Từ ngày 29/4 nắng nóng ở Nam Bộ giảm dần

N.Cường
16:20 - 26/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 27-28/4 khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Từ ngày 29/4 nắng nóng ở Nam Bộ giảm dần.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày hôm nay (26/4), ở Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 40-60%.

Từ ngày 29/4 nắng nóng ở Nam Bộ giảm dần - Ảnh 1.

Từ ngày 29/4 nắng nóng ở Nam Bộ giảm dần. Ảnh: N.Cường

Dự báo ngày 27-28/4, khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-65%. Từ ngày 29/4 nắng nóng ở Nam Bộ giảm dần.

Trung tâm này khuyến cáo: Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Bảo vệ cơ thể trước tác hại của tia cực tím trong những ngày trời nắng nóng

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong ngày 27, 28 và 29/4, chỉ số tia cực tím ở các thành phố miền Nam đều có nguy cơ gây hại cao đến rất cao.

Để tránh tác hại của bức xạ tia cực tím, bạn không nên ra đường vào lúc nắng gắt nhất, khoảng 10-16 giờ hàng ngày. Nên dùng quần áo dài để che cho da càng nhiều càng tốt, dùng nón che phủ phần đầu và mặt. Lưu ý, trời nhiều mây nhưng không phải lúc nào cũng hạn chế tia cực tím do một số trường hợp đám mây có thể phản xạ và tăng cường độ của tia cực tím. Các nhà kính, cửa sổ kính, kim loại cũng làm phản chiếu tia cực tím nên bạn cần cẩn trọng khi di chuyển trong thành phố.

Dùng các sản phẩm chống nắng dạng kem, xịt để bảo vệ các vùng cơ thể không được quần áo che phủ như mặt, môi, cánh tay, bàn tay. Nên đọc kỹ xem sản phẩm có đúng là dùng để chống nắng hay không với chỉ số bảo vệ ánh nắng (SPF) từ 30 trở lên, dùng kính mát có khả năng chặn tia cực tím (chỉ số ANSI trên sản phẩm).

Khi đi tắm biển, hồ bơi vào giờ nắng gắt, nên dùng kem chống nắng và kính mát bởi tia cực tím vẫn có thể xuyên thấu qua nước.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao, bạn nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc. Thường xuyên uống nước, nhất là các loại nước có muối khoáng.