Ứng xử với "chứng khó đọc" của học sinh
Nghe chuyện "có những học sinh dù dạy thế nào cũng không thể đọc được" thì đa số chúng tay thấy lạ lẫm, nhưng đối với những giáo viên tiểu học, không lạ với "chứng khó đọc" của một số ít học sinh.
Trong sự nghiệp sư phạm, việc giáo viên gặp trường hợp những học sinh không thể đọc được, còn gọi là chứng khó đọc không hiếm. Ngoài sự nỗ lực gấp nhiều lần để kèm cặp các em hơn nhiều học sinh khác nhưng cuối cùng những học sinh này vẫn học trước quên sau, không thể đọc được.
Dù 2 năm lớp 1 không biết chữ nào, phụ huynh vẫn khẳng định con tôi bình thường. Có học sinh nhìn sáng sủa, khôi ngô, lanh lẹ, làm toán khá nhanh; mọi hoạt động khác của lớp tham gia tích cực, chỉ có điều các bé học hoài vẫn không biết đọc.
Có bé thì luôn rầu rầu, ngồi yên một chỗ mà không hoạt động gì. Bé học yếu tất cả các môn đặc biệt là tập đọc. Để giúp những học sinh này ít nhất là biết mặt chữ, trong giờ dạy, giáo viên luôn chú ý kèm cặp thêm cho các em.
Phần lớn các thầy cô chỉ tập trung dạy 2 môn học chính cho các em là Toán và Tiếng Việt, những môn học khác gần như được miễn học.
Ngoài giờ dạy trên lớp, tối về giáo viên còn phải phụ đạo riêng 2 tiếng. Cha mẹ cũng bỏ công kèm thêm ở nhà. Phụ huynh rất nhẫn nại, nhưng cuối cùng cũng phải bật lên thành lời: "Tôi bất lực rồi cô giáo ạ!".
Ngày Lễ, Tết phụ huynh cũng năn nỉ cô cho cháu học thêm ít chữ. Thế nhưng cứ học trước quên sau, đọc vanh vách thế nhưng sáng mai lại y như mới.
Học 2 năm lớp 1 nhưng học sinh vẫn chưa nhớ mặt chữ. Giáo viên yêu cầu gia đình đưa học sinh đi khám vì nghi ngờ học sinh bị mắc chứng khó đọc. Phụ huynh thường phản đối trước đề nghị của giáo viên vì cho rằng: "Con tôi vẫn phát triển bình thường" và từ chối sự can thiệp của y tế.
Học sinh khó đọc có lấy mất cơ hội lưu ban của những học sinh khác?
Không có giấy chứng nhận học sinh có vấn đề về chứng khó đọc của y tế nên nhà trường buộc phải đánh giá học sinh như những em bình thường. Thường những học sinh này luôn được ưu tiên lưu ban ngay lớp 1.
Và nếu lưu ban vài ba em thì cũng đã đủ "chỉ tiêu lưu ban" của trường, những học sinh có lực học yếu khác sẽ không còn cơ hội.
Một trường học khoảng 500 học sinh thì số lượng em được lưu ban cũng chỉ khoảng vài học sinh. Nếu cho học sinh lưu ban nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu phổ cập giáo dục, ảnh hưởng đến danh hiệu trường chuẩn quốc gia của trường, kéo theo xã phường, huyện thị cũng không đạt các danh hiệu về học tập khác. Do đó, trường học nào cũng khống chế số lượng học sinh lưu ban mỗi năm.
Tuy vậy, học sinh mắc chứng khó đọc cũng chỉ được lưu ban một năm. Qua năm học thứ hai, dù vẫn không đọc được, nhưng nhà trường vẫn buộc phải cho học sinh lên lớp vì theo quy định học sinh không thể lưu ban 2 năm ở một lớp. Và thế là từ những năm học sau, gần như các học sinh này đều được đẩy lên lớp cho nhanh ra trường vì có ngồi lại lớp cũng không thể cải thiện được việc đọc.
Cần có thêm quy định để đánh giá những học sinh có vấn đề nhận thức dưới chuẩn
Những học sinh không thể học được dù cha mẹ, thầy cô đã nỗ lực thì khả năng cao là có vấn đề về nhận thức. Chứng khó đọc sẽ được chẩn đoán y tế và nên chấp nhận nó.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh không thừa nhận chuyện này. Gia đình làm khó giáo viên trong việc đánh giá chất lượng học tập của học sinh, làm khó nhà trường khi xin cho các học sinh lưu ban với hy vọng sẽ "chữa" được chứng khó đọc.
Bởi thế, ngành giáo dục cần có thêm quy định về việc đánh giá học sinh vào cuối năm học. Đối với các học sinh có vấn đề về nhận thức và khó học, khó đọc, cần có quy định về xử lý một các khoa học, hợp tình - hợp lý.
Hoặc có thể chỉ cần nhà trường thành lập tổ thẩm định, khi đã kết luận học sinh có vấn đề nhận thức thì không tính những học sinh này vào chỉ tiêu được lưu ban của nhà trường.
Có thế, những học sinh có lực học yếu khác mới có cơ hội được ở lại lớp. Như vậy cũng tránh việc học sinh khác bị "ngồi nhầm lớp" và nhiều hệ luỵ khác nảy sinh từ việc một vài học sinh mắc chứng khó đọc.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google