Tỷ giá biến động, thị trường vốn sẽ ra sao?

11:20 - 27/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh biên độ tỷ giá USD/VND từ +/- 3 lên +/- 5, nhiều câu hỏi đặt ra của các nhà đầu tư là tác động của tỷ giá sẽ ra sao trên trường vốn?

Ông Brook Taylor, CEO Quỹ VinaCapital Asset Management phân tích: "Giá trị VND giảm 7% tính đến thời điểm hiện tại chủ yếu do giá trị USD tăng gần 20%. Cho đến hai tuần trước, tỷ giá USD/VND vẫn rất ổn định và VND mất giá dưới 5% so với đầu năm - thấp hơn nhiều so với các đồng tiên khác trong khu vực. Trong hai tuần qua, một số yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã khiến VND giảm giá so với các đồng tiền trong khu vực, trong khi các yếu tố bên ngoài gây áp lực lên tất cả các loại tiền tệ của thị trường mới nổi.

Tỷ giá biến động, thị trường vốn sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Ông Brook Taylor. CEO Quỹ VinaCapital Asset Management. Nguồn: Báo Đầu tư

Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá, giá trị của VND vẫn ổn định hơn nhiều so với các đồng tiền của các quốc gia trong khu vực trong năm nay. Điều này một phần do lãi suất (đặc biệt là lãi suất tiết kiệm) vẫn cao hơn tỷ lệ lạm phát 4% của Việt Nam - không giống như hầu hết các nước trên thế giới, bao gồm cả các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Các yếu tố khác hỗ trợ giá trị của VND gồm: tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn ổn định, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 16% trong 9 tháng đầu năm 2022, tài chính công đang ở mức rất tốt. Hơn nữa, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới chi tiêu ít hơn thu thuế trong năm nay (thặng dư ngân sách 3%/GDP trong 9 tháng đầu năm 2022).

Ông Brook Taylor cho biết thêm: Giá trị USD tăng vọt không có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi vì hai lý do.

Thứ nhất, các nhà đầu tư nước ngoài chịu khoản lỗ khi quy đổi ngoại tệ đối với giá trị các khoản đầu tư của họ nếu USD tăng giá - đơn giản vì họ thường quan tâm chủ yếu đến giá trị USD của các khoản đầu tư đó. Điều này giúp giải thích tại sao chỉ số MSCI-EM hoạt động kém hơn SP500 trong năm nay.

Thứ hai, các quốc gia có nguy cơ mất giá tiền tệ lớn (như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh) gặp khó khăn trong thu hút vốn dài hạn - bao gồm cả các khoản đầu tư PE và VC.

Tuy nhiên, Việt Nam không gặp vấn đề này, vì Chính phủ đã nhất quán thể hiện quyết tâm trong 10 năm qua là duy trì tỷ giá USD/VND ổn định - và quyết tâm đó mạnh mẽ hơn kể từ năm 2015. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng, bất ổn trên thị trường ngoại hối toàn cầu sẽ tác động đến các quỹ PE hoặc VC tới Việt Nam - CEO VinaCapital chia sẻ. 

Những thách thức của Việt Nam trong bối cảnh USD mạnh lên là gì?

Nhìn chung, vấn đề chính mà giá trị USD tăng lên gây ra cho một quốc gia thuộc nền kinh tế mới nổi (bên cạnh vấn đề nợ bằng USD) là lạm phát nhập khẩu do giá thực phẩm và năng lượng nhập khẩu tính theo đồng nội tệ tăng lên. Đó chính là tình trạng mà Philippines đang gặp phải.

Tuy nhiên, Việt Nam về cơ bản tự cung tự cấp lương thực và thâm hụt năng lượng ở mức khiêm tốn, chiếm khoảng 3-4% GDP. Điều này, cùng với thực tế là tỷ lệ lạm dụng tiền đồng ở mức khá khiêm tốn, có nghĩa là Việt Nam không thực sự có vấn đề nhập khẩu lạm phát, giúp giải thích tại sao NHNN chỉ tăng lãi suất chính sách thêm 100 điểm cơ bản trong năm nay, trong khi nhiều ngân hàng trung ương khác đều mạnh tay tăng lãi suất lớn hơn nhiều.

Ngành công nghiệp liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu và các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chịu tác động nhiều nhất bởi những thay đổi mạnh mẽ của tỷ giá hối đoái toàn cầu. Các doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và USD mạnh lên tác động trái chiều đến các công ty này. Giá trị USD tăng cao một mặt đẩy chi phí nhập khẩu đầu vào sản xuất tăng lên, mặt khác khiến các sản phẩm “Made in Vietnam” trở nên rẻ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ (tính theo USD).

Nguồn: Báo Đầu tư