Trường đại học tích cực hỗ trợ giảng viên nâng chuẩn chức danh lên Phó Giáo sư, Giáo sư
Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ giáo sư và phó giáo sư, các trường đại học đã có nhiều chính sách hỗ trợ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, nâng chuẩn chức danh.
Mới đây, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách 34 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và 349 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2022.
Trong thời hạn 15 ngày, nếu không có đơn thư, phản ánh, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022.
Dẫn đầu danh sách cơ sở đào tạo có số ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư nhiều nhất là Trường Đại học Cần Thơ với 23 ứng viên.
Tích cực hỗ trợ giảng viên nghiên cứu khoa học, nâng chuẩn chức danh
Trao đổi về thông tin trên, Giáo sư Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ nhận định, đây là tín hiệu tích cực đối với Trường Đại học Cần Thơ và cũng là kết quả của quá trình chuẩn bị từ nhiều năm trước, thông qua việc nhà trường đẩy mạnh đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ, đa số đều được học tập ở nước ngoài.
"Năm nay, trường có 23 ứng viên đạt đủ phiếu tín nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Tuy nhiên, năm 2018, trường có số giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn nhiều nhất với 4 giáo sư và 28 phó giáo sư.
Số giáo sư, phó giáo sư của trường trong 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm tăng gần 20 giáo sư, phó giáo sư", Giáo sư Nguyễn Thanh Phương thông tin.
Trên cơ sở mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ giáo sư và phó giáo sư, Trường Đại học Cần Thơ đã có nhiều cải tiến quan trọng trong Quy chế chi tiêu nội bộ của trường.
Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Phương, nhà trường đã điều chỉnh, bổ sung mức chi thưởng đối với bài báo được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI, Scopus cao nhằm khuyến khích giảng viên công bố khoa học, đặc biệt là công bố quốc tế.
Trong đó, tác giả chính được thưởng 50%, các đồng tác giả được chia đều 50% còn lại. Tác giả chính theo thứ tự ưu tiên là tác giả thứ nhất, đồng tác giả thứ nhất, tác giả chịu trách nhiệm hoặc tác giả cuối cùng.
Trước đó, bài báo cũng được quy đổi thành giờ chuẩn với mức từ 100-140G (G: là giờ chuẩn giảng dạy để chi trả tiền công) tương tương khoảng từ 12 triệu đồng đến 17 triệu đồng cho mỗi bài báo.
Sự cải tiến vượt bậc này đã thúc đẩy số lượng bài báo có chất lượng của giảng viên nhà trường tăng đáng kể trong năm 2020 và năm 2021.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ cho biết, các ứng viên tham gia xét giáo sư hoặc phó giáo sư đều được hỗ trợ tích cực từ các giáo sư và phó giáo sư được bổ nhiệm trước đây, thông qua những buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm làm hồ sơ…
Ban Giám hiệu nhà trường cũng chỉ đạo các phòng ban chức năng trong trường như Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Quản lý Khoa học… hỗ trợ thủ tục cho các ứng viên xét giáo sư, phó giáo sư cũng như hỗ trợ một phần kinh phí đi lại khi giảng viên bảo vệ tại các hội đồng ngành và liên ngành.
Giảng viên công bố bài trên các tạp chí khoa học, Book Series, Conference Proceedings được SCImago xếp hạng sẽ được thưởng theo các mức sau:
Xếp hạng Q1 được thưởng 80 triệu đồng;
Xếp hạng Q2 được thưởng 40 triệu đồng;
Xếp hạng Q3, Q4 được thưởng 20 triệu đồng.
Giáo sư Nguyễn Thanh Phương nhận định, trường đại học có tỷ lệ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư cao sẽ có rất nhiều thuận lợi.
Thứ nhất, ở bậc giáo dục đại học, đội ngũ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển cũng như nâng tầm chất lượng giáo dục và đào tạo, uy tín của các trường nói chung và Trường Đại học Cần Thơ nói riêng so với khu vực và trên thế giới.
Đơn cử, lĩnh vực Nông nghiệp và Thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ được xếp vào top 251-400 trên thế giới trong 3 năm gần đây: 2020, 2021 và 2022 theo xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS).
Thứ hai, số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng, chất lượng đào tạo của trường theo đó cũng nâng lên, thu hút nhiều sinh viên tham gia học tại trường. Từ đó, chỉ tiêu tuyển sinh của trường được cải thiện.
Hiện, Trường Đại học Cần Thơ có tổng 1086 giảng viên, trong đó có 15 giáo sư, chiếm 1,14% và 149 phó giáo sư, chiếm 13,72%. Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Phương, tỷ lệ này có cao hơn so với bình quân cả nước nhưng nhìn chung số giáo sư, phó giáo sư của trường vẫn thấp.
"Nhà trường hiện có 53,9% cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ và theo kế hoạch vào năm 2025 phấn đấu đạt 70%.
Nhiều giảng viên của trường có trình độ tiến sĩ còn khá trẻ nên khả năng nghiên cứu, giảng dạy… và đạt các tiêu chuẩn của giáo sư, phó giáo sư cũng khá thuận lợi.
Thời gian tới, Trường Đại học Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh công tác nâng chuẩn chức danh giảng viên, phấn đấu đến năm 2025 thì tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư của trường sẽ vượt mức 20% số lượng giảng viên", Giáo sư Nguyễn Thanh Phương cho hay.
Chỉ tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên
Cũng nằm trong danh sách các cơ sở đào tạo có số ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư nhiều nhất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội xếp ở vị trí thứ 3 với 12 ứng viên.
Giáo sư Nguyễn Hữu Dư - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ngay từ giai đoạn trước năm 2000, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (tiền thân là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) luôn dẫn đầu các đơn vị đào tạo trong cả nước về số lượng giáo sư, phó giáo sư.
Trong những năm gần đây, mặc dù thế hệ các giáo sư, phó giáo sư lớn tuổi nghỉ chế độ, nhà trường đã kịp thời bổ sung đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trẻ.
Trung bình mỗi năm có 10-15 cán bộ của nhà trường đạt chuẩn và được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.
Năm 2022, số lượng ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của nhà trường là 12, con số này hoàn toàn nằm trong dự kiến và phù hợp kết quả đào tạo, nghiên cứu, cũng như chính sách phát triển đội ngũ của nhà trường.
Ngoài ra, trường cũng cố gắng thu hút thêm được một số phó giáo sư trẻ từ các đơn vị khác về làm việc.
Theo Giáo sư Nguyễn Hữu Dư, tính đến tháng 12/2020, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có 18 giáo sư, 111 phó giáo sư; tháng 12/2021, trường có 18 giáo sư, 117 phó giáo sư.
"Để đạt mục tiêu của nhà trường là trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến ở châu Á, chúng tôi vẫn phải tiếp tục phấn đấu tăng số lượng giáo sư, đặc biệt là các giáo sư có độ tuổi dưới 50", Giáo sư Nguyễn Hữu Dư chia sẻ.
Giáo sư Nguyễn Hữu Dư cho biết, từ lâu, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra chủ trương chỉ tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên. Dự thảo về chế độ việc làm của giảng viên, nghiên cứu viên cũng đặt yêu cầu cao cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Trường đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ cán bộ đặc biệt là cán bộ trẻ trong công tác nghiên cứu khoa học và được lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội thông qua chủ trương.
Theo đó, mỗi cán bộ trẻ mới về trường thông qua việc ưu tiên có 1 đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc 2 đề tài cấp trường trong 3 năm đầu; hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng/bài đăng trên các tạp chí thuộc top 5% ngành/lĩnh vực; 70 triệu đồng/bài đăng trên các tạp chí thuộc nhóm Q1; 50 triệu đồng/bài đăng trên các tạp chí thuộc nhóm Q2 theo phân loại SCImago.
Nói về kế hoạch nâng chuẩn chức danh giảng viên của trường trong thời gian tới, Giáo sư Nguyễn Hữu Dư cho biết, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư giai đoạn 2023-2025. Số lượng tiến sĩ được quy hoạch đạt chuẩn phó giáo sư cho giai đoạn này là 109, số lượng phó giáo sư được quy hoạch đạt chuẩn giáo sư là 21.
"Trước mắt, nhà trường sẽ tập trung hỗ trợ các cán bộ được quy hoạch để đáp ứng các tiêu chuẩn còn thiếu theo yêu cầu của cán bộ như hỗ trợ xuất bản sách, giáo trình, giao đề tài nghiên cứu khoa học, giao hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh", Giáo sư Nguyễn Hữu Dư thông tin thêm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google