Úc thừa nhận mất 323 mẫu virus nguy hiểm chết người như COVID-19 từ 2021
Úc cho biết, 323 ống nghiệm chứa virus có mức độ nguy hiểm tương tự, thậm chí có tỉ lệ tử vong cao hơn 100 lần COVID-19 đã bị thất lạc khỏi phòng thí nghiệm từ năm 2021.
Theo Đài Fox News, một tủ đông chứa 323 lọ mẫu virus bị hỏng tại Phòng thí nghiệm virus học y tế công cộng Queensland vào năm 2021. Còn theo tờ Newsweek vụ mất hơn 300 mẫu virus tại Úc bị đánh giá là "vi phạm nghiêm trọng các quy trình an toàn sinh học".
Sự cố nghiêm trọng này không được báo cáo hoặc phát hiện trong gần hai năm, cho đến khi có kiểm toán vào tháng 8/2023. Và chỉ mới được Chính quyền bang Queensland chính thức xác nhận và công bố thông tin rộng rãi hôm 9/12.
Các mẫu bao gồm Hantavirus (virus gây bệnh từ loài gặm nhấm với tỉ lệ tử vong 38%), Lyssavirus (tương tự bệnh dại), và vi rút Hendra (được phát hiện trên ngựa vào thập niên 1990). Tất cả đều là những chủng virus nguy hiểm đối với con người
Virus Hendra có thể lây lan từ động vật sang người. Vật chủ tự nhiên của virus này là loài dơi quạ. Năm 1994, virus Hendra quét qua các chuồng ngựa đua, khiến 1 huấn luyện viên và 13 con ngựa chết do lây nhiễm. Kể từ đó, đã có hơn 60 đợt dịch bệnh liên quan loại virus này.
Hantavirus lây từ động vật sang người, nhưng chưa có trường hợp nào ở người được báo cáo ở Úc.
Lyssavirus là một căn bệnh nguy hiểm tương tự như virus dại, theo tờ Straight Arrow News.
Việc mất hơn 300 mẫu virus tại Úc không gây ra sự cố y tế công cộng
Các quan chức chính phủ Úc cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về vụ virus nguy hiểm biến mất khỏi phòng thí nghiệm, trong đó gồm việc kiểm tra các chính sách và hướng dẫn nội bộ về cách lưu giữ mẫu virus trong phòng thí nghiệm.
Theo giám đốc y tế Queensland John Gerrard, các mẫu vi rút này "khó có khả năng gây rủi ro cho cộng đồng" do chúng nhanh chóng phân hủy nếu không được bảo quản trong điều kiện lạnh sâu. Đồng thời khẳng định vụ việc vẫn là một vi phạm nghiêm trọng các quy trình an toàn sinh học và cần được điều tra kỹ lưỡng.
Trả lời Đài Fox News, Tiến sĩ Sam Scarpino tại Đại học Northeastern ở Boston nhận định, vụ việc ở Úc là một "lỗ hổng an toàn sinh học nghiêm trọng" và "các mầm bệnh bị mất đều có thể gây ra mối đe dọa cho cộng đồng".
Theo vị tiến sĩ này, ba loại mầm bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao ở người, nhưng chúng không dễ dàng lây truyền từ người sang người. "Một số loại hantavirus có tỉ lệ tử vong lên tới 15%, hoặc cao hơn 100 lần so với COVID-19, trong khi các loại khác có mức độ nghiêm trọng tương tự như COVID-19".
Bộ trưởng Y tế Queensland Tim Nicholls đã bác bỏ lo ngại rằng các mẫu virus có thể đã bị đánh cắp hoặc vũ khí hóa, đồng thời nhấn mạnh rằng quá trình biến virus thành vũ khí sinh học đòi hỏi sự tinh vi và không phải là việc mà một người không chuyên có thể thực hiện.
Ông Nicholls cũng cho biết không có bằng chứng nào cho thấy vi rút Hendra từng bị sử dụng làm vũ khí sinh học ở bất kỳ nơi nào.
Chính quyền Queensland đã triển khai các biện pháp khẩn cấp, bao gồm đào tạo lại nhân viên, kiểm tra chặt chẽ các giấy phép liên quan, và thực hiện kiểm toán toàn diện để đảm bảo vật liệu nguy hiểm được lưu trữ đúng quy định.
Cuộc điều tra độc lập do cựu thẩm phán Tòa án tối cao Úc Martin Daubney và chuyên gia an ninh sinh học tiến sĩ Julian Druce dẫn đầu, nhằm đưa ra các khuyến nghị cải thiện hệ thống an toàn sinh học quốc gia.
Ông Nicholls cho biết dù 323 lọ thuốc vẫn bị mất tích nhưng không có rủi ro nào đối với người dân.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng chưa có sự cố y tế công cộng nào liên quan đến những chủng virus bị thất lạc này”, ông Nicholls khẳng định.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google