Vi phạm liêm chính học thuật lan rộng ở các trường đại học trên thế giới?

Lam Linh
18:23 - 10/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Từ vụ việc vi phạm liêm chính học thuật của bà Claudine Gay - cựu Hiệu trưởng Đại học Harvard, một học giả nhận định chắc chắn còn nhiều vụ bê bối khác về đạo văn đang tiềm ẩn trong các trường đại học lớn.

Vi phạm liêm chính học thuật lan rộng ở các trường đại học trên thế giới?- Ảnh 1.

Cựu Hiệu trưởng Đại học Harvard - bà Claudine Gay phải đối mặt với hàng chục cáo buộc đạo văn trước khi từ chức vào ngày 2/1. Ảnh: Getty Images

Vụ vi phạm liêm chính học thuật của cựu Hiệu trưởng Harvard chỉ là "phần nổi của tảng băng trôi"?

Khi đề cập đến các vụ bê bối về liêm chính học thuật ở bậc giáo dục đại học, một học giả về Hiến pháp, người không xa lạ với các trường đại học ưu tú có quan điểm tự do chính thống, cho rằng việc cựu Hiệu trưởng Đại học Harvard - bà Claudine Gay từ chức có thể chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Bà Gay đã từ chức sau khi bị chỉ trích dữ dội vì cáo buộc đạo văn và phản ứng trước các câu hỏi về chủ nghĩa bài Do Thái tại các trường đại học Mỹ trong bối cảnh xung đột Hamas - Israel.

"Đó là lý do tại sao điều này trở thành vấn đề lớn. Rất nhiều khía cạnh của các cuộc tranh luận về văn hóa mà chúng ta đã trải qua trong vài năm qua đều được kết tinh trong tấm gương của Claudine Gay, và điều đó vượt xa việc đạo văn. Và việc đạo văn thật khủng khiếp, chứng minh bản thân chỉ là một học giả tầm thường", Ilya Shapiro của Viện Manhattan nói với Fox News Digital.

Một số người bảo vệ bà Gay cho rằng, việc sử dụng ngôn ngữ trùng lặp mà không ghi nguồn hoặc không đặt các phần văn bản trong ngoặc kép diễn ra liên tục. Song, theo Shapiro thì điều này thật đáng báo động, bởi đối với học sinh, họ chỉ cần mắc những lỗi trích dẫn nhỏ cũng bị đuổi học.

Shapiro đặt câu hỏi: "Liệu các vấn đề liên quan đến liêm chính học thuật, bao gồm việc lấy toàn bộ văn bản của các học giả khác mà không nêu rõ nguồn có thể ảnh hưởng đến giới học thuật khi ngay cả Hiệu trưởng Harvard cũng liên quan?". Do đó, Shapiro hoan nghênh và ủng hộ việc mở rộng cuộc điều tra về liêm chính học thuật.

Khi được hỏi liệu có còn những vụ bê bối khác về đạo văn đang rình rập trong các trường đại học lớn hay không, ông Shapiro khẳng định: "Tôi chắc chắn còn nhiều hơn nữa. Theo tôi, cần điều tra tất cả các lãnh đạo trường đại học".

"Rõ ràng tham nhũng học thuật đang diễn ra trước khi đề cập đến vấn đề mọi người bị phân biệt đối xử vì những quan điểm cá nhân hay sắc tộc", ông Shapiro nói thêm.

Theo Fox News, học giả Shapiro hiểu rõ năng lực chuyên môn của bà Gay khi bà có những sách xuất bản quá mỏng. Điều này cho thấy bà Gay khó có thể đảm nhận vị trí giảng dạy ở hầu hết các trường đại học chứ đừng nói đến việc trở thành hiệu trưởng của một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới. Tuy nhiên, ngay cả sau khi từ chức, bà Gay vẫn sẽ là giáo sư tại Đại học Harvard.

Những người chỉ trích bà Gay cho rằng, sự thăng tiến của bà là một ví dụ về những cạm bẫy của việc học viện cố định các chính sách đa dạng, công bằng và hòa nhập, ưu tiên danh tính hơn thành tích.

Vi phạm liêm chính học thuật lan rộng ở các trường đại học trên thế giới?- Ảnh 5.

"Việc bà Gay ra đi là do vi phạm liêm chính học thuật chứ không phải vì chủng tộc như những người ủng hộ bà đã lên tiếng" - theo học giả Ilya Shapiro của Viện Manhattan. Ảnh: YouTube

Shapiro nói: "Phần lớn những gì chúng ta đã thấy ở giáo dục đại học và sự suy thoái cũng như tham nhũng của nó là do sự quan liêu phình to. Việc bà Gay là Hiệu trưởng Đại học Harvard - trường đại học danh tiếng nước Mỹ nhưng bị cáo buộc đạo văn hay bị chỉ trích vì phản ứng với chủ nghĩa bài Do Thái đã khiến vấn đề về liêm chính học thuật trở thành cơn bão hoàn hảo".

Cáo buộc cựu Hiệu trưởng Harvard đạo văn liên quan đến phân biệt chủng tộc?

Với những người ủng hộ cựu Hiệu trưởng Đại học Harvard, họ cho rằng, việc từ chức và sự sụp đổ của bà Gay là "một cuộc săn phù thuỷ xấu xa", thậm chí phân biệt chủng tộc nhằm hạ bệ một người phụ nữ da màu thành đạt chứ không nhằm cải cách giáo dục đại học.

Trong một bài luận trích dẫn trên New York Times, bà Gay nói rằng mình là nạn nhân của một chiến dịch phối hợp "tái chế những định kiến chủng tộc về tài năng và tính khí của người da màu".

Tuy nhiên, theo Shapiro, việc bà Gay ra đi là do vi phạm liêm chính học thuật chứ không phải vì chủng tộc như những người ủng hộ bà đã lên tiếng. Ông Shapiro lấy dẫn chứng, cựu Chủ tịch Đại học Stanford, ông Marc Tessier-Lavigne, người da trắng, đã từ chức trong hoàn cảnh tương tự vào năm ngoái. Ông Marc Tessier-Lavigne đã bị cáo buộc gian lận và sai sót nghiêm trọng trong 5 bài báo nghiên cứu khoa học ông đứng tên.

Hay trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, cùng với bà Gay, Hiệu trưởng Đại học Pennsylvania, Liz Magill, một phụ nữ da trắng có câu trả lời không rõ ràng khi được hỏi liệu những lời kêu gọi diệt chủng người Do Thái có vi phạm quy tắc ứng xử của trường đại học hay không. Việc trả lời mơ hồ đã gây ra làn sóng phản đối và bà Liz Magill cũng đã nghỉ việc vào tháng trước khi các nhà tài trợ của trường đại học bắt đầu rút tiền tài trợ của họ.

"Rõ ràng là có sự cay đắng khi những người khác đã phát hiện ra hành vi đạo văn, sau đó các nhà điều tra đã đào sâu hơn và tìm thấy bằng chứng ngày càng lớn hơn về vi phạm liêm chính học thuật của bà Gay. Và vì vậy, họ đã cố gắng điều tra để làm sáng tỏ vấn đề", ông Shapiro nói.

Cựu Hiệu trưởng Đại học Harvard từ chức sau khi bị cáo buộc vi phạm liêm chính học thuật

Hiệu trưởng Đại học Harvard - bà Claudine Gay đã bị chỉ trích trong những tháng gần đây sau khi xuất hiện các báo cáo cáo buộc rằng bà sử dụng "ngôn ngữ trùng lặp mà không ghi nguồn" trong luận án tiến sĩ năm 1997 và 6 công trình nghiên cứu khác của mình.

Sau đó, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục và Lực lượng Lao động Hạ viện Mỹ - bà Virginia Foxx yêu cầu Đại học Harvard công khai các tài liệu liên quan đến cáo buộc đạo văn của bà Claudine Gay; công khai các biện pháp kỷ luật được thực hiện đối với sinh viên, giảng viên Đại học Harvard khi vi phạm liêm chính học thuật và các thông tin khác về các hướng dẫn áp dụng cho trường hợp này trước ngày 29/12.

Đồng thời cho biết cơ quan này sẽ mở rộng cuộc điều tra việc Hiệu trưởng Claudine Gay bị tố đạo văn để đảm bảo cán bộ, giảng viên và sinh viên Harvard đều được đối xử như nhau.

Vụ lùm xùm khác liên quan đến phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ của bà Gay cùng với những người đứng đầu Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Pennsylvania vào tháng trước. Khi đó, bà Gay từ chối nói rõ ràng liệu việc kêu gọi diệt chủng người Do Thái có vi phạm quy tắc ứng xử của Đại học Harvard hay không. Việc trả lời mơ hồ này đã gây ra làn sóng phản ứng nhắm vào bà Gay.

Sau những bê bối trên, bà Claudine Gay đã tuyên bố từ chức và cho biết sẽ trở lại vị trí giảng viên của Đại học Harvard.

Nguồn: Foxnews