Những nguyên tắc giúp học sinh Đan Mạch hạnh phúc nhất thế giới
Không quan trọng hoá kết quả thi cử, khuyến khích học sinh là chính mình, coi trọng sức khoẻ hay trao cơ hội bình đẳng là những nguyên tắc vàng giúp học sinh Đan Mạch được đánh giá là hạnh phúc nhất thế giới.
Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2022, Đan Mạch là một trong 5 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Với kết quả như vậy, học sinh Đan Mạch cũng nghiễm nhiên được coi là những công dân hạnh phúc nhất thế giới. Với một hệ thống giáo dục chất lượng, học sinh Đan Mạch luôn cảm thấy vui vẻ và không bị áp lực khi đến trường.
Dưới đây là 5 nguyên tắc vàng giúp học sinh Đan Mạch hạnh phúc nhất thế giới:
Trở thành người giỏi nhất không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống
Điều mà giáo dục Đan Mạch quan tâm, hướng tới đó là việc phát triển kỹ năng của học sinh thay vì đánh giá kết quả học tập của các em qua mỗi kỳ thi.
Theo đó, giáo dục Đan Mạch không dồn công sức đào tạo học sinh để vượt qua các bài kiểm tra. Thay vào đó, chương trình học tại quốc gia này được xây dựng với mục tiêu phát triển sự sáng tạo và sở trường của học sinh một cách tự nhiên. Vậy nên, các trường học ở Đan Mạch luôn khuyến khích học sinh tìm hiểu về mọi thứ xung quanh cuộc sống.
Đồng thời, trường học cũng cố gắng giáo dục, định hướng cho các học sinh hiểu rằng, mỗi em có những phẩm chất, giá trị và năng khiếu riêng. Điều này có nghĩa là, bất kể điểm số như thế nào, học sinh Đan Mạch đều có thể tìm kiếm một công việc phù hợp và trở thành người có ích cho xã hội trong tương lai.
Trong thực tế, không một trẻ em Đan Mạch nào bị hệ thống giáo dục bỏ rơi. Bởi lẽ, giáo dục Đan Mạch được định hướng không chỉ dành cho học sinh có thành tích cao mà để giúp đỡ tất cả học sinh.
Biết cách là chính mình cũng quan trọng như biết đọc và viết
Chương trình học ở Đan Mạch chủ yếu khuyến khích sự phát triển nhân cách của học sinh. Đây không phải là triết lý sáo rỗng, chỉ nói cho hay mà còn được xây dựng thành chế tài. Theo Luật Giáo dục Đan Mạch, hệ thống giáo dục tiểu học không nên chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức và kỹ năng cơ bản. Giáo dục phải giúp học sinh rèn luyện kỹ năng cần thiết để cá tính của mỗi người được phát triển tự nhiên.
Thậm chí đối với những học sinh mầm non, giáo dục phải giúp các em làm giàu vốn từ vựng, làm quen với nội quy trường học, học cách khoan dung và chuẩn bị đầy đủ cho việc hòa nhập vào cuộc sống tập thể trong tương lai.
Không khuyến khích học sinh học vẹt
Tại các trường học ở Đan Mạch, học sinh được khuyến khích tự tìm kiếm thông tin, tự tiến hành các thí nghiệm và phân tích một cách độc lập. Trong quá trình học tập, học sinh phải luôn chủ động tiếp thu, tìm tòi chứ không chỉ nghe và làm theo giáo viên như một con vẹt.
Ngoài ra, học sinh Đan Mạch được dạy để hoài nghi về những ý kiến của người khác và học cách phản biện, bày tỏ quan điểm cá nhân của riêng mình. Với cách giáo dục như vậy, nhà trường tin rằng học sinh sẽ hiểu hơn về lòng tự trọng và nhận thức sâu sắc về chính bản thân mình.
Giáo dục Đan Mạch còn cho rằng, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng chủ động mới là những phẩm chất hữu ích để thích nghi với xã hội chứ không phải việc học thuộc lòng sách giáo khoa.
Cảm giác vui vẻ khi học tập của học sinh quan trọng hơn điểm số
Nếu so sánh hệ thống giáo dục các quốc gia dựa trên kết quả của bài kiểm tra, Đan Mạch không bao giờ là số 1. Tuy nhiên, giáo dục Đan Mạch vẫn là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới, có hệ thống giáo dục đại học tốt thứ 3 thế giới.
Ở Đan Mạch, việc học tập của học sinh và sinh viên đại học như một sự thưởng thức. Học sinh không cảm thấy học tập là quá trình khổ cực mà luôn thích thú vì luôn luôn được nghỉ ngơi thực sự vào cuối tuần.
Đối với những học sinh Đan Mạch mà gặp khó khăn trong việc hoà nhập xã hội hoặc không có mục tiêu rõ ràng, hệ thống giáo dục sẽ cung cấp cho họ một chương trình đặc biệt.
Theo đó, đối với những thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14 đến 18 có thể dành một năm để học những chương trình này trước khi quyết định muốn làm gì tiếp theo.
Khi tham gia vào chương trình học đặc biệt, học sinh được dạy kiến thức và kỹ năng không nằm trong chương trình học ở các trường thông thường nên có nhiều cơ hội hơn để khám phá và phát triển tài năng của mình.
Cụ thể, một số lĩnh vực mà chương trình đặc biệt cung cấp cho học sinh đó là: thể thao, nghệ thuật hay thủ công mỹ nghệ...
Giáo dục Đan Mạch cũng cố gắng tạo ra một bầu không khí hỗ trợ và yêu thương lẫn nhau. Đặc biệt học sinh được khuyến khích giúp đỡ những học sinh khác đang gặp khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống.
Mọi người đều có cơ hội bình đẳng
Chỉ 11% người Đan Mạch thấy mức lương cao là yếu tố quyết định nghề nghiệp họ muốn theo đuổi. Điều này là kết quả của sự định hướng mà hệ thống giáo dục Đan Mạch mang lại.
Lựa chọn việc làm mà khiến mình hạnh phúc là định hướng nghề nghiệp mà Đan Mạch đưa đến tất cả trường học. Một dịch vụ xã hội được cung cấp ngay trong trường học giúp học sinh trung học lựa chọn học lên cấp cao hơn hay chỉ học ở mức độ trung bình phù hợp với tham vọng và nghề nghiệp mong muốn của họ trong tương lai.
Các buổi nói chuyện thường xuyên diễn ra để học sinh có thể thảo luận về kế hoạch với giáo viên. Qua đó, tất cả học sinh có thể nhận thấy cơ hội nghề nghiệp bình đẳng như nhau trong xã hội và ai cũng đều có thể thành công dù xuất phát điểm như thế nào.
Theo khảo sát, 50% công dân trẻ Đan Mạch xác nhận rằng, họ hoàn toàn tự do lựa chọn tương lai và quan trọng hơn có thể kiểm soát tương lai của chính mình.
Cuối cùng, tại Đan Mạch, giáo dục miễn phí và được nhà nước trợ cấp. Tất cả học sinh, bất kể hoàn cảnh nào cũng đều nhận được một khoản trợ cấp để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google