Từ nghi vấn lộ đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Kon Tum đến quản lí dạy thêm tại nhà giáo viên

Thành Phúc
09:58 - 09/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong khi các địa phương khác đang thực hiện quy trình ra đề, bảo mật một cách nghiêm ngặt, chặt chẽ thì Kon Tum lại có cách làm ngược lại dẫn tới nghi vấn lộ đề, làm ảnh hưởng đến uy tín của kì thi tuyển sinh vào lớp 10 trên toàn quốc.

Lộ đề thi tuyển sinh vào lớp 10, thiệt hại không chỉ đong đếm bằng tiền

Tối 2/6/2023, sau khi kết thúc môn thi tiếng Anh, kỳ thi vào lớp 10 ở tỉnh Kon Tum thì trên mạng xã hội Zalo, Facebook có dư luận lộ đề môn tiếng Anh kèm theo bản chụp nội dung gần giống đề thi trên.

Trước sự việc này, sáng 4/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum tiến hành làm việc với các giáo viên ra đề thi tiếng Anh gồm thầy giáo Trần Trung Trinh (Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Liên Việt) và cô giáo Phạm Thị Hương (Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ). Riêng cô giáo Lê Thị Hồng Loan (Trường Trung học phổ thông Trường Chinh) là viên chức biệt phái, công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum vắng mặt do đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo nội dung văn bản 1057/SGDĐT-VP ngày 4/6 của Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum gửi công an tỉnh này, tại buổi làm việc, cô giáo Phạm Thị Hương thừa nhận có một học sinh lớp 9A - Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ, đang học thêm tại nhà riêng cô giáo Hương đã chụp đề thi từ máy tính tại nhà cô giáo này. Đồng thời, giáo viên Phạm Thị Hương nhận khuyết điểm về việc để học sinh chụp bản thảo đề thi và khẳng định không tự sao, chụp đề cho học sinh.

Để xác định cụ thể thông tin lộ đề thi môn tiếng Anh của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum đề nghị cơ quan Công an hỗ trợ điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, những cá nhân có liên quan, phạm vi ảnh hưởng của việc lộ đề thi trên để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xem xét, điều chỉnh phương án tuyển sinh vào lớp 10 cho phù hợp.

Từ nghi vấn lộ đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Kon Tum đến quản lí dạy thêm tại nhà giáo viên - Ảnh 2.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (Kon Tum) tại thư viện nhà trường. Ảnh: Trường THPT Nguyễn Huệ

Ngày 7/6, Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum đã có ý kiến về việc xác minh, điều tra thông tin và xử lý nghiêm việc lộ đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024. Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương điều tra, xác minh thông tin trên và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) của tổ chức, cá nhân liên quan; báo cáo kết quả trong ngày 9/6.

Sự việc lộ đề thi tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh 10 ở Kon Tum đặt ra rất nhiều vấn đề về quy trình ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của địa phương này.

Thông thường người ra đề thi sẽ là chuyên viên phụ trách môn tiếng Anh của sở giáo dục và đào tạo địa phương. Người ra đề phải là người không liên quan đến việc dạy thêm, học thêm. Người phản biện đề thi sẽ là những giáo viên cấp trung học cơ sở - những người đang trực tiếp giảng dạy sẽ nắm rõ kiến thức môn học.

Hơn nữa, theo quy trình ra đề thi thì khi vào khu vực cách ly mới được ra đề, biết đề để phản biện. Thế nhưng, tỉnh Kon Tum lại giao cho 1 giáo viên cấp trung học cơ sở có tổ chức dạy thêm tại nhà ra đề… Điều này cho thấy một quy trình ra đề thi sai phạm nghiêm trọng tại địa phương này. 

Mặc dù kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 toàn tỉnh Kon Tum có 6.659 thí sinh tham dự - con số này thực ra rất nhỏ so với địa phương khác. Nhưng, nếu qua điều tra, xác minh và khẳng định chính thức có chuyện lộ đề thì đương nhiên sẽ có rất nhiều hệ lụy và thiệt hại cả về tiền bạc, uy tín của địa phương, cộng thêm sự lo lắng cho thí sinh dự thi và phụ huynh học sinh.

Kon Tum đứng trước thực tế là rất có thể sai phạm lộ đề sẽ dẫn đến tổ chức thi lại môn tiếng Anh gây tốn kém thêm rất nhiều kinh phí cho địa phương và phụ huynh học sinh. Đặc biệt việc thi lại (nếu có) sẽ là nỗi ám ảnh đối với thí sinh: đã thi xong rồi, lại phải ôn thi lại để dự thi lần nữa.

Phương án bỏ điểm tiếng Anh chỉ lấy điểm các môn thi còn lại để xét tuyển vào lớp 10 cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều thí sinh vì có những em học rất tốt tiếng Anh nhưng có thể các môn còn lại không tốt.

Việc vẫn lấy kết quả điểm tiếng Anh sẽ không công bằng vì 1 học sinh đã chụp được đề thi không có nghĩa là chỉ 1 em học sinh này biết đề thi. Minh chứng rõ nhất cho sự việc này là đề thi "gần giống" với đề thi chính thức đã được đăng tải trên mạng xã hội Zalo và Facebook  - một đề thi "công cộng hoá" trước giờ thi là sự thật. 

Tiêu cực từ những lớp dạy thêm, học thêm tại nhà giáo viên

Mặc dù cô giáo Phạm Thị Hương thừa nhận có một học sinh lớp 9A Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ, đang học thêm tại nhà riêng của mình đã chụp đề thi từ máy tính tại nhà cô giáo và khẳng định không tự sao, chụp đề cho học sinh. Nhưng, đây chỉ là trả lời ban đầu sau sự cố. Chắc chắn Công an tỉnh Kon Tum sẽ làm rõ sự việc này. 

Vấn đề đặt ra là tại sao học sinh lại chụp được đề thi "gần giống" với đề thi tuyển sinh lớp 10 tại máy tính nhà cô giáo? 

Thông thường, máy tính hoặc laptop sẽ được giáo viên để ở phòng làm việc riêng. Nếu giáo viên dùng máy tính để dạy học thì mở file bài giảng chứ sao lại mở file đề thi thuộc dạng bí mật nhà nước cho học sinh chụp? Khi học sinh chụp màn hình đề thi thì cô giáo ở đâu?

Rõ ràng, cô giáo giải trình không thuyết phục được phụ huynh, dư luận xã hội và chắc chắn sẽ khó thuyết phục với cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, từ sự việc này cho thấy một thực tế phản giáo dục đang tồn tại ở một số địa phương, trường học. Những người có "uy tín" trong trường, trong ngành thường là những người được tin tưởng để ra đề kiểm tra, đề thi. Nhưng, họ đã lợi dụng niềm tin này để trục lợi bản thân. Họ hay ôn "trúng đề" nên lôi kéo được nhiều học sinh đến học thêm với mình. Chính vì thế, được tiếng là giáo viên dạy giỏi, dạy thêm, ôn thi cho học sinh có kết quả cao. Việc "phím" trước đề thi mình sẽ ra tại kỳ thi, kiểm tra cho học sinh là cách làm giàu cá nhân?

Từ sự việc này, dư luận càng thấu tỏ những tồn tại của việc dạy thêm, học thêm hiện nay ở một số nhà trường. Nhất là các giáo viên biến nhà riêng thành nơi "học chui" - ở đó không có phương pháp giảng dạy khoa học nào mà chỉ toàn mánh lới luyện thi, học tủ, học điểm...

Đồng thời, cũng cho thấy một quy trình lỏng lẻo khi lựa chọn, điều động giáo viên tham gia ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Kon Tum - một kỳ thi chuyển cấp, được Sở Giáo dục và Đào tạo đứng ra tổ chức mà để xảy ra… nghi vấn lộ đề thi là sai phạm không chỉ riêng một cô giáo. 

Trong khi các địa phương khác đang thực hiện quy trình ra đề, bảo mật một cách nghiêm ngặt, chặt chẽ thì nghi vấn lộ đề ở Kon Tum lại có cách làm ngược lại, làm ảnh hưởng đến uy tín của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trên toàn quốc.

Các môn thi trong kỳ thi tuyển sinh 10 như Toán, Ngữ văn, tiếng Anh đều là những môn học nhiều tiết, từ 3-5 tiết/ tuần nên việc học tập, ôn thi khá nặng nề và vất vả cho thí sinh, nhất là đối với những em thi vào các trường trung học phổ thông chuyên.

Chính vì vậy, kỳ thi tuyển sinh 10 lâu nay vẫn được đánh giá là kỳ thi nghiêm túc, phản ánh đúng chất lượng giảng dạy và học tập. Hơn nữa, đây là kỳ thi tuyển nên các địa phương đều phải rất chú trọng từng khâu nhỏ nhất liên quan đến kỳ thi. Đặc biệt là khâu ra đề thi phải đảm bảo tính bí mật để đảm bảo quyền lợi cho tất cả thí sinh.

Khi nghi vấn lộ đề tiếng Anh ở tỉnh Kon Tum được phản ánh khiến công chúng bất ngờ về quy trình ra đề thi ở đây. Cũng từ sự việc này, dư luận thấy rõ hơn về bức tranh dạy thêm, học thêm hiện nay của một số giáo viên đang làm méo mó đi hình ảnh người thầy và mai một niềm tin của xã hội.                                   

Bình luận của bạn

Bình luận