Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa bị đề nghị mức án 4-5 năm tù

Lam Linh
07:23 - 17/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa - bà Phạm Thị Hằng bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đề nghị mức án 4-5 năm tù với hành vi "thông thầu", hưởng lợi tiền tỉ từ doanh nghiệp.

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa bị đề nghị mức án 4-5 năm tù - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Thị Hằng - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá được áp giải đến phiên tòa vào ngày 20/7 . Ảnh: Huy Hoàng

Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, bị cáo Phạm Thị Hằng - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đề nghị xử phạt 4-5 năm tù trong phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra vừa qua.

Cũng trong vụ án này, bị cáo Lê Thế Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa và Nguyễn Văn Phụng - nguyên Phó phòng Kế hoạch tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng bị đề nghị xử phạt cùng mức án là 4-5 năm tù.

Các bị cáo Lê Văn Cương - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa; Trịnh Hữu Nghĩa - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa; Bùi Trí Thức - nguyên chuyên viên Phòng Kế hoạch tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, bị đề nghị xử phạt từ 3-4 năm tù.

Các bị cáo Đặng Xuân Minh - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá BTC Value; Hồ Thị Sáu - nguyên Giám đốc khối thẩm định thuộc Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC Value; Nguyễn Quốc Việt - thẩm định viên Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC Value; Vũ Thị Ninh - Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa; Bùi Việt Long - nguyên Phó phòng Kinh doanh, Công ty Hoàng Đạo, bị đề nghị phạt từ 18-38 tháng tù.

Riêng bị cáo Nguyễn Duy Linh - nguyên Giám đốc Công ty Nam Anh bị đề nghị phạt từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án 

Trước khi tranh luận trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đọc bản luận tội đối với từng bị cáo.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa nhận định, các bị cáo Phạm Thị Hằng; Lê Thế Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa; Nguyễn Văn Phụng - nguyên Phó phòng Kế hoạch tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa là những người chịu trách nhiệm chính trong vụ án.

Cụ thể, sau khi nhận lời đề nghị tạo điều kiện của Lê Thế Sơn, Phạm Thị Hằng đã chỉ đạo cấp dưới giúp đỡ, thực hiện hành vi thông thầu cho công ty của Lê Thế Sơn trúng thầu. Hành vi của bị cáo Phạm Thị Hằng đã xâm phạm trật tự kinh tế, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng và có hành vi vi phạm 2 lần.

Bị cáo Lê Thế Sơn là người đứng đầu liên danh các nhà thầu, trực tiếp móc nối thông thầu với chủ đầu tư, thực hiện hành vi phạm tội 2 lần. Nguyễn Văn Phụng là người trực tiếp thực hiện các hành vi phạm tội diễn ra trong suốt quá trình thực hiện 2 gói thầu.

Trên cơ sở kết luận điều tra và các chứng cứ có được, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị truy tố 12 bị cáo trong vụ án này cùng về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Được xét hỏi, bị cáo Phạm Thị Hằng khai nhận bản cáo trạng truy tố là hoàn toàn đúng. Theo bị cáo Hằng, do thiếu hiểu biết về đấu thầu, và tin tưởng các đồng nghiệp cấp dưới nên không xem xét, kiểm tra kỹ và đã ký thông qua các hồ sơ, văn bản.

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cũng thừa nhận khi kết thúc 2 gói thầu, cựu lãnh đạo này được Nguyễn Văn Phụng đưa cho 2,8 tỉ đồng tiền "cảm ơn". Ngoài nhận số tiền này, dịp gần Tết năm 2021, bị cáo Lê Thế Sơn cũng đã đến "chúc Tết" bị cáo Phạm Thị Hằng 200 triệu đồng.

Nói về hậu quả do mình gây ra, bị cáo Phạm Thị Hằng đã nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu. 

Sau 2 ngày xét xử vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đối với 12 bị cáo, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ nghị án trong vòng 1 ngày và tuyên án vào ngày 18/8.

Bị cáo Phạm Thị Hằng đã phạm tội như thế nào?

Theo cáo trạng, năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa triển khai 2 gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình sách giáo khoa mới từ năm 2020-2021 cho các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tổng giá trị hơn 119 tỉ đồng.

Nội dung cáo trạng nêu, bị can Phạm Thị Hằng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Công ty sách Thanh Hóa tham gia và trúng thầu.

Kết luận giám định tài sản cho thấy tại gói thầu số 1 giá trị thực tế là 24,9 tỉ đồng nhưng đã bị nâng khống lên 32,6 tỉ đồng (chênh lệch 7,6 tỉ đồng). Tại gói thầu số 2, giá trị thẩm định thực tế là 73,7 tỉ đồng, trong khi gói thầu thực hiện gần 87 tỉ đồng (nâng khống 13,2 tỉ đồng). Tổng giá trị 2 gói thầu bị nâng khống, gây thất thoát ngân sách Nhà nước là trên 20,8 tỉ đồng.

Bà Phạm Thị Hằng được hưởng lợi trái pháp luật 3 tỉ đồng và bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam giữa tháng 7/2021.

Sau khi vụ việc được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vào cuộc điều tra, các bị cáo và những người liên quan đã nộp lại 10,6 tỉ đồng. Trong đó bị cáo Phạm Thị Hằng nộp khắc phục hậu quả 5 tỉ đồng; Trịnh Hữu Nghĩa nộp lại 1,65 tỉ đồng; Lê Văn Cương 550 triệu đồng; Nguyễn Văn Phụng 700 triệu đồng; Bùi Trí Thức 300 triệu đồng; Lê Thế Sơn 2 tỉ đồng.

Tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" bị xử phạt như thế nào? 

Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" như sau:

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

b) Thông thầu;

c) Gian lận trong đấu thầu;

d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quy định của pháp luật thì đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. 

Căn cứ vào Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì có thể hiểu tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" là hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; chuyển nhượng thầu trái phép do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Hành vi khách quan của tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" thể hiện qua việc người phạm tội đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

"Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" là tội có cấu thành vật chất, được coi là đã hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra hậu quả thực tế. 

Hành vi phạm tội này đã gây thiệt hại vào việc thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Xâm phạm công tác quản lý hoạt động đấu thầu các công trình, dự án của Nhà nước. Xâm phạm tới hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh quốc gia.

Lỗi của tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" là lỗi cố ý trực tiếp. Điều này có nghĩa là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và thấy trước hậu quả của hành vi đó, nhưng vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra và đã lựa chọn cách xử sự trái với quy định của pháp luật.

Hình phạt đối với tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"

Theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng nếu có đủ các yếu tố cấu thành của tội về mặt khách quan, chủ quan, chủ thể và khách thể thì người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phải chịu mức án đến 20 năm tù, tùy tính chất và mức độ hành vi phạm tội.

- Khung 1 của tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" đó chính là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Khung 2 của tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.

- Khung 3 của tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

- Hình phạt bổ sung đối với tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" là bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ phạm tội với mức xử phạt có thể lên đến 20 năm tù. 

Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.