“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” - chiến tranh từ góc nhìn khác của Nguyễn Một

Dũng Minh
08:33 - 28/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhà văn Nguyễn Một, tác giả của hai tiểu thuyết nổi tiếng "Đất trời vần vũ" và "Ngược mặt trời", đã quyết định "đào sâu mảnh đất hiện thực" bằng cách viết về những chiêm nghiệm đời sống của chính mình trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín".

“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” - chiến tranh từ góc nhìn khác của Nguyễn Một - Ảnh 1.

Bà Vũ Phương Liên, Giám đốc Liên Việt Books tặng hoa cho nhà văn Nguyễn Một. Ảnh: Nhandan.vn

Viết về chiến tranh để hướng tới một tương lai không còn chiến tranh

Cuốn sách kể về một cuộc tình diễn ra trong bối cảnh chiến tranh lịch sử, khi đất nước bị chia cắt. Nhân vật chính là Sơn, một chàng trai nông thôn trốn lính lên thành phố và yêu một cô gái ở vùng ven. Tình yêu của họ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách, không chỉ từ xã hội mà còn từ chính bản thân họ. Sơn luôn bị giằng xé bởi tình cảm và lý trí, khi anh không biết mình thuộc về bên nào trong cuộc chiến này.

Ngoài ra, cuốn sách còn khắc họa những mối quan hệ phức tạp của Sơn với những người xung quanh, những người có thân phận và quan điểm khác nhau về chiến tranh. Đây không phải là một tiểu thuyết diễm tình, mà là một tiểu thuyết nhân văn, phản ánh sự khắc nghiệt và bi kịch của chiến tranh đối với con người.

“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” - chiến tranh từ góc nhìn khác của Nguyễn Một - Ảnh 2.

Bìa sách "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín". Ảnh: IT

Theo nhà văn Nguyễn Một, ông đã viết cuốn sách này dựa trên những ký ức và trải nghiệm cá nhân của ông về chiến tranh: "Các cậu tôi kể lại, cha tôi trúng đạn chết khi mẹ tôi đang mang thai ba tháng. Còn mẹ tôi chết do một viên đạn bắn xuyên qua đầu, khi đó tôi mới 4 tuổi. Lúc mẹ trúng đạn, bà ôm tôi, máu của mẹ chảy trên người tôi".

Nhà văn Nguyễn Một đã tạo nên một tác phẩm hiện thực như một hồi ký, kể lại câu chuyện thật về cuộc đời của mình trong chiến tranh. Ông cũng đã đưa vào tác phẩm tinh thần Thiên Chúa giáo qua việc tha thứ và khoan dung cho những người đã gây ra nỗi đau cho mình và cho đất nước.

Ngày 18/6, tại Hà Nội, trong buổi ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã ca ngợi cuốn tiểu thuyết là một góc nhìn mới mẻ về chiến tranh. Nhà thơ nhấn mạnh, sau gần 50 năm, nhà văn Nguyễn Một đã viết về chiến tranh không để than khóc hay ngạo mạn, mà để hướng tới một tương lai không còn chiến tranh.

Cuốn tiểu thuyết có nhiều nhân vật đa dạng, phản ánh xã hội Việt Nam trong chiến tranh. Họ có những hoàn cảnh, thân phận và giấc mơ khác nhau, nhưng đều ảnh hưởng bởi chiến tranh. Người đọc sẽ cảm thấy như chính mình đang sống trong cuộc chiến, và mong muốn thoát khỏi nó.

Ông Saadi Salama, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam - người bạn gần gũi với nhiều nhà văn Việt Nam - đã bày tỏ sự xúc động. Ông chia sẻ, Việt Nam là đất nước đã trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt và giờ đây đã có hòa bình, độc lập. Ông luôn quan tâm đến văn học Việt Nam, từ những tác phẩm của thế kỷ 20 cho đến những tác phẩm hiện đại. Chúng là "món ăn tinh thần" giúp ông hiểu hơn về Việt Nam.

"Đọc tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một cũng như tác phẩm trước đó về chiến tranh ở Việt Nam của tác giả khác đã truyền động lực, niềm tin mạnh mẽ về tương lai hòa bình của đất nước chúng tôi", Đại sứ nhấn mạnh.

Những ký ức và trải nghiệm hãi hùng về chiến tranh

Nhà báo Yên Ba, người đã đọc Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín khi còn là bản thảo cho biết: "Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này khá lạ. Là một nhân vật không ác, không thiện. Cuốn sách trải dài theo chiều lịch sử trong giai đoạn tang thương của đất nước.

Ở đó, sự vô minh của con người trong thời chiến và số phận con người trở nên nhỏ bé trong cuộc chiến vô tri được nhấn mạnh bằng một thủ pháp hoàn toàn khác hai tiểu thuyết trước của Nguyễn Một".

Nhà văn Tạ Duy Anh, người viết lời tựa cho cuốn tiểu thuyết, tỏ ra rất ấn tượng, theo ông, đọc những đoạn văn này chỉ thấy hãi hùng. Và nó sẽ khiến ta phải "gào lên" những câu hỏi không có lời đáp. Nhưng chiến tranh là như vậy. Nó biến mọi thứ thành vô lý, vô nghĩa. Sau khi đọc xong cuốn sách, ta sẽ nhận được một thông điệp nhân văn sâu sắc: "Chiến tranh, mi đừng có sinh ra trên thế gian này!". 

"Tôi cho rằng đây là một cuốn tiểu thuyết rất đáng đọc bởi không chỉ là câu chuyện tình dang dở mà qua đó, Nguyễn Một đã kỳ công đưa lại cho chúng ta những nỗi đau của người dân trong cuộc chiến", nhà văn Tạ Duy Anh chia sẻ.

Là một trong những nhà văn có mặt tại lễ ra mắt sách của tác giả Nguyễn Một, nhà văn Nguyễn Văn Thọ không giấu được sự xúc động, bởi ông cũng từng là một người lính, từng trải qua sự thảm khốc của chiến tranh. Theo ông, đây là cuốn sách về những thân phận người trải qua chiến tranh. Ngoài ra, tác giả đã tái hiện sự khốc liệt của cuộc chiến bằng lòng yêu nước...

Cuốn "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" của nhà văn Nguyễn Một được ấn hành với hai phiên bản sách thường và phiên bản đặc biệt được in bìa cứng, trình bày đẹp.

Theo bà Vũ Phương Liên, Giám đốc Công ty sách Liên Việt: "100 bản đặc biệt được in ấn, hoàn thiện công phu bằng chất liệu giấy mỹ thuật và 16 bức minh họa màu chính là lời tri ân mà tác giả dành tặng cho các độc giả thân thiết. Ngoài ra, tiền bán 100 cuốn sách đặc biệt này sẽ được dùng để tài trợ cho Mái ấm Giuse, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Đây là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp và ấm áp, thể hiện sự tương thân tương ái của gia đình nhà văn Nguyễn Một dành cho hơn 100 trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại mái ấm này".

"Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng đất chiến tranh liên miên, chứng kiến nhiều cái chết hằng ngày của người dân và cả gia đình mình. Chiến tranh đã ám ảnh tôi mãi. Sau này, tôi đã thấm nhuần tinh thần yêu thương và tha thứ. Tôi thấy rằng, chúng ta cần biết quá khứ để ứng xử với tương lai. Lịch sử là thứ không thay đổi được, đừng để lịch sử giày vò tương lai chúng ta". Nhà văn Nguyễn Một