"Trẻ hoá" bệnh tật ngày càng tăng, cấp bách phải nâng cao sức khoẻ học đường
Hiện nay, một thực tế đáng báo động là tỷ lệ mắc bệnh càng gặp nhiều ở người trẻ. Một số bệnh trước đây chỉ dành cho người già nay lại xuất hiện ở học sinh và thanh thiếu niên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng "trẻ hoá" bệnh tật ở người Việt, nhưng rõ ràng nhất là học sinh dành thời gian nhiều cho việc ngồi học mà chưa sắp xếp thời gian thể dục thể thao hợp lý. Bên cạnh đó, người trẻ thích và ngày càng ăn thực phẩm nhiều gia vị, nhiều chất béo và đường, ít chất xơ; nghiện các thiết bị công nghệ và thức khuya…
Trước thực trạng đáng báo động này, ngành giáo dục nói chung và các trường học nói riêng từ tiểu học đến trung học đều đang tập trung vào công tác sức khỏe học đường.
Để đào tạo học sinh khỏe mạnh, trước hết trường học phải đầu tư đúng mực cho giáo dục thể chất.
Theo Thông tư 32/2018/TT-BGDDT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu của môn học này là: "Môn Giáo dục thể chất giúp học sinh hình thành, phát triển kĩ năng chăm sóc sức khoẻ, kĩ năng vận động, thói quen tập luyện thể dục thể thao và rèn luyện những phẩm chất, năng lực để trở thành người công dân phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, góp phần phát triển tầm vóc, thể lực người Việt Nam; đồng thời phát hiện và bồi dưỡng tài năng thể thao".
Giáo dục thể chất là một môn học bắt buộc, vì nó giúp học sinh vận động dưới sự hướng dẫn của giáo viên, xua tan những mệt mỏi tiêu cực ra khỏi cơ thể sau quá nhiều giờ học tập và căng thẳng tinh thần.
Với chương trình giáo dục năm 2018, học sinh trung học phổ thông được lựa chọn môn thể dục yêu thích, phù hợp với năng khiếu của mình, khiến các em thêm hứng thú. Đây là quan điểm giáo dục đúng đắn bởi mỗi cá thể đều có những thế mạnh và sở thích riêng. Quan điểm này đã được nhiều chuyên gia sư phạm đầu ngành nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, thành tựu của khoa học thể thao và khoa học sư phạm, bảo đảm phù hợp với quy luật tâm lý, lứa tuổi và sự phát triển thể chất của học sinh.
Giáo dục thể chất còn giúp hình thành nhân cách, phẩm chất; đặc biệt, nó còn hình thành lối sống lành mạnh, vui tươi, trẻ trung cho thanh thiếu niên. Tất nhiên, một vài tiết học mỗi tuần là không đủ để xây dựng được điều này. Vì vậy, thể dục vào giữa buổi cũng là sự lựa chọn tối ưu.
Để hoạt động này thu hút học sinh, nhà trường nên tìm kiếm các môn thể thao khác như thể dục nhịp điệu, thể dục dụng cụ bên cạnh các động tác thể dục cơ bản nhằm tạo niềm vui, hứng khởi khi tham gia. Các hoạt động như hội trại truyền thống, hội chợ ẩm thực, Ngày hội sức khỏe Phù Đổng hay các câu lạc bộ thể thao cấp trường... cũng tạo sân chơi lành mạnh, tạo cơ hội rèn luyện và phát triển thể chất, phát triển kỹ năng và hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ trong học sinh.
Công tác sức khỏe học đường phải được nhiều người nhìn nhận và tham gia đúng mực. Một số trường phổ thông đang mở các kênh thông tin sức khỏe học đường đa dạng, phong phú và cởi mở nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường.
Trong chương trình phát thanh trường học, lồng ghép các nội dung về sức khỏe học đường bên cạnh các chuyên mục khác như mẹo học tập kiến thức, kỹ năng sống, tin tức học đường, tuyên truyền pháp luật, quà tặng âm nhạc.. khiến món ăn tinh thần này thêm phần thú vị.
Phòng y tế trường học thường xuyên cập nhật các bài viết tổng hợp về bệnh tật học đường và cách phòng ngừa và đăng trên bản tin nhà trường. Giáo viên Sinh học, Công nghệ... có thể lồng ghép các vấn đề sức khỏe học đường vào bài học như dinh dưỡng tốt, các biện pháp phòng ngừa các bệnh về mắt, cột sống...
Trong các hoạt động trên lớp, giáo viên xây dựng chủ đề về sức khỏe học đường để học sinh tìm hiểu và thảo luận. Đoàn thanh niên phối hợp với các chuyên gia tổ chức các cuộc thi như tìm hiểu về sức khỏe sinh sản, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống tác hại của rượu bia...
Đồng thời, ban giám hiệu tổ chức các buổi hội thảo về sức khỏe cho học sinh, giáo viên và phụ huynh cùng tham gia. Từ đó phối hợp với phụ huynh tạo ra môi trường học tập an toàn, lành mạnh. Một trường học an toàn sẽ tạo nên một xã hội an toàn bắt đầu từ nhận thức của mọi người.
Điều cuối cùng cần làm để nâng cao sức khỏe học đường là cải thiện môi trường học tập an toàn, thân thiện, giúp người học cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi đến trường. Chúng ta phải hiện thực hóa các khẩu hiệu: "Mỗi ngày đến trường là một niềm vui", "Trường học thân thiện, học sinh năng động", "Trường học an toàn, học sinh khỏe mạnh"...
Một điều quan tâm quan trọng nữa là vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, đó là căng tin. Mỗi trường đều có căng tin để đáp ứng nhu cầu của học sinh. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở nhiều trường học, kể cả trường công và trường tư. Vì vậy, các trường học đang phối hợp với cơ quan chức năng tìm giải pháp ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm.
Chế độ ăn uống ảnh hưởng tới sức khỏe học đường. Nhà trường có chức năng trực tiếp quản lý căng tin về con người, thời gian và giá bán, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra an toàn thực phẩm phải thường xuyên kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm theo quy định.
Tuy nhiên, nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm trong trường hợp ngộ độc thực phẩm nên thường xuyên nhắc nhở căng tin thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi nên căng tin trường học nên phải được giám sát chặt chẽ. Văn hóa ăn uống thương mại của học sinh cũng được nâng cao như văn hóa giao thông, văn hóa học đường.
Ngoài ra, nhà trường cũng khuyến khích và quản lý học sinh không mang đồ ăn mua ngoài cổng trường vào lớp. Phối hợp với công an địa phương loại bỏ tất cả những người bán hàng rong ngoài cổng trường, những đối tượng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. An toàn sức khỏe của học sinh là mục tiêu chính của nền giáo dục hiện đại, bởi chỉ có sức khỏe tốt các em mới có thể học tập tốt và phát triển toàn diện.
Giáo dục tiên tiến là giáo dục toàn diện cho học sinh về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội. Hiện nay, bên cạnh việc giảng dạy những kiến thức, kỹ năng thiết yếu, nhà trường rất quan tâm đến sức khỏe học sinh. Hàng năm, nhà trường cũng phối hợp với trung tâm y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho các em và can thiệp nhanh chóng khi có bệnh mới phát hiện.
Mỗi trường đều có nhân viên y tế tận tâm có chuyên môn và đội ngũ tư vấn tâm lý nhằm giúp học sinh giải tỏa căng thẳng và học cách quản lý căng thẳng hiệu quả. Tất cả đều hướng đến sự phát triển toàn diện, nâng cao năng lực thể chất của học sinh lên tầm cao mới để hòa nhập cộng đồng quốc tế.
Có thể nói, sức khỏe học đường cần có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó trách nhiệm chính thuộc về nhà trường. Trường học là chủ thể cốt lõi kết nối gia đình và học sinh thành một khối thống nhất xây dựng môi trường giáo dục tiên tiến giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google