Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh - tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục

HN
06:00 - 02/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

“Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943)" là bộ sưu tập độc bản viết tay bằng chữ Hán, chữ Nôm, gồm 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng; 19 tờ văn bằng, 3 bức trướng bằng lụa.

Tư liệu nguyên gốc, độc bản được UNESCO vinh danh

Ngày 26/11/2022, tại Kỳ họp thứ 9 ở thành phố Andong (Hàn Quốc), Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) đã vinh danh "Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)" là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (cùng “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” của Việt Nam và 7 hồ sơ của các quốc gia khác).

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943) là bộ sưu tập độc bản viết tay bằng chữ Hán và chữ Nôm, gồm 48 tư liệu của 3 dòng họ (Nguyễn Huy, Trần Văn và họ Hoàng) tại làng Trường Lưu, Hà Tĩnh.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943) - tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục - Ảnh 1.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943). Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Trong đó, 26 tư liệu là các sắc phong do các vua triều Lê và Nguyễn (1689 - 1943) ban tặng; 19 văn bản hành chính do chính quyền địa phương gửi cho người dân thuộc xã Trường Lưu dưới thời Nguyễn (1803 - 1943) và 3 bức trướng bằng lụa tặng cho các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt năm 1939.

Đặc biệt, 6/48 tài liệu có nội dung về bình đẳng giới, bao gồm 5 sắc lệnh tôn vinh vai trò của phụ nữ (“Thánh Mẫu”, “Thưa bà”, “Tấm gương trung thành hoàn hảo”, "Ví dụ về đức hạnh”,…)

5 sắc phong này đã được Văn phòng UNESCO tại Bangkok đưa vào giới thiệu tại Triển lãm “Women in History - Telling HERstory through Memory of the World” ngày 8/3/2021.

Hồ sơ Văn bản Hán Nôm làng văn hóa Trường Lưu (1689 - 1943) trình UNESCO khẳng định: “Bộ sưu tập là bằng chứng xác thực cho các nghiên cứu liên quan đến lịch sử, giáo dục, chính trị, văn hóa, danh nhân, bình đẳng giới và ca ngợi phụ nữ, truyền thống hiếu học, kính trọng người cao tuổi của một làng quê tiêu biểu Việt Nam cụ thể là làng Trường Lưu; giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử của đất nước trong một thời gian dài (1689 - 1943). Mỗi tài liệu được xem như một tác phẩm nghệ thuật nguyên bản".

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943) - tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục - Ảnh 2.

Chứng nhận "Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” là Di sản tư liệu khu vực

châu Á - Thái Bình Dương.

Chất liệu mang tin đa dạng như giấy dó, giấy dó đặc biệt và lụa; chữ viết đẹp, rõ ràng.

Văn bản có giá trị nguyên gốc, độc bản, nguồn gốc rõ ràng. Nhiều sự kiện liên quan đã từng làm nguồn tư liệu để biên soạn sách. Nhiều thông tin có thể kiểm chứng, đối chiếu qua các tài liệu chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục; hay các sách khảo cứu như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục của một làng quê ở miền Trung Việt Nam, trải qua nhiều biến cố, vẫn được lưu giữ. Đây là các tư liệu gốc giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng quê thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX.

Làng văn hóa Trường Lưu

Làng Trường Lưu thuộc huyện La Sơn, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những làng văn hóa nổi tiếng của Việt Nam. Nơi đây là quê hương của dòng họ Nguyễn Huy với 3 danh nhân văn hóa Việt Nam và nhiều nhà khoa bảng, tú tài khác.

Đây cũng là một trong những miền quê văn hóa có nhiều di tích lịch sử mang đậm dấu ấn của truyền thống hiếu học. Những giá trị văn hóa ấy đang được người dân nơi đây gìn giữ và phát huy. 

Làng Trường Lưu có lịch sử hơn 5 thế kỷ, song nổi tiếng khắp nước từ khi Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) về hưu dày công xây dựng thành một làng có 8 cảnh đẹp:

Quan thị triêu hà (Ráng sớm trước chợ Quan);

Phượng sơn tịnh chiếu (Nắng chiều trên núi Phượng);

Hân tự hiểu chung (Chuông gọi sáng chùa Hân);

Nghĩa thương vãn thác (Tiếng mõ chiều kho Nghĩa);

Cổ miếu âm dung (Bóng rợp che cổ miếu);

Liên trì nguyệt sắc (Ánh trăng dưới hồ sen);

Thạc tính tuyền hương (Hương thơm nước giếng Thạc);

Nguyễn trang hoa mỵ (Hoa đẹp trong trang viên họ Nguyễn).

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943) - tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục - Ảnh 4.

Đình làng Trường Lưu. Ảnh: Huy Tùng/Báo Hà Tĩnh

Thám hoa Nguyễn Huy Oánh cũng là người khơi nguồn cho đạo học cho vùng đất Trường Lưu. Sinh thời, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, là thầy dạy của chúa Trịnh Sâm.

Con trai Thám hoa Nguyễn Huy Oánh là Nguyễn Huy Tự, cháu nội là Nguyễn Huy Hổ đều là những những bậc văn tài thời bấy giờ. Cả Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Huy Hổ đều lần lượt đã được công nhận là Danh nhân văn hóa Việt Nam.

Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã lập nên Phúc Giang thư viện - nơi có cả một xưởng in với hàng nghìn bản sách được in khắc gỗ. Từ Phúc Giang thư viện, ông mở trường dạy học gọi là "Thạc Đình học hiệu" (cũng có người gọi là Trường Lưu học hiệu) để đào tạo nhân tài cho vùng quê xứ Nghệ. Từ Thạc Đình học hiệu đã có 30 ông nghè (tiến sĩ) và hàng mấy trăm ông cống, nhiều người nổi danh về sau như Phạm Quý Thích, Phạm Nguyễn Du.... Cũng chính Nguyễn Huy Oánh đã tậu 20 mẫu ruộng, gọi là ruộng "học điền" để khuyến khích con em theo nghiệp học hành khoa cử. Sau này ông được vua ban khen "lấy văn trồng người mở kế trăm năm".

Làng Trường Lưu hội tụ rất nhiều di sản vật thể, phi vật thể ở tầm quốc gia, quốc tế. 

Trường Lưu được coi là cái nôi của hát ví, giặm Nghệ Tĩnh (đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2014).

Ngôi làng này sở hữu tới 3 Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO: “Mộc bản Trường học Phúc Giang”; “Hoàng hoa sứ trình đồ” và gần đây nhất là "Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943)".

Người đưa di sản làng Trường Lưu ra thế giới

Di sản tư liệu "Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943)" do Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ chủ trì sưu tầm, thẩm định và cùng tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hồ sơ trình UNESCO.

Các tài liệu được Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ sưu tầm từ các nhà thờ dòng họ, điện thờ... tại làng Trường Lưu. Phần lớn tài liệu được bảo quản cẩn thận, giữ nguyên bản, chữ và con dấu của nhà vua rõ ràng.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943) - tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục - Ảnh 5.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ - hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu, Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN

Báo Hà Tĩnh dẫn lời Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ: “Để xây dựng thành công hồ sơ Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, chúng tôi mất khá nhiều thời gian. Không kể thời gian trước đó, thì tính từ năm 2019, sau khi tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc tế nghiên cứu giá trị di sản Hán Nôm thế kỷ XVII - XX của dòng họ Nguyễn Huy, huyện Can Lộc, việc sưu tầm, nghiên cứu, thẩm định mới bắt đầu diễn ra tập trung và mở rộng đến các dòng họ khác. Sau 3 năm tích cực sưu tầm, nghiên cứu, nhiều lần chỉnh sửa chúng tôi đã hoàn thành hồ sơ để trình lên UNESCO trong Kỳ họp thứ 9 này".

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ nguyên là Trưởng phòng nghiên cứu Nga - Việt, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, là hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu, Hà Tĩnh.

Dù là một nhà khoa học tự nhiên, Giáo sư rất tâm huyết với văn hóa và di sản tinh thần của dòng họ. Hàng chục năm qua, ông đã cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Viện Nghiên cứu Văn học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm tư liệu, hiện vật, xuất bản nhiều công trình khoa học có giá trị.

Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ cũng là người có nhiều công lao trong việc gìn giữ, quảng bá 2 Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO là "Hoàng hoa sứ trình đồ" và "Mộc bản trường học Phúc Giang".

Nguồn: MOWCAP, Báo Hà Tĩnh, Cục Di sản văn hóa