Tương lai khó đoán định của metaverse

Minh Ngọc
18:31 - 24/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Những "ông lớn" công nghệ như Meta, Apple, Alphabet đang gặp không ít khó khăn trong cuộc đua phát triển metaverse. Theo các chuyên gia, phải mất 5 - 10 năm nữa metaverse mới có thể thực sự bước vào đời sống con người và tạo ra thay đổi trong cách vận hành của xã hội.

Metaverse là gì?

Metaverse - vũ trụ ảo là một giả thuyết cải tiến của Internet, một vũ trụ kỹ thuật số kết hợp các khía cạnh của truyền thông xã hội, trò chơi trực tuyến, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), Internet và tiền điện tử để cho phép người dùng sử dụng công nghệ thực tế ảo để tương tác. Metaverse là nơi thế giới kỹ thuật số và thế giới vật chất giao thoa với nhau, hay còn gọi là phygital (phygical và digital).

Cuối tháng 10/2021, Mark Zuckerberg thông báo đổi thương hiệu Facebook thành Meta, thuật ngữ metaverse đã xuất hiện khắp các phương tiện thông tin truyền thông toàn cầu. Tất cả các công ty Big Tech cũng được dự báo sẽ tham gia vào lĩnh vực này.

Khi đó, metaverse được kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng như cách Internet đã làm. Tuy nhiên, con đường này còn khá chông gai khi chưa đầy một năm, nhiều dự án metaverse vừa khai sinh nhưng đã lâm vào thế khó.

Tương lai khó đoán định của metaverse - Ảnh 1.

Trong vũ trụ ảo metaverse, con người có thể tương tác trong không gian đa chiều, không bị giới hạn vật lý như đời thực. Ảnh: WP

Việc làm liên quan đến metaverse giảm mạnh

Cụ thể, theo thông tin của hãng nghiên cứu việc làm Revelio Labs, trong quý II năm 2022, số lượng các tin tuyển dụng có từ khóa "metaverse" đã giảm 81%, sau khi tăng mạnh trong giai đoạn Facebook đổi tên thành Meta vào mùa thu năm 2021. 

Revelio Labs cho biết, nhu cầu việc làm liên quan đến metaverse sụt giảm phù hợp với tình hình khó khăn chung của thị trường công nghệ, khi các đợt sa thải và đóng băng tuyển dụng đang diễn ra phổ biến.

CEO của Meta Mark Zuckerberg đặt cược lớn vào thực tế ảo và các công nghệ nhập vai khác đang ở thời kỳ đầu phát triển. Theo nhà kinh tế học Jin Yan của Revelio Labs, điều này khiến các doanh nghiệp khác cũng "sốt" nhân sự metaverse trong ngắn hạn. Hiện tại, sau khi điều chỉnh nhu cầu tuyển dụng, ngân sách lao động, cơn sốt ấy phải đối mặt với thực tế khốc liệt.

Ngày 27/7/2022, trong cuộc điện đàm với các nhà đầu tư, Zuckerberg cho biết sẽ giảm tốc độ đầu tư dài hạn do sụt giảm doanh thu. Apple - đối thủ mới nổi của Meta trong không gian ảo - cũng thông báo kế hoạch tuyển dụng thận trọng hơn. Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng có kế hoạch tương tự.

Việc làm toàn thời gian trong lĩnh vực metaverse ngày càng khan hiếm. Có thể thấy, ngay cả những ông lớn công nghệ cũng đang gặp không ít khó khăn trong việc phát triển metaverse.

Metaverse không dễ "ăn"

Meta hiện đang dẫn đầu trong cuộ đua phát triển metaverse non trẻ. Tuy nhiên, metaverse sẽ mất nhiều năm nữa mới trở thành xu hướng và có khả năng tạo ra lợi nhuận cho công ty.

Ngay sau khi ra mắt metaverse có tên Horizon Worlds tại Pháp và Tây Ban Nha, Meta hứng chịu làn sóng chỉ trích, cười nhạo của cộng đồng bởi chất lượng đồ họa thua cả game từ thập niên 90.

Tương lai khó đoán định của metaverse - Ảnh 2.

Bức ảnh Mark Zuckerberg chụp trong Horizon Worlds - siêu dự án metaverse của Meta bị đánh giá là kém hấp dẫn, đồ họa chỉ bằng những trò chơi điện tử cách đây 15 năm. Ảnh: Mark Zuckerberg

Quá trình chuyển đổi sang vũ trụ ảo của Meta không mấy suôn sẻ khi sân chơi mới này đã tiêu tốn 2,8 tỉ USD của công ty trong quý II/2022. Khoản lỗ cộng dồn sau 18 tháng bước chân vào metaverse của Meta đã lên tới hàng chục tỉ USD. Với tốc độ "đốt" tiền cho metaverse như hiện nay, Meta dự kiến sẽ mất khoảng 10 tỉ USD/năm.

Nền tảng hẹn hò Tinder của Công ty Match Group mới đây cũng cho biết sẽ giảm chi tiền cho metaverse, chưa đầy một năm sau khi dự định phát triển vũ trụ ảo Tinderverse và tiền ảo Tinder Coin được đưa ra. Match Group cho biết họ phải tính toán lại một cách cẩn thận về cơ hội thành công khi phát triển công nghệ này.

Cùng với đó, giá đất ảo trong các nền tảng metaverse giảm mạnh trong năm 2022, cũng đưa lĩnh vực này vào khủng hoảng. Hiện các vũ trụ ảo hàng đầu thế giới được xây dựng trên blockchain của Ethereum như Sandbox, Decentraland hay Voxels… đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về định giá.

Giá mỗi lô đất ảo giảm tới 85%, từ 17.000 USD xuống còn 2.500 USD từ đầu năm đến nay. Bối cảnh kinh tế không thuận lợi cùng sự quan tâm của người dùng hạ nhiệt và sự lao dốc của thị trường tiền điện tử đã khiến các tài sản ảo mất dần giá trị.

Sự "chới với" của những gã khổng lồ công nghệ như Meta, Tinder khi bước chân vào metaverse cho thấy lĩnh vực này không dễ ăn như tưởng tượng. Dẫu vậy, trong đầu tư mạo hiểm, một dòng vốn mới tiếp tục được đưa vào các dự án vũ trụ ảo.

Dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào metaverse

Những dự án metaverse không mấy khả quan, các tập đoàn công nghệ lớn cũng mới trong giai đoạn thăm dò thị trường. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa thị trường metaverse không tiềm năng. Một lượng tiền lớn vẫn được rót vào lĩnh vực này.

Một báo cáo gần đây của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey cho thấy, lượng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào metaverse lên tới 120 tỉ USD chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, gấp đôi so với con số 57 tỉ USD trong cả năm ngoái, bất chấp sự suy giảm thị trường.

Hãng này cũng dự báo vũ trụ ảo có thể đạt giá trị 5.000 tỉ USD vào năm 2030. Con số đầu tư trên cho thấy những kỳ vọng rất lớn của các tập đoàn, quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư dành cho metaverse.

Tương lai khó đoán định của metaverse - Ảnh 3.

Dòng vốn lớn vẫn đổ vào vũ trụ ảo metaverse cho thấy tiềm năng phát triển của công nghệ này trong tương lai. Ảnh: AFP

Ngoài ra, nhiều chính phủ các nước trên thế giới hiện đang tích cực bước chân vào lĩnh vực này . Hàn Quốc đang đầu tư hơn 177 triệu USD với tham vọng tạo ra ít nhất 220 công ty metaverse có doanh số hơn 4,2 triệu USD, 40.000 chuyên gia trong nước đến năm 2026.

Chính quyền Dubai cũng tấn công mạnh mẽ vào metaverse và Web3 với mục tiêu tạo ra 40.000 việc làm trong lĩnh vực này trong 5 năm tới, đồng thời thêm 4 tỉ USD vào nền kinh tế.

Nhiều quốc gia khác như Cộng hòa Tự do Liberland tự xưng (ở Balkan) hay Barbados đang thử nghiệm đưa chính quyền của mình lên vũ trụ ảo để thiết lập quan hệ ngoại giao trên nền tảng kỹ thuật số.

Metaverse là thế giới ảo song hành với thế giới thực, nơi con người dễ dàng tương tác thông qua hình đại diện, bằng thiết bị thực tế ảo và thực tế tăng cường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, còn ít nhất 5 năm, thậm chí 10 năm nữa thì metaverse mới có thể thực sự bước vào đời sống con người và tạo ra thay đổi trong cách vận hành của xã hội.

Còn hiện tại, những công ty đi đầu trong lĩnh vực này vẫn được xem là đang "dò đường", do đó sẽ còn rất nhiều khó khăn, ngay cả Meta cũng đứng trước rủi ro thất bại rất cao. Tuy nhiên, trong giới đầu tư mạo hiểm, rủi ro cao đi liền với cơ hội thắng lớn.

Metaverse mặc dù còn chặng đường dài để phát triển công nghệ nền tảng, bình dân hóa các thiết bị thực tế ảo cũng như tạo thói quen người dùng, nhưng những kỳ vọng vào tương lai metaverse sẽ thay đổi cách các nền kinh tế vận hành, các doanh nghiệp kinh doanh cũng như cách con người tương tác vẫn tạo ra sức hút lớn đối với các nhà đầu tư.

Nguồn: tổng hợp