi” chinh phục khó khăn. Cuốn sách đầu tiên ông tìm đến thông qua sự giới thiệu của người anh thân thiết, đã từng áp dụng, đó là “7 thói quen hiệu quả” của tác giả Stephen R.Covey. Cuốn sách ấy đã giúp ông hiểu được sức mạnh của thói quen, cách xây dựng những thói quen tích cực để từ đó rèn luyện thêm các kỹ năng làm việc hiệu quả bên cạnh kiến thức chuyên môn.
Từ cuốn sách đầu tiên ấy, ông tiếp tục “ngốn ngấu” những cuốn sách khác - mang đến cho ông nhiều kiến thức, kinh nghiệm, giải pháp thiết thực để “gỡ” khó cho ông và doanh nghiệp của mình.
Trong bối cảnh công nghệ và thông tin phát triển “chóng mặt” thì việc đọc sách vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong môi trường doanh nghiệp – nơi ông Long là đầu tàu dẫn dắt. Ông xây dựng và lan tỏa thói quen đọc sách trong công ty, từ đó, những lợi ích của việc đọc sách có thể cân đong đo đếm rõ: mở rộng kiến thức, hiểu biết, nâng cao kỹ năng giao tiếp, chuyên môn, tăng năng suất và chất lượng công việc, giúp đồng nghiệp khai phá tiềm năng và kích thích sáng tạo trong tư duy, phát triển kỹ năng lãnh đạo và quản lý công việc hiệu quả hơn…
Nghe thì đơn giản, nhưng quá trình “cài đặt thói quen đọc sách” cho các thành viên trong công ty cũng vô cùng gian nan. Người chủ doanh nghiệp đam mê đọc sách chia sẻ, thời gian đầu ông nảy ra ý tưởng động viên các nhân sự trong công ty đọc sách vào cuối tuần và rút ra các bài học từ sách rồi đăng tải lên nhóm nội bộ của công ty. Mọi người đồng tình dành thời gian cuối tuần cùng nhau lên công ty đọc sách. "Tuy nhiên, chỉ được đúng một tuần, nhiều lý do khác nhau, các thành viên không đến công ty đọc sách vào cuối tuần nữa" - ông Long nhớ lại.
Người đứng đầu công ty không bỏ cuộc. Để tiếp tục giúp các nhân sự có thói quen đọc sách nhằm ứng dụng vào trong công việc, ông Long đã ra quyết định dùng hẳn 1 giờ trong số 8 giờ làm việc mỗi ngày của công ty (17h-18h) để các thành viên đọc sách. Trong tuần đầu tiên, các thành viên vừa đọc sách và vừa ngáp ngủ, nước mắt giàn giụa vì không quen. Vị lãnh đạo công ty tiếp tục kiên trì động viên, khuyến khích mọi người.
Cuối cùng, các thành viên trong công ty cũng đã vượt qua được thử thách 30 ngày đọc, viết ra bài học và chia sẻ liên tục. Ông Long vui mừng nhận thấy khi nhân viên là người đọc và chia sẻ thì chính họ đã bắt đầu thay đổi tư duy chính từ bên trong - “change inside-out" rất hiệu quả. Khi đó các thành viên trong công ty có cùng một hệ quy chiếu và trở thành một “e-kip” phối hợp nhịp nhàng để đạt được những mục tiêu mà công ty đặt ra.
Không đọc sách theo phong trào, ông Long xác định đọc phải mang lại hiệu quả. Lúc này, công thức gọi là “cài đặt sách” đã được đúc kết. Mọi thành viên trong công ty đã có được thói quen đọc sách, cùng ghi chú lại những nội dung tâm đắc, sau đó chia sẻ lại cảm nghĩ, quá trình thực hành, vận dụng, kết quả… vào nhóm nội bộ.
Chia sẻ về công thức này, ông Long nhận định: “Nếu đọc chỉ là đọc thì chúng ta sẽ đọc nhanh chóng, và nghĩ rằng mình đã tiếp thu, đã nhớ kiến thức ấy rồi. Thế nhưng, một thời gian trôi qua, những kiến thức ấy không còn trong bộ nhớ và trong tiềm thức để chúng ta áp dụng nữa. Còn đối với việc cài đặt bằng cách đọc, hiểu, ghi chép, ứng dụng vào đời sống, chúng ta sẽ thấy thực sự hiệu quả, bởi tất cả mọi kiến thức trong sách được đưa ra phân tích một cách kỹ lưỡng, giúp chúng ta nhớ lâu hơn”.
Các cuốn sách được đông đảo thành viên trong công ty “cài đặt” trong group như: "7 thói quen hiệu quả" của tác giả Stephen R. Covey, "Nhà lãnh đạo không chức danh" của tác giả Robin Sharma, "OKRs - hiểu đúng, làm đúng" của tác giả Mai Xuân Đạt…
Theo Tuyết Trinh – Kế toán trưởng của công ty, việc cài đặt trải qua hai quá trình: Thứ nhất, áp dụng được thói quen làm chủ chính mình, tức là lúc đó sẽ đóng vai trò là một người lãnh đạo ngồi suy nghĩ những việc sắp tới mình phải làm, vạch ra những con đường đi, đi thế nào, ra sao để đến được đích, hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất? Thứ hai, thực hiện những công việc đó theo con đường mà mình đã vạch ra trước đó. Lúc đó Trinh như là một người quản lý - quản trị để quá trình thực hiện được diễn ra một cách hiệu quả góp phần vào sự thành công của công việc.
Một thành viên khác trong công ty, chị Bùi Thị Kim Ngọc – Quản lý bộ phận hỗ trợ, sau khi đọc về nội dung “ma trận quản trị thời gian” đã đúc kết được kinh nghiệm giá trị cho bản thân.
Sau lần thứ 2 đọc sách, chị Kim Ngọc bày tỏ, chính mình còn chưa phân định rõ ràng việc ưu tiên, việc khẩn cấp, việc thường ngày nên còn rất lơ là. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biết thừa nhận và thay đổi để tốt hơn.
Quay trở lại với người lãnh đạo công ty ham mê đọc sách, ông Long chia sẻ bản thân đã áp dụng những kiến thức trong cuốn sách “7 thói quen hiệu quả” của tác giả Stephen R.Covey vào việc tuyển dụng & đào tạo nhân viên mới của công ty. Ông Long kể, thời điểm mới khởi nghiệp việc tuyển dụng nhân sự rất khó và tìm được nhân sự gắn bó lại càng khó hơn. Vì vậy, ông đã đưa ra quy trình tuyển dụng sử dụng việc đào tạo “7 thói quen hiệu quả” làm điều kiện tiên quyết khi phỏng vấn, nghĩa là nếu ứng viên vào phỏng vấn thì ít nhất phải cam kết dành một tháng đầu tiên để vừa làm việc chuyên môn và vừa tham gia cài đặt “7 thói quen hiệu quả” để hoà nhập văn hoá làm việc hiệu quả của công ty. Nếu không cam kết và vượt qua thì nên dừng lại để không mất thời gian của 2 bên.
Chưa dừng lại ở đó, chính văn hóa đọc sách và ứng dụng đọc sách này cũng đã giúp ông Long tạo ra được một văn hóa doanh nghiệp khác biệt, nhiều năng lượng và bền vững, từ đó thu hút được nhân tài đến với công ty.
Sau khi đọc sổ tay văn hóa công ty, ông Đào Trần Bằng – CTO (Chief Technology Officer) đã chia sẻ: "Thật lạ, từng thói quen này là những chuẩn mực mà mình từng nghĩ là thiên bẩm của con người, và học tập cực kỳ khó khăn. Thật sự bất ngờ khi cả công ty này là những người học được những kỹ năng đó. Lý thuyết rất dễ, một người có thể nói hàng giờ về những điều nên làm, nhưng để bắt tay vào làm, cần nhiều sức mạnh hơn. Kỳ lạ là ở công ty này, người ta có thể học được điều đó. Những phẩm chất mà hiếm lắm mới gặp, lại thường xuyên có thể thấy được ở công ty, ở đây mọi người được luyện tập và trau dồi".
Ông Long vẫn không ngừng đọc và có nhiều bài viết chi tiết về cài đặt thói quen đọc sách và xây dựng văn hóa đọc cho công ty của mình tại group Cộng đồng công dân hội nhập của Tạp chí Công dân và Khuyến học.
Qua "bí kíp" đáng giá triệu đô của người đứng đầu doanh nghiệp này, có thể thấy, việc xây dựng thói quen đọc sách cho nhân viên không chỉ là một hoạt động cá nhân, mà còn là một cách để nâng cao sự phát triển và thành công của doanh nghiệp. Để thực sự tận dụng lợi ích của việc đọc sách, cần tạo ra môi trường, khuyến khích các thành viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm từ những cuốn sách đã đọc, và xây dựng chương trình đào tạo dựa trên các kiến thức từ sách. Ta gọi đó là: lan tỏa tri thức.