Ưu tiên trong xét tuyển đại học - một bước tiến đến khuyến học, khuyến tài

Trần Bách
10:00 - 24/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 11 tháng Sáu vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2022 với nhiều điểm mới được dư luận rất quan tâm, đặc biệt là những thay đổi trong chính sách ưu tiên.

Theo quy chế mới thì các thí sinh sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng như hiện nay. Điểm 22,5 sẽ là mốc. Dưới 22,5 điểm sẽ cộng như hiện nay, còn trên 22,5 sẽ được cộng điểm giảm dần cho đến 30 điểm thì điểm ưu tiên sẽ là không. Điều này sẽ đảm bảo tính công bằng cho các thí sinh có hoặc không có điểm ưu tiên. 

Tuy nhiên, điều này lại một lần nữa gây ra tranh cãi về chính sách ưu tiên và cách thức ưu tiên trong tuyển sinh đại học.

Để có thể có cái nhìn toàn diện hơn về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học, chúng ta hãy thử xem xét việc áp dụng chính sách này ở một số nước. 

Trước hết phải nói rằng, bằng hình thức này hay hình thức khác, đại đa số các nước trên thế giới đều có chính sách ưu tiên, đặc biệt là ưu tiên về sắc tộc, giới tính, tôn giáo, mầu da hay nước gốc.

Bằng hình thức này hay hình thức khác, đại đa số các nước trên thế giới đều có chính sách ưu tiên, đặc biệt là ưu tiên về sắc tộc, giới tính, tôn giáo, mầu da hay nước gốc.

Trung Quốc thực hiện chính sách ưu tiên trong giáo dục cho người dân tộc thiểu số. Trong thi tuyển đại học (cao khảo) bắt buộc, điểm nhập học của người thiểu số thấp hơn, giống như hình thức cộng điểm ở Việt Nam. Môt số trường đại học có hạn ngạch tuyển sinh viên người thiểu số. 

Tuy nhiên chính sách ưu tiên này được áp dụng khác nhau ở các tỉnh khác nhau. Có những tỉnh chỉ ưu tiên người thiểu số sống trong tỉnh mình. Với sinh viên người thiểu số theo học những môn như ngôn ngữ và văn học người thiểu số không phải đóng học phí, được cấp học bổng, có nhiều trường hợp được cấp cả tiền chi tiêu hàng tháng.

Ở Ấn Độ, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học được quy định tại Hiến pháp năm 1949 và được thực hiện thông qua việc giữ chỗ hay đưa ra hạn ngạch cho thí sinh thuộc đẳng cấp thấp hơn, các bộ lạc và nhóm lạc hậu khác. Theo Hiến pháp, 50% số sinh viên đại học do chính phủ quản lý phải là đối tượng ưu tiên này. Điều tra gần đây của Bộ Thống kê và Thực hiện dự án cho thấy, 12% hộ gia đình ở Ấn Độ có con được nhận học bổng, trong đó 94% được nhận vì là đối tượng ưu tiên.

Ở Mỹ, không có quy định luật pháp rõ ràng về đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường đại học vẫn thực hiện chính sách ưu tiên. Hai vụ kiện liên quan đến chính sách ưu tiên năm 1978 (Bakker kiện trường Đại học California) và năm 2003 (Barbara Grutter kiện hiệu trưởng trường Đại học Michigan) đều cho rằng ưu tiên thí sinh thuộc nhóm thiểu số là không vi phạm Luật sửa đổi 14. Đây là cơ sở để các trường đại học thực hiện chính sách ưu tiên do Mỹ thừa nhận án lệ ngoài luật thành văn. 

Nhiều trường đại học cho rằng ưu tiên nhóm thiểu số là để sinh viên làm quen với xã hội thực sự sau này họ phải sống và làm việc. Tuy nhiên do quá chú trọng vào ưu tiên người da đen và người nói tiếng Tây Ban Nha, người gốc châu Á hiện đang cảm thấy mình bị thiệt thòi và cũng đã có những vụ kiện liên quan đến chính sách ưu tiên này.

Brazil là nước thực hiện chế độ ưu tiên thông qua hạn ngạch phân bổ sinh viên theo vùng và đối tượng. Theo Luật về Hạn ngạch năm 2012, các trường liên bang phải dành 50% số thí sinh được tuyển cho người gốc châu Phi và học sinh trường trung học công vào năm 2016 và tỷ lệ này được duy trì trong nhiều năm qua.

Ưu tiên trong xét tuyển đại học - Ảnh 2.

Chính sách ưu tiên tồn tại ở nhiều nước. Ảnh minh họa

Rõ ràng chính sách ưu tiên tồn tại ở nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Nam Phi, Ấn Độ, Malaysia, Brazil, Colombia và Uruguay… Tuy nhiên ở hầu hết các nước này đều có những tranh luận về liệu chính sách ưu tiên có thích hợp và có tác dụng như mong muốn không. Điều này cũng đúng với Việt Nam.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính sách ưu tiên là cần thiết nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo đại học và sau đại học cho thí sinh ở vùng khó khăn và đối tượng yếu thế. Cơ chế cộng điểm ưu tiên cần bảo đảm công bằng và cần tránh để ưu tiên đó lại làm nhóm thí sinh khác bất lợi. 

Chính sách cộng điểm mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một bước tiến đến "khuyến học" và "khuyến tài", tránh cho việc cộng điểm làm thí sinh có tài thực sự không được tuyển.