An ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số quốc gia

PV
10:39 - 11/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đây là nội dung của Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Chiến lược An toàn, an ninh mạng quốc gia được ban hành theo quy định của Luật, trên cơ sở đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an. 

Chiến lược đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia trên không gian mạng. Đến năm 2025, duy trì thứ hạng 25 đến 30 đối với chỉ số an toàn an ninh mạng (GCI) theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế.

An ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 1.

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Ảnh minh họa

Phát huy sức mạnh toàn xã hội trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng

Chiến lược thể hiện rõ quan điểm an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số để phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là mối quan hệ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng; trong đó, cơ quan nhà nước giữ vai trò điều phối, gắn kết, chia sẻ thông tin. Chuyển đổi căn bản về nhận thức và cách làm, phát triển đội ngũ chuyên gia và tự chủ về công nghệ, sản phẩm, phổ cập dịch vụ là giải pháp căn cơ để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực cao về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, trọng tâm là hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật về an ninh mạng. Bảo vệ hệ thống thông tin của 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng (theo Quyết định số 632/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

Trong đó, chủ quản hệ thống thông tin triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ và mô hình bảo vệ 4 lớp đối với hệ thống thông tin của các lĩnh vực quan trọng; ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng Make in Viet Nam trong các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

Đặc biệt, Chiến lược đã phân định rõ trách nhiệm và sự phối hợp giữa 3 lực lượng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông trong nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số, phát huy vai trò của thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng để hình thành mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng.

Nguồn: tổng hợp