Nhiều đề tài khoa học kĩ thuật ‘đao to búa lớn’ của học sinh bị phản ứng

Ly Hương
06:12 - 13/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Học sinh bậc trung học nghiên cứu về ung thư, đột quỵ, xơ vữa động mạch… là quá sức so với lứa tuổi của các em. Công chúng hoài nghi một số đề tài "đao to búa lớn" là hoàn toàn có cơ sở.

Bản chất tốt đẹp của cuộc thi khoa học kĩ thuật

Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT ngày 02/11/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông cho biết, mục đích của cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống.

Góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học.

Tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.

Tuy vậy, những năm qua, cuộc thi khoa học kĩ thuật của học sinh bậc trung học có không ít "lời ong tiếng ve" vì nhiều dự án mang đi dự thi được cho là quá tầm so với lứa tuổi của các em. Là giáo viên có thâm niên hướng dẫn học sinh bậc trung học phổ thông nghiên cứu khoa học kĩ thuật.

Vì sao đề tài khoa học kĩ thuật ‘đao to búa lớn’ của học sinh bị phản ứng? - Ảnh 2.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông từ các tỉnh thành gần đây. Nguồn: Tổng hợp

Cuộc thi của học sinh nhưng người lớn can thiệp quá nhiều?

Thầy Phan Anh - giáo viên bậc trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Hiện nay, có 22 lĩnh vực dự thi khoa học kĩ thuật, trong đó có một số lĩnh vực như: Khoa học động vật; Y Sinh và khoa học Sức khỏe; Kĩ thuật Y Sinh; Sinh học tế bào và phân tử… là quá sức đối với học sinh bậc trung học". 

"Ví dụ, học sinh nghiên cứu về ung thư là không phù hợp vì các em chưa đủ kiến thức. Học sinh phải học cả ngày gồm 13 môn không có đủ thời gian đến phòng thí nghiệm làm nghiên cứu. Chưa kể, phòng thí nghiệm ở các trường phổ thông chưa đạt chuẩn cho những nghiên cứu khoa học hàn lâm", thầy Phan Anh phân tích.

Theo ý kiến nhiều giáo viên khác, các học sinh trung học không có khả năng nghiên cứu khoa học hàn lâm vì các em chưa được dạy phương pháp nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, nhiều giáo viên vẫn chưa thể hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học vì không thầy cô chỉ quen việc giảng dạy, giáo dục học sinh, không quen nghiên cứu khoa học. 

"Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học hàn lâm của học sinh là do giáo viên hướng dẫn can thiệp bằng cách làm thay nhiều nội dung. Thậm chí, có luồng dư luận tiết lộ, một số đề tài đạt giải là do đi mua, sao chép từ các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Học sinh chỉ làm một vài công đoạn đơn giản, sau đó học thuộc lòng nội dung dự án và đi thi", thầy Phan Anh cho biết thêm.

Cần một sự minh bạch và rõ ràng trong việc tổ chức các cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông. Giáo viên cần có tự trọng nghề nghiệp khi nhận hướng dẫn học sinh, đừng biến cuộc thi của các em thành sân chơi của người lớn. Bên cạnh đó, giám khảo cần có tâm, có tầm, nghĩa là phải đặt ra những câu hỏi, tình huống… cốt làm sao kiểm tra bằng được nội dung dự án có phải do học sinh làm ra hay không.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện sử dụng phần mềm "chống đạo văn" có thể kiểm tra các bản in có dấu hiệu sao chép hay không. Các tỉnh thành khác có thể tham khảo khi chấm giải. Ở vòng chung kết cấp Thành phố, nội dung quan trọng nhất để hạn chế các tiêu cực trong cuộc thi là giám khảo phỏng vấn học sinh. Các câu hỏi của ban giám khảo sẽ giúp học sinh thể hiện được rõ nét năng lực của bản thân. Từ đó, có thể biết được học sinh có thực lực khi tham gia giải khoa học kỹ thuật hay không.