Lễ hội lúa rươi tại Hải Dương hướng tới mô hình "nông nghiệp hữu cơ - du lịch"

16:04 - 13/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 13/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan dự Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ - vụ Xuân năm 2022 lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Dương.

Lễ hội lúa rươi tại Hải Dương hướng tới mô hình "nông nghiệp hữu cơ - du lịch" - Ảnh 1.

Thi gặt lúa hữu cơ vụ xuân 2022 tại Hải Dương. Ảnh Vũ Văn

Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ lần đầu tiên lễ hội được tổ chức tại Hải Dương và là lễ hội thứ ba về nông nghiệp của tỉnh này từ đầu năm 2022 (sau Lễ hội Cà rốt và Lễ mở vườn vải Thanh Hà). Tại xã Anh Thanh, huyện Tứ Kỳ của tỉnh Hải Dương diễn ra chương trình lễ hội gồm lễ ký kết liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã dich vụ nông nghiệp xã An Thanh; Ký kết đưa nông sản hữu cơ lên các sàn thương mại điện tử; Lễ cắt băng xuất bán chuyến hàng lúa, chuối hữu cơ đầu tiên; Thi gặt lúa hữu cơ vụ xuân 2022, thi đùa nơm bắt cá. 

Tứ Kỳ đã có 3 sản phẩm nông nghiệp là Gạo bãi rươi, Rươi cấp đông, Cáy cấp đông được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, được Hội đồng thẩm định tỉnh Hải Dương công nhận đạt sản phẩm OCOP, đánh giá xếp hạng 4 sao. Với mục tiêu tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đặc sản riêng có, Hải Dương có sáng kiến tổ chức lễ hội lúa - rươi đi kèm với phát triển du lịch sinh thái và đây cũng được xác định là hướng phát triển kinh tế trọng điểm của vùng nông nghiệp này. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Lễ hội: Mô hình canh tác lúa rươi kết hợp với du lịch cộng đồng, xây dựng nền nông nghiệp đa tầng, đa giá trị cần phát triển hơn nữa. Người Hải Dương làm nông nghiệp vị nhân sinh, dành tình yêu cho nông nghiệp, yêu thiên nhiên, làm sạch, đẹp môi trường là tư duy nông nghiệp tiến bộ. “Tinh thần nhân văn sẽ làm hạt gạo của chúng ta đi xa, sản phẩm nông nghiệp đi xa, đến được với nhiều người tiêu dùng hơn” - Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác rươi, cáy quy mô 137 ha thuộc xã An Thanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam với các sản phẩm được chứng nhận gồm: lúa 104,5 ha, chuối 25 ha, mít 5 ha, rau ăn lá 1,5 ha, rau gia vị 1 ha.

Sản lượng trung bình đạt trên 1.000 tấn: Lúa 450 tấn/năm, chuối 500 tấn/năm, mít 100 tấn/năm, rau ăn lá 15 tấn/năm, rau gia vị 10 tấn/năm...

Giá trị sản xuất ước đạt 500 - 700 triệu đồng/ha. Đây là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của huyện và của tỉnh Hải Dương.

Vũ Văn