Tỷ lệ nghiện game online trong giới trẻ Australia tăng mạnh do đại dịch COVID-19

20:43 - 16/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong một cuộc thăm dò công bố ngày 15/7, các đợt phong tỏa để phòng đại dịch COVID-19 thời gian qua đã làm tăng mạnh số người nghiện game online trong giới trẻ Australia.

Cụ thể gần 3% trong số 1.000 thanh, thiếu niên gặp các vấn đề được gọi là "Hội chứng rối loạn Game Online" (IGD). Chuyên gia tâm lý học Wayne Warburton từ Đại học Macquarie (MU) cho biết IGD có thể tác động nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày của người trẻ, như việc học tập ở trường, quan hệ xã hội và sức khỏe tâm thần. 

Các dấu hiệu của hội chứng IGD bao gồm khó tiếp xúc với người khác hơn hay không thích các trò chơi giải trí mà trước đây vẫn tận hưởng. Ngoài ra, người mắc hội chứng IGD thường dễ cáu bẳn và thậm chí có thể trở nên hung hăng nếu bị ngăn cản chơi game.

Tỷ lệ nghiện game online trong giới trẻ Australia tăng mạnh do đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Gần 3% trong số 1.000 thanh, thiếu niên gặp các vấn đề được gọi là "Hội chứng rối loạn Game Online" (IGD). Ảnh: Getty Images

Những chuyên gia của trường MU cũng ghi nhận thời gian trung bình mà người trẻ ngồi trước màn hình tiêu khiển đã tăng lên nhanh chóng, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Ông Warburton dẫn các số liệu của Mỹ cho thấy con số này tại Mỹ lên đến gần 8,7 giờ/ngày trong năm 2021, so với chỉ gần 6,7 giờ/ngày trước khi bùng phát dịch. Ở Australia cũng tương tự.

Đáng lưu ý, IGD xuất hiện ngày càng nhiều trong nhóm trẻ nhỏ tuổi, khi các học sinh tiểu học cũng dễ bị tổn thương với game online giống như các anh chị lớn tuổi hơn. Ông Warburton giải thích: "Nghiên cứu cho thấy trẻ có nguy cơ cao hơn nếu có các vấn đề về kiểm soát cảm xúc, nhất là khi những nhu cầu cơ bản như cảm thấy được yêu thương lại được đáp ứng trên mạng tốt hơn ngoài đời thực".

Biểu hiện rõ nhất khi đã nghiện game là những thay đổi về tâm lý, sức khỏe của trẻ. Nếu là trẻ nhỏ thì thường có biểu hiện mất ngủ, lo sợ, giật mình vào ban đêm. Nếu trẻ lớn hơn thì có biểu hiện hay cáu gắt, thường có các hành động bạo lực, hoang tưởng như các trò chơi trong game.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo tác động của IGD sẽ lớn hơn đối với các game thủ trẻ tuổi chưa trải qua giai đoạn phát triển hành vi như nghị lực, ý chí và khả năng tự kiểm soát, hay những em có năng lực nhận thức chưa chín muồi hoàn toàn. 

Nhóm nghiên cứu chỉ trích những người thiết kế game thường sử dụng khoa học về thần kinh để kích thích não bộ người chơi liên tục tạo ra hormone dopamine, một hợp chất cần cho hoạt động của hệ thần kinh. Ông phân tích: "Khi chúng ta cảm thấy hài lòng, não sẽ tiết ra axit gamma-aminobutyric và hormone serotonin để phát tín hiệu thư giãn. Tuy nhiên, các nền tảng giải trí qua màn hình lại kích thích não bộ liên tục tạo ra dopamine".

Cũng theo nhóm nghiên cứu, mặc dù IGD hoàn toàn có thể được chữa khỏi, thường bằng liệu pháp tâm lý, nhưng các ca nặng có thể phải cần thuốc điều trị.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%. Cơ quan này cũng công nhận chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế. Khi nghiện game, học sinh sẽ tìm đến trò chơi kể cả trong và ngoài giờ học, thậm chí chơi game mất kiểm soát.

Nguồn: PV (tổng hợp)