Ươm mầm Hàn Quốc học: Nhiều hoạt động hút sinh viên Việt Nam gắn với những vấn đề "nóng" tại Hàn Quốc

Trần Vũ
06:06 - 08/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Nhằm khuyến khích tinh thần nghiên cứu khoa học sinh viên về kinh tế - xã hội Hàn Quốc và nâng cao nhận thức của học sinh THPT về Hàn Quốc học, Dự án Hạt giống Hàn Quốc học AKS vừa tổ chức thành công 2 hoạt động ý nghĩa thu hút hàng trăm học sinh, sinh viên Việt Nam tham gia.

Trong khuôn khổ dự án "Korean Studies in the Northern Vietnam: Sharing and Development" (Hàn Quốc học ở khu vực miền Bắc Việt Nam: chia sẻ và phát triển) được tài trợ bởi Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương (Academy of Korean Studies – AKS), trong 2 ngày 5-6/4 vừa qua, Bộ môn Hàn Quốc học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (USSH, Hà Nội) phối hợp cùng Bộ môn Ngôn ngữ Hàn Quốc Trường Đại học Hạ Long (UHL) và Bộ môn Hàn Quốc học Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên (TNUS) tổ chức hai hoạt động tại Trường Đại học Hạ Long, gồm: Tọa đàm "Những vấn đề kinh tế - xã hội Hàn Quốc dưới góc nhìn của sinh viên ngành ngôn ngữ Hàn và Hàn Quốc học" và Chương trình "Bài giảng chuyên đề và trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc dành cho học sinh THPT".
Các hoạt động đã được tổ chức thành công, thu hút đông đảo sự quan tâm của sinh viên, học sinh. Các hoạt động đề cao sự trải nghiệm, tiếp nhận các ý kiến của học sinh, sinh viên với sự định hướng, hỗ trợ của các chuyên gia nhằm đưa văn hóa Hàn Quốc ngày càng gần hơn với học sinh, sinh viên Việt Nam.
Ươm mầm Hàn Quốc học: Nhiều hoạt động hút sinh viên Việt Nam gắn với những vấn đề "nóng" tại Hàn Quốc- Ảnh 1.

Dự án Hạt giống Hàn Quốc học AKS tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thu hút hàng trăm học sinh, sinh viên tham gia. Ảnh: LTG

 

Toạ đàm "Những vấn đề kinh tế - xã hội Hàn Quốc dưới góc nhìn của sinh viên ngành ngôn ngữ Hàn và Hàn Quốc học": Hàng trăm sinh viên tham gia tranh biện sôi nổi

Tọa đàm khoa học dành riêng cho sinh viên ngành ngôn ngữ Hàn và Hàn Quốc học của 3 trường được chia làm 2 phiên, diễn ra sôi nổi với 7 báo cáo của sinh viên.

Trong đó, Phiên 1 tập trung vào các chủ đề về xã hội Hàn Quốc với các báo cáo: "Tìm hiểu mô hình xanh tại Đại học Quốc gia Seoul và kinh nghiệm cho Trường Đại học Hạ Long" của sinh viên Trần Thị Thu Hiền (Trường Đại học Hạ Long); "Bạo lực thân thể ở học sinh cấp 3 Hàn Quốc - Trường hợp bộ phim The Glory" của sinh viên Nguyễn Như Phúc (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); "Thực trạng phân tầng xã hội và bất bình đẳng ở Hàn Quốc phản ánh qua bộ phim "Kí sinh trùng" (Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên); "Hàn Quốc - xã hội trọng học vấn và những hệ lụy nhìn từ phim tài liệu "Sự phản bội của việc học".

Các đề tài trong phiên 1 khai thác những vấn đề xã hội "nóng" tại Hàn Quốc như bạo lực học đường, bất bình đẳng xã hội, vấn nạn trọng học vấn... Đặc biệt, các sinh viên có nhiều điểm chung trong khai thác vấn đề nghiên cứu thông qua phân tích một bộ phim cụ thể. Bởi lẽ phim chính là một trong những tấm gương phản chiếu và trực quan hóa vấn đề xã hội một cách sâu sắc và sinh động.

Ươm mầm Hàn Quốc học: Nhiều hoạt động hút sinh viên Việt Nam gắn với những vấn đề

Toạ đàm "Những vấn đề kinh tế - xã hội Hàn Quốc dưới góc nhìn của sinh viên ngành ngôn ngữ Hàn và Hàn Quốc học". Ảnh: LTG

Ươm mầm Hàn Quốc học: Nhiều hoạt động hút sinh viên Việt Nam gắn với những vấn đề

Tại Tọa đàm, sinh viên khai thác những vấn đề xã hội "nóng" tại Hàn Quốc như bạo lực học đường, bất bình đẳng xã hội, vấn nạn trọng học vấn... Ảnh: LTG

Phiên 2 khai thác các chủ đề về kinh tế Hàn Quốc với các báo cáo: "Tinh thần tự lực cho phong trào Saemaul của Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam" của nhóm sinh viên Nguyễn Thị Hiền, Vũ Hoàng Yến, Nguyễn Hoàng Thiên Vũ (Trường Đại học Hạ Long); "Đầu tư của Hàn Quốc vào tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020-2023" của nhóm sinh viên Vũ Thị Thúy Ngọc, Dương Thị Ninh (Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên); "Tìm hiểu về phát triển du lịch thông minh tại Seoul (2016-2019)" của sinh viên Phạm Minh Sơn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Các đề tài của sinh viên về kinh tế Hàn Quốc vừa có tính cập nhật, vừa có giá trị ứng dụng cao bởi những đề xuất, gợi ý dành cho Việt Nam. Các sinh viên đã tiếp cận vấn đề đa chiều và có nhiều nỗ lực trong tìm kiếm, tổng hợp và phân tích số liệu tham khảo.

Theo đánh giá của các thành viên tham gia (gồm các chuyên gia cũng như các sinh viên ngôn ngữ Hàn), Tọa đàm khoa học đã được diễn ra trong không khí học thuật sôi nổi, cởi mở và đầy tính tranh biện. Xuyên suốt tọa đàm, các sinh viên đã tự tin trao đổi quan điểm, góc nhìn đa dạng về các vấn đề kinh tế-xã hội Hàn Quốc. Bên cạnh những ý kiến thảo luận của các sinh viên khác tham dự tọa đàm, các bài tham luận cũng nhận được góp ý từ các chuyên gia nghiên cứu về Hàn Quốc học tại Việt Nam.

Ươm mầm Hàn Quốc học: Nhiều hoạt động hút sinh viên Việt Nam gắn với những vấn đề

TS. Lưu Tuấn Anh - Trưởng Bộ môn Hàn Quốc học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: LTG

TS. Lưu Tuấn Anh - Trưởng Bộ môn Hàn Quốc học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Ngôn ngữ, cụ thể ở đây là tiếng Hàn sẽ trở thành công cụ trong thời đại mới. Chương trình của tọa đàm mang ý nghĩa "chia sẻ và phát triển" và hôm nay đã góp phần chia sẻ để từng trường cũng như các sinh viên tham dự tọa đàm tích lũy thêm kinh nghiệm để phát triển bản thân". Tọa đàm khoa học lần này chính là cơ hội quý báu để các sinh viên luyện tập nghiên cứu khoa học, tích lũy kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm trong nghiên cứu Hàn Quốc học.

Chương trình "Bài giảng chuyên đề và trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc dành cho học sinh THPT": Thú vị, hấp dẫn, giàu tính trải nghiệm

Chương trình được tổ chức tại Trường Đại học Hạ Long, thu hút hơn 200 học sinh đến từ các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tham gia.

Ươm mầm Hàn Quốc học: Nhiều hoạt động hút sinh viên Việt Nam gắn với những vấn đề

Hàng trăm học sinh, sinh viên Việt Nam sôi nổi tham gia hoạt động ý nghĩa của dự án Hạt giống Hàn Quốc học AKS. Ảnh: LTG

Nội dung chính của chương trình gồm phần Bài giảng chuyên đề và Trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc. Các bài giảng chuyên đề với chủ đề đa dạng về văn học Hàn Quốc, văn hóa Hàn Quốc, trang phục truyền thống của Hàn Quốc, được dẫn dắt bởi các chuyên gia nghiên cứu Hàn Quốc học giàu kinh nghiệm.

Tại chương trình, các học sinh được trực tiếp trải nghiệm những hoạt động văn hóa Hàn Quốc hấp dẫn như: mặc Hanbok, gấp Hanbok bằng giấy, trò chơi dân gian Hàn Quốc (đá cầu, ném mũi tên Tuho).

Các hoạt động trải nghiệm này không chỉ góp phần giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc mà còn tạo môi trường giao lưu lành mạnh giữa các học sinh có cùng chung sự yêu mến đất nước Hàn Quốc.

Ươm mầm Hàn Quốc học: Nhiều hoạt động hút sinh viên Việt Nam gắn với những vấn đề

Một hoạt động trải nghiệm thú vị về văn hóa truyền thống Hàn Quốc. Ảnh LTG

Ươm mầm Hàn Quốc học: Nhiều hoạt động hút sinh viên Việt Nam gắn với những vấn đề "nóng" tại Hàn Quốc- Ảnh 7.

Ươm mầm Hàn Quốc học: Nhiều hoạt động hút sinh viên Việt Nam gắn với những vấn đề "nóng" tại Hàn Quốc- Ảnh 8.

Ươm mầm Hàn Quốc học: Nhiều hoạt động hút sinh viên Việt Nam gắn với những vấn đề "nóng" tại Hàn Quốc- Ảnh 9.

Các học sinh, sinh viên mong muốn có thêm nhiều cơ hội tốt để tiếp xúc với văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: LTG

Sau chương trình, học sinh Lộc Thị Phương Thảo (Trường Thực hành Sư phạm) chia sẻ: "Các chương trình chuyên đề, hoạt động trải nghiệm rất tuyệt vời. Ngoài cơ hội được trực tiếp phát huy khả năng ngôn ngữ tiếng Hàn, em thích nhất hoạt động gấp Hanbok giấy, cảm giác được hòa mình vào văn hóa truyền thống của nước bạn".

Cũng như Phương Thảo, nhiều học sinh tham gia Chương trình "Bài giảng chuyên đề và trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc dành cho học sinh THPT" đều cảm thấy chương trình rất thú vị và mong muốn có thêm nhiều cơ hội tốt để tiếp xúc với văn hóa Hàn Quốc.

Đây là năm thứ 2, Hạt giống Hàn Quốc học AKS được triển khai tại Việt Nam. Thời gian tới, Dự án Hạt giống Hàn Quốc học AKS sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình tọa đàm, trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc tại các tỉnh thành miền Bắc của Việt Nam.