Truyện dân gian Do Thái - Trời luôn đền đáp cho những người xứng đáng

Thế Vinh
06:34 - 20/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Lần theo gần 100 cốt truyện dân gian được tuyển dịch và biên soạn cẩn thận trong cuốn "Truyện dân gian Do Thái", độc giả sẽ được chứng kiến một bức tranh đầy màu sắc về mấy ngàn năm luân lạc của dân tộc Do Thái.

Nếu độc giả đã quen thuộc với những đặc trưng của các tác phẩm văn học dân gian Việt Nam như hình tượng những người anh hùng trong sử thi, yếu tố lịch sử và kỳ ảo trong truyền thuyết... thì đến với cốt truyện dân gian Do Thái, ta sẽ thấy thêm những nhân vật hoàn toàn mới - người có trí tuệ, minh triết trong lối sống như vua Solomon; những người mang tới phép màu và niềm hy vọng như đại ngôn sứ Elijah; thầy cả - hiện thân của sự uyên bác, khôn ngoan - đại diện cho cộng đoàn Do Thái giáo… Những nhân vật cơ bản, xuất hiện nhiều lần nhưng luôn được lồng ghép khéo léo vào các câu chuyện trong kho tàng văn học dân gian, đã thể hiện rõ những nét văn hóa đặc trưng cùng niềm tin tôn giáo của người Do Thái.

Truyện dân gian Do Thái - Ảnh 1.

Bên cạnh văn học dân gian mang nặng mẫu thức của Kinh thánh, ta còn thấy một dân tộc Do Thái

phát triển rất tốt truyền thống trào phúng.

Trời luôn đền đáp cho những người xứng đáng

Mấy ngàn năm luân lạc của dân tộc Do Thái khiến họ đã trải qua nhiều khổ đau: Chịu sự đô hộ, sống cuộc đời tha hương, bị sách nhiễu cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng trong những câu chuyện của họ, nét đẹp đạo đức, vẻ sáng ngời của tôn giáo vẫn hiện lên lấp lánh, mang nhiều ý nghĩa răn dạy về đức tin, lòng kính sợ Thượng đế, tuân giữ lề luật và luôn đặt niềm tin vào tương lai phía trước.

Bạn có thể bắt gặp nhiều nét tương đồng khi đọc Truyện ngụ ngôn Aesop so sánh với Thơ ngụ ngôn La Fontaine hay Truyện cổ nước Nam như cuộc chạy đua giữa Rùa và Thỏ hay thậm chí là câu chuyện tưởng chừng thuần Việt như chuyện về bó đũa. Thế nhưng, để tìm được một truyện na ná quen thuộc như vậy trong Truyện dân gian Do Thái, có lẽ là không có.

Đọc Truyện dân gian Do Thái, bạn sẽ có cảm giác tương đối dễ chịu bởi thông điệp qua từng truyện luôn rõ ràng và dễ tiếp thu. Trời luôn đền đáp cho những người xứng đáng, chỉ cần họ giữ vững tâm sáng và luôn có niềm tin hướng thiện. Một anh thợ học làm bánh nhờ tự tay thắp nến, dắt một thầy cả đi xin lửa về nhà trong đêm tối, chẳng bao lâu trở thành người giàu có và có ảnh hưởng nhất một vùng rộng lớn. Một người nghèo giữ đúng lời hứa với vị ngôn sứ rằng sẽ dùng bảo bối của ngài để tạo phúc cho dân chúng trong thành, được hưởng cuộc sống ấm no đến cuối đời, trong khi người trước anh ta, chỉ vì chút lòng tham mà mất đi bảo bối đã được trao rồi ngậm ngùi trở lại với kiếp sống bần hàn. Trí tuệ của người Do Thái cũng được thể hiện rất rõ qua những câu chuyện xử án tài tình của vua Solomon, những màn đấu trí tại tòa của người dân - trong đó có cả các bà nội trợ khôn ngoan hay những mẩu truyện cười tinh tế, đầy ẩn ý.

Bên cạnh văn học dân gian mang nặng mẫu thức của Kinh thánh, ta còn thấy một dân tộc Do Thái phát triển rất tốt truyền thống trào phúng. Sự mỉa mai, châm biếm được đưa vào những câu chuyện nhỏ thể hiện trí tuệ, ước mơ ấp ủ về sự bình đẳng, tự do và no đủ của người dân nơi đây. Đối với một dân tộc phải trải qua nhiều lam lũ, tha hương, lời hứa về một thế giới lý tưởng cùng sự xuất hiện của Đấng Cứu thế được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những câu chuyện dân gian được nhìn nhận như một sự nuôi dưỡng niềm hy vọng, quyết tâm chịu đựng, vượt qua gian khổ với một tâm tư nhẹ nhàng và một "người bạn đồng hành biết kể chuyện vui".

Phép mầu ẩn giấu trong đời sống thường nhật

Giống như hầu hết văn học dân gian của các dân tộc khác, điểm đặc trưng trong bút pháp nghệ thuật của truyện dân gian Do Thái là tính truyền miệng, tính tập thể và do nội dung của các câu chuyện cổ tập trung nhiều vào yếu tố giáo dục, răn dạy về tôn giáo, đạo đức, lối sống, vì thế, cách dẫn dắt cốt truyện luôn ngắn gọn, trực tiếp hướng tới những vấn đề chung của cả cộng đồng, dân tộc. Câu chuyện sử dụng nhiều đoạn đối thoại với ngôn từ giản dị, gợi mở ra những nét văn hóa cội nguồn.

Khám phá không gian mới mẻ trong "Truyện dân gian Do Thái", bạn sẽ thấy tinh thần mình như được thanh lọc một phần, có thêm nhiều cảm hứng hơn, nhiều niềm tin hơn và những phép màu ẩn giấu trong đời sống thường nhật. Cuốn sách này rất phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích sự ly kỳ, hấp dẫn, mới lạ lẫn người đọc lớn tuổi ưa chiêm nghiệm về các lớp lang thông điệp. Những ai yêu thích, mến mộ văn hóa lẫn trí tuệ của dân tộc Do Thái đều nên đọc qua kho tàng truyện cổ dân gian kết tinh trí tuệ cũng như văn hóa đặc sắc của họ.

Truyện dân gian Do Thái - Ảnh 2.

Bìa sách thể hiện hình tượng vua Solomon và thầy cả, những nhân vật được coi là khôn ngoan, uyên bác nhất thế gian.

Ý nghĩa bìa sách "Truyện dân gian Do Thái"

+ Hình tượng vua Solomon

Solomon là vị vua thứ ba cũng là vị vua hùng mạnh sau cùng trong lịch sử Do Thái. Theo truyền thuyết Do Thái, ông được Thượng đế ban cho làm người khôn ngoan nhất thế gian, thế nên ông là nhân vật chính của rất nhiều truyện liên quan tới trí tuệ, minh triết. Triều đại của Solomon nổi tiếng thái bình thịnh trị.

+ Hình tượng thầy cả

Nhân vật này xuất hiện trong vố số truyện. Sinh hoạt Do Thái giáo làm nổi bật vai trò của thầy cả như một người uyên bác, khôn ngoan, đạo hạnh và nhà lãnh đạo thật sự của cộng đoàn trong cuộc sống phiêu linh, tuy tản mát khắp thế giới nhưng lại co cụm trong những khu riêng biệt dành cho người Do Thái. Kể từ khi Đền thờ Jerusalem bị san bằng kéo theo với nó là sự tàn lụi của giới tư tế thì hội đường và thầy cả là tâm điểm tinh thần của Do Thái giáo.

+ Hình tượng linh vật là con sư tử có cánh, có đầu chim ưng

Linh vật này xuất phát từ hình tượng 4 hình hài (Tetramorph) hay còn gọi là bốn sinh vật được nhắc đến trong Kinh Thánh (sư tử, bò rừng, chim ưng, con người). Thông qua đó thể hiện sức mạnh, quyền uy của Thiên Chúa (qua hình ảnh con sư tử là Chúa sơn lâm trên muôn loài dũng mãnh, con đại bàng là chúa tể bầu trời, con bò là con vật thuần hóa rất gắn bó với con người….)

+ Ba nhân vật biểu trưng cho văn hóa Do Thái nói trên được phác họa ở trung tâm của Hội đường Do Thái – nơi sinh hoạt tôn giáo quen thuộc của các tín đồ Do Thái giáo, nơi thường là bối cảnh chính diễn ra các câu chuyện.

+ Ngoài ra, trên bìa sách còn có hình ảnh Ngôi sao David – biểu tượng của người Do Thái, hình ảnh chén thánh, bảo bình, chân nến… là các biểu trưng của dân tộc Do Thái, đạo Thiên Chúa.

Về Nguyễn Ước - dịch giả của "Truyện dân gian Do Thái"

Dịch giả Nguyễn Ước sinh năm 1947 tại Hàm Hòa, Quảng Ninh, Quảng Bình. Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào Bồ Ðiền, Phong Ðiền, Thừa Thiên. Ông tốt nghiệp Ðại học Sư Phạm Huế, ban Việt Hán. Trước năm 1975, ông từng dạy Văn và Sử tại Huế, Ðà Nẵng rồi Tuy Hòa, đồng thời làm chuyên viên công tác phát triển xã hội. Từ năm 1991, ông định cư tại Toronto, Canada. Ông vừa là nhà văn, vừa là dịch giả, tác giả của nhiều cuốn sách đồ sộ về văn hóa, triết học, tôn giáo…

"Truyện dân gian Do Thái" là tác phẩm được nhà văn Nguyễn Ước tuyển dịch, mang đậm màu sắc văn hóa Do Thái, tinh thần nhân văn của Do Thái giáo. Chia sẻ những suy nghĩ của mình về cuốn sách này, ông viết: "Đọc truyện dân gian của các dân tộc khác ta cảm thấy như vang bên tai tiếng cười khinh khoái, nhưng trong truyện dân gian của người Do Thái, ta còn thấy lấp lánh ý nghĩa đạo đức, cổ vũ việc tuân giữ lề luật, ghi sắc nét dấu vết của phong tục tập quán và tâm tính của dân tộc. Về mặt luân lý, nội dung của truyện dân gian Do Thái có cứu cánh dùng ngôn từ để chuyển chở đạo lý, như chủ trương "văn dĩ tải đạo" của các nhà Nho nước ta. Về mặt văn học, có thể xem một số truyện như tiên phong cho vài hình thức sáng tác của văn chương bác học, kể cả các phong trào văn chương hiện đại và hậu hiện đại".

"Truyện dân gian Do Thái" - một vài nhận xét

• Bản sắc dân tộc cùng ảnh hưởng bản địa được ghi đậm nét trong văn học bình dân Do Thái, rồi tới lượt phần văn học ấy, mà chủ yếu là hàng chục ngàn truyện dân gian, từ đời này sang đời nọ, thể hiện xuất sắc chức năng của nó.

• Cốt lõi là đức tin và lòng kính sợ Thượng đế của họ, tuân giữ nghiêm ngặt lề luật và niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

• Với truyện của người Do Thái, khi tiếng cười lắng xuống, nó để lại đám mây lãng đãng trên tâm hồn người thưởng ngoạn.

• Mục đích chính của tác giả nguyên thủy hay người kể lại thường không phải là chỉ là giúp tiêu khiển mà còn để giảng huấn, và gần như không truyện nào thiếu một vài câu rao giảng.

• Người Do Thái tin rằng sở dĩ họ tồn tại là nhờ giữ vững niềm tin vào Thượng đế và vào vận mệnh được Thượng đế dành cho dân tộc mình.