Vaccine dạng xịt và dạng dán, loại nào chống SARS-CoV-2 hiệu quả hơn?

Minh Ngọc
17:21 - 15/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Vaccine dạng xịt (Nga) và vaccine dạng dán (Australia) được các nhà nghiên cứu khẳng định hiệu quả chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2 thông qua thử nghiệm lâm sàng.

Vaccine dạng xịt

Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya của Nga, cho biết vaccine xịt mũi đã chứng minh hiệu quả đối với tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Ông Gintsburg cho biết các kết quả nghiên cứu và thử nghiệm chứng minh rằng vaccine xịt mũi hiệu quả cao trong chống lại tất cả các chủng virus, đồng thời hình thành khả năng miễn dịch tại niêm mạc mũi đối với mầm bệnh.

Vaccine dạng xịt và dạng dán chống lại các chủng virus SARS-CoV-2 hiệu quả hơn? - Ảnh 1.

Vaccine ngừa COVID-19 Sputnik Light của Nga. Ảnh: Sputnik

Bộ Y tế Nga đã đăng ký cấp phép cho loại vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi đầu tiên trên thế giới này vào tháng 4 năm nay. Tháng 11/2021, Tổng thống Vladimir Putin tình nguyện tham gia thử nghiệm vaccine và cho biết bản thân không gặp bất kỳ phản ứng phụ nào sau đó.

Theo cơ quan y tế Nga, vaccine dạng xịt do Nga nghiên cứu chứa hai thành phần dựa trên virus vector Adeno loại 5 (Ad5) và 16 (Ad15). Vaccine này gồm 2 liều được sử dụng cách nhau 3 tuần.

Loại vaccine dạng xịt mũi này sẽ tạo ra miễn dịch niêm mạc chống lại virus SARS-CoV-2 trong đường hô hấp. Cụ thể, việc sử dụng vaccine sẽ tạo phản ứng miễn dịch dịch thể (tăng hiệu giá kháng thể IgA trong máu và dịch tiết mũi cũng như hiệu giá kháng thể IgG trung hòa virus trong máu) và đáp ứng miễn dịch tế bào đối với nhiễm trùng do SARS-CoV-2.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya hy vọng các chuyên gia sẽ sử dụng vaccine mới làm liều tăng cường, bên cạnh vaccine Sputnik V, cho đến khi có đủ bằng chứng cho thấy phương pháp xịt mũi trên mang lại mức độ bảo vệ tương tự như khi tiêm dưới da.

Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký cấp phép vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 8/2020. Bộ Y tế Nga cũng đã đăng ký cấp phép cho loại vaccine dành riêng cho thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi mang tên Sputnik M. Theo ông Gintsburg, nước này đang thử nghiệm lâm sàng vaccine Sputnik dành cho trẻ em từ 6 - 11 tuổi.

Sau Nga, Cuba và một số nước phương Tây cũng tiến hành thử nghiệm vaccine dạng xịt cho phép miễn dịch khử trùng chống lại virus SARS-CoV-2, tức là sử dụng đường niêm mạc mũi để tạo ra phản ứng tức thì ngay khi virus xâm nhập vào cơ thể, nhanh chóng vô hiệu hóa mầm bệnh và triệt tiêu khả năng tái tạo.

Vaccine dạng dán

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Queensland (Australia) đã nghiên cứu, thử nghiệm một loại vaccine dạng dán thế hệ mới được đánh giá là hiệu quả hơn so với các loại vaccine dạng tiêm truyền thống trong việc phòng ngừa các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Vaccine dạng dán Hexapro do trường Đại học Queensland hợp tác phát triển cùng Công ty công nghệ sinh học Vaxxas (có trụ sở tại Brisbane, Australia). Khi được dán lên da, hàng nghìn vi kim trên miếng dán sẽ "tiêm" vaccine vào cơ thể. Tiến sĩ Chris McMillan làm việc tại Khoa Hóa học và Sinh vật học phân tử thuộc trường Đại học Queensland giải thích: "Miếng dán vi kim mật độ cao này là một nền tảng phân phối vaccine, giúp đưa vaccine vào các tế bào miễn dịch nằm sâu dưới da một cách chính xác".

Vaccine dạng xịt và dạng dán chống lại các chủng virus SARS-CoV-2 hiệu quả hơn? - Ảnh 2.

Các nhà khoa học Australia nghiên cứu vaccine dạng dán. Ảnh: Đại học Queensland

Để kiểm tra tính hiệu quả, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu đối với 8 con chuột, được chia thành 2 nhóm, trong đó 1 nhóm được tiêm vaccine Hexapro theo cách truyền thống, còn nhóm còn lại ứng dụng công nghệ vaccine dán. Sau đó, các nhà khoa học lấy máu của những con chuột này để thử nghiệm đối với từng biến thể gây bệnh COVID-19, trong đó bao gồm cả các dòng phụ của các biến thể Alpha, Delta và Omicron. Kết quả cho thấy vaccine loại dán tạo ra phản ứng miễn dịch vượt trội và hiệu quả hơn trong việc vô hiệu hóa cả hai biến thể Omicron và Delta.

Tiến sĩ David Muller thuộc trường Đại học Queensland cho biết điều này đưa ra những bằng chứng sơ bộ rằng vaccine loại dán có thể giúp chống lại các biến thể ngày càng đột biến của virus SARS-CoV-2. Tuy không phủ nhận sự cần thiết của việc tiêm chủng ngừa COVID-19, nhưng ông Muller cũng cho rằng sự suy giảm hiệu quả của các loại vaccine hiện nay ngày càng rõ rệt hơn với sự xuất hiện của Omicron - biến thể chứa hơn 30 đột biến trong protein gai.

Theo Tiến sĩ Muller, công nghệ vaccine dạng dán cũng có triển vọng giúp mở rộng khả năng tiếp cận của người dân các nước với các loại vaccine ngừa bệnh trong tương lai, do tính dễ dàng vận chuyển, sử dụng và chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ phòng (trong tối đa 30 ngày).

Giám đốc điều hành Vaxxas - ông David Hoey cho biết Công ty đang lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, với việc chuyển sang thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trước khi thương mại hóa loại vaccine này.

Nguồn: tổng hợp