Vì sao đề thi Ngữ văn vào lớp 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh được nhiều giáo viên khen ngợi?

Phan Anh
17:46 - 06/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh được nhiều giáo viên trên cả nước khen hay bởi vì cách ra đề sáng tạo, có độ mở cao, gần gũi với tâm lí lứa tuổi học sinh và có tính phân hóa.

Sáng 6/6, học sinh Thành phố Hồ Chí Minh làm bài thi tuyển sinh môn Ngữ văn với thời gian 120 phút. Đề thi có cấu trúc quen thuộc, gồm 3 phần, đó là đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Đề thi có nhiều "đất" cho học sinh sáng tạo

Đáng chú ý, câu đọc hiểu cho ngữ liệu là một bức thư, do ban ra đề thi viết ra chứ không phải trích dẫn từ sách hay báo chí như thường thấy ở đề thi tuyển sinh, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc này cho thấy, ban ra đề đã có sự đầu tư công phu, nghiêm cẩn về chuyên môn.

Theo đó, lá thư được gửi từ "cô giáo của em" với nội dung đong đầy yêu thương khi bàn về tuổi trẻ giàu suy nghĩ về cuộc sống xung quanh và những người thân yêu. Tuy vậy, các em thường giấu kín tâm tư của mình mà không thổ lộ với ai. Vậy nên tuổi trẻ cần chia sẻ bằng cách nói ra để bày tỏ cảm xúc, tâm trạng, để bộc lộ cái tôi.

Có thể nhận thấy, ngữ liệu ra rất phù hợp với tâm lí lứa tuổi 15, thí sinh cảm thấy nội dung được chia sẻ gần gũi với suy nghĩ của bản thân, giúp các em có hứng thú khi làm bài. Từ ngữ liệu, thí sinh trả lời 4 câu hỏi được thiết lập theo ma trận: nhận biết, thông hiểu và vận dụng ở mức thấp.

Câu nghị luận xã hội là một đề rất mở được tích hợp từ ngữ liệu phần đọc hiểu và ý thơ của nhà thơ Lê Minh Quốc. Từ đó, học sinh bàn về nhan đề: nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời. Học sinh khá giỏi có thể thỏa sức sáng tạo theo quan điểm bản thân, học sinh trung bình cũng làm được những yêu cầu cơ bản của đề vì đã được gợi ý từ ngữ liệu đọc hiểu.

Câu nghị luận văn học, học sinh có hai lựa chọn. Đề một bàn về tình yêu nước của con người Việt nam qua một khổ thơ, đoạn thơ. Học sinh có thể lựa chọn tác phẩm trong hoặc ngoài chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 9. Đây là yêu cầu nghị luận quen thuộc, học sinh đã được làm quen nhiều qua 4 năm bậc trung học cơ sở nên các em không hề gặp khăn khi làm bài.

Đề hai cũng là một câu hỏi có độ mở cao, đó là học sinh gửi bài viết về câu lạc bộ theo yêu cầu: chọn tác phẩm về đề tài gia đình và viết bài văn nghị luận trình bày về tình cảm gia đình. Và quan trọng hơn, qua đó, học sinh chia sẻ về cách bản thân trò chuyện và thấu hiểu tác phẩm đó.

Nhìn chung, câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học vừa phù hợp với Chương trình 2006 vừa phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh không thể "học tủ", "học vẹt", học theo văn mẫu mà phải hiểu đề để làm bài thi từ trải nghiệm và tri thức vốn có của bản thân.

Giám khảo cần tôn trọng chính kiến của thí sinh

Phần đọc hiểu, câu a, b, yêu cầu thí sinh phải làm đúng theo đáp án. Câu c, d, các em có thể trả lời theo quan điểm cá nhân, miễn sao hợp tình hợp lí. Câu trả lời có thể chưa hay thì giám khảo vẫn cho trọn điểm. Phần này thí sinh rất dễ lấy từ 2,5 đến 3.0 điểm.

Câu nghị luận xã hội có độ mở cao, thí sinh cần viết đủ bố cục, xác định được vấn đề cần nghị luận và triển khai thành bài văn khoảng 500 chữ là đạt mức trên trung bình. Bài đạt điểm khá, giỏi, yêu cầu thí sinh viết sáng tạo, lập luận chặt chẽ, có góc nhìn riêng. Thí sinh không được viết trái thuần phong mĩ tục, trái đạo đức, trái pháp luật.

Riêng câu nghị luận văn học, thí sinh cần viết đủ bố cục, xác định được yêu cầu cần nghị luận. Các em có thể lấy tác phẩm ngoài sách giáo khoa để phân tích, chứng minh miễn sao hợp lí. Giám khảo căn cứ vào hướng dẫn chấm của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh để cho điểm chính xác.

Có thể có những vấn đề chuyên môn phát sinh thì hai giám khảo cần thảo luận để đi đến thống nhất. Nếu cả hai không tìm được tiếng nói thì chuyên môn sẽ có quyết định cuối cùng có lợi cho thí sinh. Đề mở thì cách chấm cũng sẽ mở theo quan điểm của thí sinh nhưng vẫn bài làm phải bảo đảm quy chuẩn của một bài thi Ngữ văn.