Từ đêm nay 10/8, bão số 2 sẽ gây mưa to gió lớn cho ven biển Quảng Ninh - Ninh Bình

Quỳnh Giang
16:40 - 10/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm nay 10/8, bão số 2 sẽ gây mưa to gió lớn cho khu vực ven biển từ Quảng Ninh - Ninh Bình. Sau đó, bão số 2 đi vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Dự báo bão số 2 đi vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13 giờ hôm nay 10/8, tâm bão số 2 mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 220km về phía Đông, cách Quảng Ninh khoảng 250km về phía Đông Nam, cách Nam Định 360km về phía Đông. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 130km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 2 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.

Đến 1 giờ ngày mai 11/8, tâm bão số 2 mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm, khu nuôi trồng thủy sản đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ đêm nay 10/8, bão số 2 sẽ gây mưa to gió lớn cho ven biển Quảng Ninh - Ninh Bình  - Ảnh 1.

Vị trí, đường đi và phạm vi ảnh hưởng của bão số 2. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 4,0-6,0m, biển động rất mạnh.

Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh. Ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định đề phòng sóng lớn kết hợp với triều cường gây ngập úng tại vùng trũng, thấp.

Do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền

Đêm 10/8 và sáng ngày 11/8, khu vực ven biển Quảng Ninh-Ninh Bình nhiều khả năng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển Thanh Hóa có gió mạnh cấp 5, giật cấp 8.

Cảnh báo mưa lớn

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều tối nay 10/8 đến khoảng ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.

Khu vực Hà Nội từ đêm nay 10/8 đến ngày 12/8 có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 200mm.

Cảnh báo lũ trên các sông ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước thượng lưu các sông chính ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An hiện đang biến đổi chậm.

Cảnh báo từ hôm nay 10/8 đến ngày 12/8, trên các sông suối thuộc các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên ở khu vực thượng lưu các sông từ 3-5m, hạ lưu từ 1-3m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ, thượng lưu các sông khu vực Bắc Bộ có khả năng lên mức báo động báo động 1 – báo động 2: Các sông nhỏ ở Thanh Hoá lên mức báo động 1 và trên báo động 2.

Mực nước đỉnh lũ khu vực hạ lưu các sông chính ở dưới mức báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt cục bộ tại vùng trũng thấp tại các tỉnh khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hoá và Nghệ An.

Sẵn sàng ứng phó với bão số 2

Sáng 10/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ban ngành có liên quan để lên phương án ứng phó với bão số 2.

Theo báo cáo nhanh ngày 9/8/2022 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Ninh Bình, Gia Lai, Bình Thuận, Bến Tre, tình hình thiệt hại do mưa kèm lốc, sét ngày 8/8 như sau:

- Về người: 2 người chết (1 người tại Ninh Bình do sét đánh và 1 người tại Bến Tre do điện giật).

- Về nhà: 2 nhà bị sập đổ (Bến Tre); 8 nhà bị tốc mái, hư hỏng (Bình Thuận 1, Bến Tre 7).

- Về Nông nghiệp: 2.396 ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại (Gia Lai 1.396ha, Bến Tre 1.000 ha).

- Thiệt hại khác: 5 trụ điện bị gãy đổ, 01 điểm trường bị tốc mái.

Huy động 400.000 người, hơn 2.300 phương tiện, 15 máy bay ứng phó với bão số 2

Tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ độ Biên phòng cho biết: Từ đêm 10/8 đơn vị này sẽ yêu cầu các đơn vị từ Quảng Ninh đến Ninh Bình bắn pháo hiệu cảnh báo cho các phương tiện hoạt động ven bờ, ngư dân nuôi trồng thủy sản ven bờ biết với cơn bão số 2.

Đại diện Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, để ứng phó với báo, số lượng người ứng trực là hơn 400.000 người, trong đó, bộ đội là hơn 50.000 người, dân quân tự vệ là hơn 362.000 người. Ngoài ra, huy động hơn 2.300 phương tiện các loại, trong đó 127 xe đặc chủng, 8 máy bay của không quân, 7 máy bay của Binh đoàn 18, để sẵn sàng ứng phó với bão số 2.

Từ đêm nay 10/8, bão số 2 sẽ gây mưa to gió lớn cho ven biển Quảng Ninh - Ninh Bình  - Ảnh 3.

Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Phòng Cứu hộ cứu nạn - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Tổng cục phòng chống thiên tai

Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 10/8, đã hướng dẫn: 52.249 tàu/228.960 người chủ động di chuyển phòng tránh bão, trong đó:

Hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và QĐ Hoàng Sa: 181 tàu/1.436 người.

Hoạt động tại khu vực khác: 6.431 tàu/37.079 người.

Neo đậu tại các bến: 45.637 tàu/190.445 người.

Các tàu đã nắm được thông tin về diễn biến bão và đã di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ngày 9/8, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Văn Thành đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai ứng phó với bão tại văn bản số 5051/VPCP-NN.

Cũng trong ngày 9/8, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai đã ban hành các Công Điện: số 23/CĐ-QG và số 24/CĐ-QG chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão và có 2 văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Văn Thành về diễn biến của bão và công tác chỉ đạo ứng phó.