Trường trung học phổ thông công lập ở Hà Nội quá ít so với các tỉnh khác?

Ngọc Trân
12:12 - 09/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Những ngày qua, dư luận xã hội đã nói nhiều về việc phụ huynh ở Hà Nội có con trượt các nguyện vọng trường công lập phải xếp hàng từ đêm để giành suất vào lớp 10 cho con. Thử so sánh số lượng trường trung học phổ thông của Hà Nội với các tỉnh khác sẽ thấy trường học ở Hà Nội quá ít.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội vừa qua, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương khẳng định: "Hà Nội không thiếu chỗ học. Chỉ có điều, một số trường có uy tín đào tạo tốt nên phụ huynh tin tưởng gửi gắm, bằng mọi giá, bằng mọi cách xếp hàng từ rất sớm để con có suất vào trường học".

Những chia sẻ của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, nhất là những phụ huynh có con vừa tham dự kỳ thi tuyển sinh 10, năm học 2023-2024. 

Trên thực tế, hiện nay Hà Nội có thiếu chỗ học cho học sinh học lớp 10 hay không? Số lượng trường trung học phổ thông ở đây so sánh với các địa phương khác sẽ như thế nào?

Trường trung học phổ thông công lập ở Hà Nội quá ít so với các tỉnh khác? - Ảnh 2.

Ngôi trường công lập đầu tiên trên cả nước đào tạo đủ cả 3 cấp học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh

"Cái lý" của vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

Những chia sẻ của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương có lẽ không sai vì trước khi kỳ thi tuyển sinh lớp 10, năm học 2023-2024 diễn ra, Sở đã ban hành kế hoạch tuyển sinh lớp 10 và phân luồng rất cụ thể. Kế hoạch này cũng được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi đến các nhà trường.

Theo đó, năm học 2023-2024, Hà Nội tuyển 55,7% số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10 của trường công lập. Số còn lại sẽ tuyển vào các trường trung học phổ thông công lập tự chủ và tư thục; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Điều này có nghĩa, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phân luồng cụ thể, chi tiết cho từng loại hình đào tạo sau khi học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Nếu thí sinh không đậu các nguyện vọng vào trường công lập thì sẽ nộp hồ sơ vào các trường ngoài công lập với nhiều hình thức giáo dục khác nhau. 

Và nếu theo kế hoạch này thì việc tuyển sinh lớp 10 cho năm học 2023-2024 thật đơn giản! Hơn 30 ngàn thí sinh trượt nguyện vọng 1 công lập không phải cùng với phụ huynh ngược xuôi, thức đêm để giành 1 suất vào lớp 10.

"Cái lý" của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng là cái khó của nhiều phụ huynh thuộc khu vực nội thành. Họ có con đạt trên 40 điểm (hơn 8,0 điểm/ môn thi) vẫn trượt các nguyện vọng trường công lập mà con họ đã đăng ký. Với điểm thi như thế, liệu có bao nhiêu phụ huynh dễ dàng chấp nhận cho con em mình vào học ở các các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa rõ chất lượng ra sao?

Việc đăng ký nguyện vọng công lập thì các nhà trường đã hướng dẫn thí sinh thực hiện từ khi chưa thi nên khi công bố điểm thi, điểm chuẩn mà thí sinh muốn chuyển nguyện vọng sang khu vực khác, trường khác cũng không thể thực hiện được. Hơn nữa, chẳng lẽ học sinh ở nội thành hằng ngày ra ngoại thành học ở các trường thuộc địa bàn Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì hay sao?

Nếu theo đúng kế hoạch tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội thì sao phụ huynh phải xếp hàng từ đêm? Việc tuyển sinh đầu cấp hiện nay chủ yếu đã áp dụng số hoá, tức là hồ sơ thí sinh dự thi đã được quản lí trên nền tảng điện tử. 

Nếu các trường tạo điều kiện cho phụ huynh học sinh huỷ nguyện vọng, đăng kí nguyện vọng và xét duyệt hồ sơ công khai theo điểm từ trên xuống dưới thì phụ huynh đâu phải xếp hàng nộp hồ sơ trực tiếp trước cổng trường? Và Sở Giáo dục và Đào tạo cũng không phải ra công văn chỉ đạo khẩn nhằm "giải tán" phụ huynh và nhắc nhở các nhà trường. Phải chăng các trường cũng đang gián tiếp quảng cáo cho trường bằng cách tuyển sinh nhận hồ sơ trực tiếp? Hệ thống các trường công lập ở Hà Nội đã quá ít lại còn phải cạnh tranh với nhau?

Những khó khăn này có lẽ sẽ còn xảy ra trong những năm học tới đây ở Hà Nội vì dân số ngày càng tăng, số thí sinh sẽ ngày một nhiều nhưng việc xây trường không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai - nhất là khu vực nội thành - nơi mà tìm quỹ đất để xây dựng trường học không phải là điều dễ dàng.

Số trường công lập của Hà Nội so với các địa phương khác ra sao?

Mỗi địa phương có một đặc thù riêng nên sự so sánh số lượng trường công lập có thể khập khiễng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số trường công lập của Hà Nội với tất cả các địa phương còn lại sẽ thấy số lượng trường công lập ở Thủ đô hiện nay là quá ít so với các tỉnh, thành khác.

Kỳ tuyển sinh lớp 10 vừa qua, Hà Nội có hơn 115.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ có 117 trường trung học phổ thông công lập. Trong khi đó, nếu so sánh với tỉnh Thanh Hóa năm nay có có gần 36.500 thí sinh đăng ký dự thi nhưng có tới 85 trường trung học phổ thông công lập và 2 trường dân tộc nội trú thì rõ ràng sự chênh lệch về số trường là rất lớn. 

Hoặc so sánh với tỉnh An Giang năm nay có hơn 20.000 thí sinh cho cả thi tuyển và xét tuyển lớp 10 nhưng có tới 51 trường trung học phổ thông sẽ thấy áp lực thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội căng thẳng vô cùng.

Trong khi, số lượng học sinh của phần lớn các tỉnh hiện nay đang "đi ngang", thậm chí "đi xuống" như Thanh Hóa vì kỳ thi tuyển lớp 10 năm 2022 thì địa phương này có gần 42.000 thí sinh dự thi nhưng năm 2023 chỉ còn có gần 36.500 thí sinh dự thi. Việc thí sinh của nhiều địa phương giữ ổn định về số lượng, hoặc năm sau thấp hơn số lượng năm trước do chính sách dân số hằng năm với tỉ lệ sinh giảm và có cả nguyên nhân từ việc di dân đến các thành phố lớn.

Thế nhưng, số lượng thí sinh dự thi ở Hà Nội thường năm sau lại cao hơn năm trước bởi số lượng dân số di chuyển từ các tỉnh, thành khác đến đây sinh sống ngày một nhiều hơn. Việc di dân này có nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả việc nhiều sinh viên tỉnh lẻ đến Hà Nội học tập, học xong họ ở lại tìm kiếm việc làm. Rồi họ lập gia đình và sinh sống tại đây. Chung cư cao ốc mọc lên chóng mặt phục vụ những đối tượng dân cư này, tuy nhiên lại không đi kèm với trường học - điều đáng lẽ phải tính đến đầu tiên. Vì thế, không chỉ những năm gần đây mà những năm tới đây thì kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội vẫn cạnh tranh khốc liệt.

Không chỉ riêng tuyển sinh lớp 10 mà số lượng học sinh các cấp đều tăng quá nhanh đã dẫn đến tình trạng quá tải trường lớp cục bộ ở nhiều địa bàn tại Hà Nội. Vì thiếu trường lớp, phụ huynh phải bốc thăm may mắn để giành suất vào Trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai; xếp hàng xuyên đêm chờ mua hồ sơ trải nghiệm vào lớp 1 Trường Marie Curie, quận Nam Từ Liêm; phụ huynh chen lấn, xô để xếp hàng, tranh suất học ở Trường Tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông… đã được báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Như vậy, giải quyết tình trạng quá tải trường lớp ở Hà Nội không chỉ là việc của một năm học. Tuy nhiên, nó phải bắt đầu từ ngay năm học này, đi từ chính sách và quỹ đất, nguồn lực dành cho giáo dục.