Tranh cãi về việc giấu tin xấu sợ ảnh hưởng đến thí sinh thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc

Lam Linh
16:37 - 18/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Một cặp vợ chồng ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã giấu con gái út về cái chết của chị gái trong suốt 1 tháng. Đến khi kỳ thi tuyển sinh đại học kết thúc, em gái mới biết tin chị mất.

Giấu tin chị gái mất vì sợ ảnh hưởng đến em gái thi tuyển sinh đại học - Ảnh 1.

43% người dân cho rằng, tin xấu về gia đình nên được thông báo cho học sinh đang chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Ảnh: SCMP

Tuần trước, sau khi con gái út trở về nhà sau kỳ thi tuyển sinh đại học (được gọi là gaokao), cha mẹ mới cho em biết chuyện chị gái đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông cách đây 1 tháng. Nghe tin chị gái mất, nữ sinh bị sốc và nói trong hoảng loạn: "Con không còn chị nữa", Su Kan Shi Jie đưa tin. 

Người mẹ cho biết con gái lớn của bà bị thương vong trong một vụ tai nạn giao thông. Trong 1 tháng giấu tin, con gái út - sống ở ký túc xá trường cấp 3 đã về nhà 3 lần và hỏi thăm về chị gái. Những lúc đó, người mẹ nói rằng chị gái vẫn ổn.

"Chúng tôi nói với con rằng chị gái được cử đi đào tạo tại trụ sở chính của công ty ở thành phố khác, chị sẽ sớm được thăng chức. Lúc đó, con tôi vui mừng và khen chị gái thật xuất sắc", người mẹ đau lòng kể lại.

Có nên cho học sinh biết tin xấu trước kỳ thi tuyển sinh đại học?

Nói về lý do giấu tin con gái lớn qua đời trong suốt 1 tháng, người mẹ cho biết, bà quyết định không nói sự thật với con út vì sợ ảnh hưởng đến việc làm bài thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học của con. Theo SCMP, điều này đã khiến cộng đồng mạng Trung Quốc tranh cãi trên các nền tảng mạng xã hội.

Nhiều người không đồng tình với cách xử sự này của phụ huynh, họ cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người em gái suốt đời.

"Kỳ thi tuyển sinh đại học rất quan trọng đối với học sinh, nhưng các em có thể thi lại nếu trượt. Còn việc bỏ lỡ cơ hội để nói lời tạm biệt cuối cùng với người thân trong nhà sẽ để lại hối tiếc suốt đời", một người bình luận.

Một số người khác lại ủng hộ cách xử sự này và cho rằng đó là quyết định hợp lý. Họ cho rằng vào những thời điểm này, lời nói dối không gây tổn thương, nhưng sự thật lại gây ra nỗi đau rất lớn.

"Chị gái đã qua đời, điều đó không thể thay đổi được. Chắc hẳn chị gái cũng mong muốn em gái có thể hoàn thành kỳ thi tuyển sinh đại học suôn sẻ", một người khác nêu quan điểm.

Sau vụ việc, trên mạng xã hội Weibo, dân mạng Trung Quốc đã tạo ra một khảo sát với câu hỏi: Có nên cho học sinh biết tin xấu trước kỳ thi tuyển sinh đại học hay không?

Trong số 106.000 người tham gia khảo sát, 43% người dân cho rằng cha mẹ nên nói với con những tin đó nếu có liên quan đến người thân trong nhà. Trái lại, 37% người khác lại khuyên cha mẹ nên giữ kín tin tức cho đến khi học sinh thi xong. Số người còn lại thì đề xuất phụ huynh nên cho con biết mọi tin tức liên quan gia đình, dù đó là tin tốt hay tin xấu.

Kỳ thi tuyển sinh đại học là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời của nhiều thanh niên Trung Quốc. Kết quả của kỳ thi này sẽ quyết định tương lai học vấn và nghề nghiệp của họ.

Ngày 7/6, gần 13 triệu thí sinh Trung Quốc đã tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học 2023 - kỳ thi được coi là khó nhất thế giới. Con số này đánh dấu mức tăng cao kỷ lục, tăng gần 1 triệu thí sinh so với năm 2022.

Nguồn: SCMP