Vấn đề pháp lý vụ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam bị nhiều phụ huynh đòi nợ

Lam Linh
15:10 - 26/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Mới đây, một số phụ huynh học sinh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam có trụ sở tại huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh đã tố cáo và đòi trường này trả nợ hàng chục tỉ đồng.

Vấn đề pháp lý vụ trường quốc tế bị nhiều phụ huynh đòi nợ - Ảnh 1.

Phụ huynh tập trung trước Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đòi nợ. Ảnh: TP

Lý do Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam bị tố cáo

Theo phản ánh, một số phụ huynh đã ký kết hợp đồng vay vốn không lãi với Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam để trường này có nguồn vốn đầu tư cho giáo dục. Cụ thể, nếu phụ huynh tham gia hợp đồng, tức cho nhà trường vay một khoản tiền không tính lãi thì học sinh sẽ được miễn học phí trong suốt quá trình theo học tại trường. 

Thời hạn hợp đồng được tính từ ngày hai bên ký hợp đồng cho đến khi học sinh hoàn thành khóa học hoặc hoàn tất các thủ tục ngưng học tại trường như: chuyển trường, không thể tiếp tục học vì lý do sức khỏe...

Tuy nhiên, nhiều trường hợp học sinh đã hoàn thành chương trình học tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam hoặc hoàn tất thủ tục chuyển trường nhưng mọi cam kết hoàn trả tiền khi đến thời hạn từ bên vay đều không được thực hiện.

Phụ huynh khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Có thể thấy, sự việc trên xuất phát từ vấn đề mâu thuẫn trong khi giải quyết các khoản nợ có liên quan đến hợp đồng vay tiền giữa phụ huynh và Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam. 

Trước hết, thấy rằng, hợp đồng vay vốn trong trường hợp này đã được hình thành từ sự đồng thuận và thống nhất ý chí giữa phụ huynh và trường quốc tế. Cả hai bên đã tự nguyện ký kết hợp đồng vay vốn dưới hình thức văn bản.

Về mặt lợi ích, khi tham gia hợp đồng vay tài sản này, phụ huynh đóng vào trường một khoản tiền để trong suốt thời gian học, con của họ được học miễn phí, đồng thời sau khi học sinh hoàn thành việc học, phụ huynh được hoàn trả số tiền đã cho nhà trường vay.

Tuy nội dung hợp đồng có ghi phụ huynh không tính lãi suất của khoản tiền vay trong suốt thời gian học sinh tham gia chương trình đào tạo chính khóa tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam. Nhưng có thể hiểu, về bản chất, đây là một hợp đồng vay có đền bù (vay có lãi). Khoản lãi chính là lợi ích vật chất, cụ thể là số tiền chi trả cho việc hỗ trợ học tập và đào tạo miễn phí cho học sinh.

Theo công bố, học phí năm học 2023-2024 của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam dao động từ 280 triệu đồng đến mức cao nhất 725 triệu đồng/năm. Mức học phí này chưa tính hàng loạt các khoản phí khác như phí hồ sơ đầu vào, phí ghi danh, phí chương trình phát triển Anh ngữ... lên đến cả trăm triệu đồng.

Do đó có nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh không hoàn toàn bị thiệt thòi khi ký hợp đồng cho vay. Bởi họ cũng đã tính mối lợi là không phải nộp một số tiền học lớn cho con, đồng thời được hoàn trả số tiền cho vay sau khi học sinh hoàn thành khóa học hoặc ngưng học tại trường.

Nhưng thấy rằng, trường học là trường học, không phải doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính nên vụ việc cần được tìm hiểu để xử lý nghiêm minh và hợp pháp.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành cùng với những thông tin trên thì khi đến hạn, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam phải trả đủ tiền cho phụ huynh đã tham gia ký kết hợp đồng vay vốn. 

Đồng thời, khi đến hạn, nếu nhà trường không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì phụ huynh có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất là 10%/năm (khoản 2, điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015) trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Để giải quyết được vấn đề này, phụ huynh cần làm đơn kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự về việc yêu cầu bị đơn là Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam trả số tiền đã vay và lãi suất theo quy định của pháp luật.

Vấn đề pháp lý vụ trường quốc tế bị nhiều phụ huynh đòi nợ - Ảnh 2.

Học phí năm học 2023-2024 của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam dao động từ 280 triệu đồng đến mức cao nhất 725 triệu đồng/năm. Ảnh: website Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam có dấu hiệu "chiếm đoạt tài sản"?

Với những thông tin ban đầu thì mâu thuẫn và tranh chấp giữa phụ huynh với Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam thuộc về tranh chấp dân sự.

Tuy nhiên, phản ánh với báo chí, một số phụ huynh cho biết, mọi liên hệ với bà Nguyễn Thị Út Em - người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam để giải quyết việc không trả nợ khi đã quá hạn thanh toán đều không thực hiện được, thậm chí bị cản trở. 

Mãi đến khi báo chí vào cuộc thì đại diện trường mới lên tiếng về vấn đề này. Điều này cho thấy trước đó, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đã cố tình né tránh, không phản hồi về việc sẽ giải quyết khoản nợ cho phụ huynh.

Mặt khác, sau khi bị phụ huynh tập trung, căng băng rôn đòi nợ trước cổng trường vào sáng ngày 21/9, đại diện Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đã lên tiếng cho rằng, khoản nợ mà phụ huynh nhắc đến thực chất là số tiền đầu tư giáo dục - tức mục đích của hợp đồng vay vốn là để nhà trường đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

Như vậy, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam sẽ có dấu hiệu phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nếu sau khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và phát hiện ra một trong những sai phạm sau:

- Trường Quốc Tế Mỹ Việt Nam đã sử dụng nguồn tiền huy động được từ phụ huynh vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản theo cam kết của hợp đồng đã ký. 

Chẳng hạn như, trường hợp cơ quan chức năng xác minh rằng, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đã sử dụng khoản tiền vay từ phụ huynh vào việc kinh doanh mạo hiểm như: kinh doanh chứng khoán, đầu tư bất động sản... mà không đầu tư vào việc xây dựng, phát triển trường học thì cơ sở giáo dục này sẽ có dấu hiệu phạm tội.

- Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản có được thông qua hình thức hợp đồng hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Lưu ý dành cho phụ huynh khi ký hợp đồng vay vốn

Thấy rằng, thay vì vay tiền ngân hàng, một trường học đã huy động vốn từ phụ huynh thông qua chương trình hoàn lại học phí để đầu tư cho chất lượng giáo dục của nhà trường là một nhu cầu lành mạnh. Nếu thực hiện tốt, cả phụ huynh và nhà trường cùng có lợi.

Tuy nhiên, việc cho nhà trường vay một khoản tiền lên đến hàng tỉ đồng cũng vô cùng nguy hiểm vì số tiền đầu tư càng lớn thì tiềm ẩn nguy cơ rủi ro càng cao. Bởi thực tế cho thấy, việc một trường học ngoài công lập hoạt động như một công ty, hay doanh nghiệp gặp sự cố, bị thua lỗ, thậm chí phá sản là hoàn toàn có khả năng xảy ra, đặc biệt trong "bức tranh" kinh tế hậu COVID-19 như hiện nay.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi ký kết hợp đồng vay tài sản, các bên có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay và bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản của bên vay.

Vậy nên để giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất, phụ huynh có quyền yêu cầu cơ sở giáo dục cam kết về việc chỉ sử dụng nguồn tiền đã vay vào đầu tư giáo dục của nhà trường, chứ không phải cho bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khác. Đồng thời yêu cầu minh bạch thông tin về việc đầu tư và quản lý tài chính thông qua hợp đồng ký kết giữa hai bên.

Bên cạnh đó, trước khi cho trường học vay vốn, phụ huynh cần tìm hiểu thông tin liên quan đến người đứng đầu nhà trường, "sức khoẻ" tài chính và khả năng phát triển của trường diễn ra theo lộ trình như thế nào. Từ đó cân nhắc lại việc ký hợp đồng với trường học hoặc nên cho vay với số tiền bao nhiêu là hợp lý.

Cuối cùng, khi nhận thấy trường học có dấu hiệu mất khả năng trả nợ, phụ huynh nên báo cáo, trình bày sự việc với cơ quan quản lý giáo dục địa phương là sở giáo dục và đào tạo để được đưa ra phương án xử lý. 

Đồng thời, phụ huynh có thể tố cáo với cơ quan công an theo quy định của pháp luật hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự.

Trong trường hợp nhận thấy trường học sắp phá sản hoặc tuyên bố phá sản, phụ huynh là "chủ nợ" có quyền yêu cầu cơ quan chức năng phong tỏa tài sản của trường để thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo các quy định của Luật Phá sản.

Bình luận của bạn

Bình luận