Ưu tiên đặc biệt để phát triển huyện vành đai xanh Ứng Hòa

PV
10:58 - 21/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chiều 20/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa.

Ứng Hòa là huyện tiềm năng nhưng tốc độ phát triển chưa tương xứng

Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền đề xuất với thành phố các ý kiến về nhiều lĩnh vực như giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, huyện cần một số cơ chế đặc thù về khoản thu tiền sử dụng đất, hỗ trợ kinh phí các dự án mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025.

Ưu tiên đặc biệt để phát triển huyện vành đai xanh Ứng Hòa - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Hanoimoi

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, để kết nối thuận lợi giữa trung tâm Hà Nội và huyện Ứng Hòa, thành phố cần đẩy nhanh hoàn thành xây dựng tuyến đường trục phía Nam. Thành phố đề nghị các chủ đầu tư tuyến đường này cần giải quyết dứt điểm tranh chấp để tiến thành thi công trở lại. Tới đây, nếu các bên vẫn cố tình kéo dài, thành phố cần có biện pháp chuyển dự án này sang đầu tư công. Diện tích đất đã được giao cho chủ đầu tư xây dựng tuyến đường có thể thu hồi lại để đưa ra đấu giá.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, huyện Ứng Hòa thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn trong lĩnh vực thế mạnh là phát triển nông nghiệp. Tại đây, hai con sông lớn là sông Nhuệ và sông Đáy đều bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng trong canh tác, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Thành phố sẽ ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ các dự án để cấp nước sạch cho trồng trọt, giúp nhiều diện tích sản xuất tốt trong năm nay.

Đề cập đến vấn đề cơ cấu kinh tế của huyện Ứng Hòa, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, hiện nay, cơ cấu kinh tế của huyện có tỉ trọng nông nghiệp rất lớn nhưng trái ngược là tốc độ phát triển lại thấp. Mặc dù là huyện tiềm năng, nhưng tốc độ phát triển chưa tương xứng và ở mức thấp hơn bình quân chung toàn thành phố. Việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện cũng khó khăn, đối tác chưa "mặn mà". Vì vậy, giá trị sản xuất hàng hóa của địa phương không cao, khó tiêu thụ đầu ra, giá thành thấp, chuỗi cung ứng hạn chế…

Ưu tiên đặc biệt để phát triển huyện vành đai xanh Ứng Hòa - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hanoimoi

Về lĩnh vực du lịch, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, Ứng Hòa là địa phương giàu truyền thống văn hóa, với nhiều di tích. Bên cạnh việc sở hữu nhiều tiềm năng, huyện đã được thành phố phê duyệt quy hoạch du lịch làng nghề, du lịch di tích, sinh thái… Vì vậy, để phát huy tốt hơn lợi thế, tới đây, thành phố và huyện cần ưu tiên cao hơn cho đầu tư hạ tầng kết nối di tích, làng nghề. Bên cạnh đó, tỉ lệ người dân của huyện được sử dụng nước sạch mới có 34%, là mức rất thấp, nên muốn phát triển du lịch thì phải ưu tiên đầu tư hàng đầu cho nước sạch.

Ở lĩnh vực giao thông kết nối với huyện Ứng Hòa - vấn đề vốn được quan tâm lâu nay, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho rằng, huyện không có lợi thế so sánh so với các trục giao thông khác. 

Nếu tính từ trung tâm Hà Nội, theo chỉ đường của Google Maps đến Ứng Hòa chỉ 44km nhưng đi hết 1 giờ 26 phút. Trong khi đó, từ Hà Nội đi Hải Phòng 100km hết 1 giờ và Quảng Ninh gần 200km đi hết 1 giờ 45 phút. Ông Vũ Văn Viện đề nghị thành phố cần ưu tiên phát triển giao thông cho các huyện phía Nam, trong đó có Ứng Hòa. Đặc biệt, thành phố cần đẩy nhanh hoàn thiện tuyến đường trục phía Nam.

Ứng Hòa là huyện nông nghiệp nằm ở phía Nam thành phố, tiếp giáp với nhiều địa bàn huyện Mỹ Đức, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Oai và huyện Kim Bảng, Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Đây là địa bàn có nhiều tiềm năng, thế mạnh, đồng thời cũng là vùng giàu truyền thống văn hoá, khoa bảng và cách mạng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật như: chùa Chòng, đền Đức Thánh Cả xã Hồng Quang, đình chùa Viên Đình, đình Hoàng Xá…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng biểu dương sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Ứng Hòa. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cũng thẳng thắn chỉ ra rất nhiều yếu điểm, cũng như những khó khăn, tồn tại của huyện Ứng Hòa như: thu ngân sách thấp; cơ sở hạ tầng yếu kém; nhiều dự án chậm tiến độ. Công tác quản lý các dự án có nhiều vấn đề cần phải điểu chỉnh, cải tổ. Công tác giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công thấp. Tình trạng rác thải làng nghề gây ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện. Người dân thu nhập thấp...

Xác định đúng đắn hướng phát triển, mũi nhọn để tập trung đầu tư

Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Thành phố đã có nhiều quan tâm đối với huyện, nhưng huyện cần nỗ lực hơn, tránh tình trạng có nguồn vốn đầu tư nhưng mọi thứ chậm trễ không thể giải ngân. Nếu để tình trạng đầu tư chắp vá, kéo dài thì chưa thực sự có trách nhiệm cao với người dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Thành phố đã rất quan tâm, bố trí đầy đủ vốn để huyện đầu tư, khắc phục khó khăn, vươn lên từ vùng trũng, mà huyện không triển khai được, không tiêu được tiền thì trách nhiệm chính là của huyện.

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, huyện Ứng Hòa được xác định là vành đai xanh của Thủ đô, vì vậy không được bố trí các khu công nghiệp lớn, phá vỡ môi trường. Đây cũng là điều thiệt thòi với huyện, nhưng cần xác định đúng đắn hướng phát triển, mũi nhọn để tập trung đầu tư.

Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn của huyện nghèo Ứng Hòa, Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cấp, ngành của thành phố quan tâm sâu sát; xem xét áp dụng nhiều cơ chế chính sách đặc thù cho huyện có điều kiện phát triển. Đặc biệt, huyện phải thực sự xây dựng được Đảng bộ vững mạnh, nâng cao chất lượng cán bộ để đưa Ứng Hòa thoát khỏi tốp cuối của toàn thành phố.

Theo báo cáo của huyện Ứng Hòa, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa đã tập trung lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực. Trong đó, về công tác xây dựng Đảng, huyện tập trung triển khai, đưa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và Huyện ủy vào đời sống; Xây dựng đề án và thực hiện khắc phục xong hạn chế của 12 chi bộ thôn, tổ dân phố...

Về kinh tế, tổng giá trị sản xuất năm 2021 của huyện đạt 13.132 tỉ đồng, bằng 100,6% kế hoạch năm (tăng 8,5% so với năm 2020). 6 tháng đầu năm 2022, ước đạt 6.987,1 tỉ đồng, đạt 50,9% kế hoạch năm, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2021; Thu ngân sách đạt 237,2 tỉ đồng (đạt 49% kế hoạch năm 2022, bằng 189% so với cùng kỳ năm 2021). Đến nay, huyện đã hoàn thành 16/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Hội đồng Nhân dân Huyện giao năm 2022.

Nguồn: TTXVN
Bình luận của bạn

Bình luận