Có nên bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh?

Phan Anh
06:00 - 16/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cuộc thi khoa học kỹ thuật tạo động lực mạnh mẽ cho các em học sinh học tập, nghiên cứu, nuôi dưỡng và phát triển các ước mơ khoa học tạo sản phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống. Hãy để cuộc thi này là “sân chơi” thật sự của học sinh, tránh biến tướng thành “sàn đấu” của nhà trường, thầy cô.

Vì sao có luồng ý kiến đề xuất bỏ cuộc thi khoa học kĩ thuật?

Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lần đầu vào năm 2013. Từ đó đến nay, cuộc thi được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ 2 của năm học.

Có nên bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh? - Ảnh 1.

Tỉnh Hà Giang tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh năm 2022. Ảnh: CTV

Vào thời điểm đầu tháng 8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu đều thống nhất ý nghĩa, vai trò của cuộc thi khoa học kỹ thuật; tạo động lực mạnh mẽ cho các em học sinh học tập, nghiên cứu, nuôi dưỡng và phát triển các ước mơ khoa học tạo sản phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên và phụ huynh học sinh nêu ý kiến trên một số diễn đàn rằng, cần xem xét bãi bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh. Đây là cuộc thi có tính hình thức, không thực chất, tiềm ẩn nhiều gian dối. Các ý kiến nêu ra một số dẫn chứng như sau.

Thứ nhất, nhiều dự án lọt vào vòng chung kết Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia nhiều năm trở lại đây được cho là quá tầm hiểu biết, vượt ngoài khả năng thực hiện của học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đó là các đề tài liên quan đến tự động hóa; thuốc chữa ung thư; vật liệu nano; các kỹ thuật, thiết bị y học hiện đại; thuốc trừ sâu; trí tuệ nhân tạo...

Thứ hai, hầu hết các đề tài đạt giải xong đều có tình trạng "đắp chiếu", nghĩa là sản phẩm không có khả năng ứng dụng vào thực tiễn hay kết quả nghiên cứu không được chuyển giao để sản xuất sản phẩm bán ra thị trường. Kì thi chỉ hướng đến giải thưởng nhằm cộng điểm hay xét tuyển thẳng vào đại học của các em học sinh là tác giả của các dự án khoa học kĩ thuật.

Thứ ba, đề tài trùng lặp ý tưởng rất nhiều, thậm chí một số đề tài đã được các tác giả luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ công bố trước đó. Cùng với đó là sự nghi vấn, mặc dù học sinh đứng tên đề tài nhưng các em chỉ thực hiện một số công đoạn nhỏ, còn lại là sự can thiệp của cha mẹ học sinh, giáo viên hay các nhà khoa học.

Có nên bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh? - Ảnh 2.

Nghệ An tổ chức cuộc thi khoa học kĩ thuật cho học sinh năm 2022. Ảnh: CTV

Hãy để cuộc thi là "sân chơi" thật sự của học sinh

Thời điểm này, ngành giáo dục nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang chuẩn bị tổ chức cho học sinh thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp tỉnh để chọn ra những dự án tốt nhất dự thi cấp quốc gia vào cuối năm học. Để cuộc thi này là "sân chơi" thật sự của học sinh, các nhà trường cần quán triệt mục đích, ý nghĩa công tác nghiên cứu khoa học đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh.

Thứ nhất, thầy cô hướng dẫn và học sinh thực hiện dự án cần được tập huấn kĩ lưỡng về phương pháp nghiên cứu khoa học, tiêu chí đánh giá dự án khoa học kĩ thuật, hồ sơ dự thi khoa học kĩ thuật. Bởi vì đây là những nội dung mang tính quy định chung, nếu thầy trò không thực hiện đúng thì dự án sẽ bị loại.

Thứ hai, nhà trường cần tổ chức cho học sinh thi ý tưởng khoa học, từ ý tưởng mới bắt tay vào việc triển khai đề tài. Đề tài phải được các giáo viên có năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học hướng dẫn. Nhà trường nhất thiết phải thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học nhằm tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, theo quy định, cha mẹ học sinh, các chuyên gia, nhà khoa học được phép cố vấn, hỗ trợ học sinh trong quá trình nghiên cứu. Tuy vậy, cần phải xác định được nội dung dự án phải hoàn toàn do học sinh đảm nhiệm chứ không phải các em chỉ làm một vài công đoạn rồi sau đó đứng tên tác giả mang dự án đi thi.

Thứ tư, các giám khảo phải chấm thi cần công tâm, khách quan và phải có khả năng thẩm định được dự án nào thực sự do học sinh làm, dự án nào có sự can thiệp quá mức cho phép của người hướng dẫn, dự án nào sao chép ý tưởng, đạo văn… Cần thẳng tay loại bỏ các dự án vi phạm quy chế thi khoa học kĩ thuật đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT.

Thứ năm, nhiều giáo viên nêu quan điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sửa khoản 2 Điều 1 Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT: "Quy chế này áp dụng cho các cơ sở giáo dục có học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan" theo hướng bỏ đối tượng là học sinh trung học cơ sở vì các em chưa đủ kĩ năng, kiến thức để tham gia cuộc thi khoa học kĩ thuật.

Nếu không tìm ra giải pháp khuyến khích học sinh nghiên cứu tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới mà phải bỏ cuộc thi thì chưa phải là cách tối ưu phương pháp dạy và học. Các cơ sở giáo dục không nên đặt nặng thành tích nghiên cứu khoa học của học sinh. Thay vào đó, thầy cô hãy khuyến khích các em vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống thì mới đúng với mục đích, yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra.

Bình luận của bạn

Bình luận