Trải lòng của một người thầy, người cha về việc học sinh thi vào lớp 10

Minh Anh
19:13 - 25/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Chuyện cha mẹ học sinh mất ăn mất ngủ vào mùa con mình thi vào lớp 10 gần đây đã trở thành vấn đề của xã hội. Rất nhiều bậc phụ huynh giờ đây đón đợi kì thi trong lo lắng, bất an. Họ được cơ quan đoàn thể tạo điều kiện để chỉ chuyên tâm vào lo cho con đi thi.

Trải lòng của một người thầy, người cha về việc học sinh thi vào lớp 10- Ảnh 1.

Một người cha đưa con đi thi vào lớp 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: dantri.vn

Năm 2022, con trai tôi tham dự kì thi tuyển sinh vào 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Con học giỏi nên tôi tin tưởng con sẽ đỗ 1 trong 3 nguyện vọng của trường tốp đầu hoặc ít nhất cũng là tốp dưới. Tôi vẫn thường động viên con, nếu con không thi đỗ vào trường công lập thì học tư thục, phải tốt nghiệp trung học phổ thông rồi mọi chuyện sẽ tính sau.

Tôi khuyên con hãy cố gắng học nhưng phải dành thời gian đi đá bóng – bộ môn thể thao mà con rất say mê. Tuy vậy, con vẫn đi học thêm tối ngày, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, không còn thời gian chơi bóng đá. Không được chơi thể thao, con tăng cân thấy rõ nhưng tôi cũng không biết làm gì hơn.

Con tâm sự với tôi rằng, báo chí nói hằng năm có vài chục ngàn học sinh lớp 9 ở thành phố này sẽ rớt lớp 10 công lập vì không đủ chỗ học nên con cũng không tránh khỏi sự lo lắng. Nhưng tôi còn hiểu con nhiều hơn thế, đó là con sợ thi rớt công lập, đồng lương giáo viên ít ỏi của tôi không thể lo nổi cho con học trường tư thục với mức học phí vài triệu đồng mỗi tháng.

Năm 2022, trường tôi tổ chức cho giáo viên đi du lịch ở Nha Trang 4 ngày đêm. Tôi có rủ con đi cùng vì con rất thích tắm biển, mê biển nhưng con từ chối ngay. Con sợ đi chơi sẽ nghỉ mất mấy buổi học thêm, bài vở không theo kịp chúng bạn. Dĩ nhiên, tôi gác lại chuyến đi du lịch năm đó để đồng hành cùng con vào kì thi đầu tháng 6.

Buổi thi môn Ngữ văn đầu tiên, con nói làm được bài dù nội dung đề thi không đúng với sở trường của con. Đến môn Toán, con cho biết làm bài không được tốt vì có những bài toán rất khó, con chưa gặp bao giờ, kể cả ở trên lớp học và chỗ học thêm. Và may mắn đến tiếng Anh là môn sở trường, con làm bài khá tốt, đầy tự tin.

Nghe lời kể của con về tình hình làm bài thi, tôi đoán con có khả năng đạt tổng điểm trên 21 điểm, đủ sức vào trường tốp đầu. Thế nhưng, thời gian chờ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh công bố điểm thi, tôi ăn không ngon, ngủ không yên, ngày đêm lo lắng, kể cả nghĩ đến tình huống con thi hỏng.

Tôi lo lắng cho tinh thần của con và của tôi vì nhiều lí do. Giả sử con thi rớt thì con sẽ mặc cảm với bạn bè cùng trang lứa – những bạn thi đỗ. Lứa tuổi chỉ mới 15, liệu con có vượt qua được cú sốc đầu đời chỉ vì thi cử? Còn tôi, tôi là thầy giáo thì biết ăn nói thế nào với đồng nghiệp, học sinh?

Và thật may mắn, kì thi năm đó con tôi đạt 23,5 điểm, số điểm có thể trúng tuyển hầu hết vào các trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc này, tôi mới thở phào nhẹ nhõm và có những ngày nghỉ hè đầy ý nghĩa.

Kì thi tuyển sinh 9 vào 10 năm 2022 tôi được miễn làm các nhiệm vụ vì có con là thí sinh tham dự kì thi này. Sau môn thi đầu tiên – Ngữ văn, tôi được đồng nghiệp nhắn tin có một em học sinh rơi lầu một hội đồng thi ở quận Bình Tân.

Nghe tin, tôi như chết lặng. Tôi suy nghĩ miên man về công lao dưỡng dục của cha mẹ em học sinh. Tôi suy nghĩ về lứa tuổi 15, các em phải phải tranh nhau từng 0,25 điểm để có một chỗ học ở trường công lập. Tôi chỉ biết nguyện cầu cho em được tai qua nạn khỏi nhưng cuối cùng phép màu đã không xảy ra.

Kì thi tuyển sinh 9 vào 10 năm 2023 tôi được hội đồng phân công làm giám thị. Gặp học sinh trước mỗi môn thi, tôi luôn làm công tác tư tưởng, tạo sự gần gũi, động viên các em cố gắng làm bài, còn chuyện thi đậu hay rớt cũng là điều rất bình thường đối với mỗi kì thi. Tôi nói, tuổi trẻ có nhiều hướng đi, trong đó ba mẹ sẽ luôn đồng hành cùng con cái, các em không có gì phải lo lắng.

Tuy vậy, ở phòng thi bên cạnh, tôi vẫn nghe tiếng la lớn của một nam giám thị. Lắng nghe câu chuyện, tôi được biết giám thị này bực bội do có học sinh ghi sai một số thông tin vào tờ giấy làm bài thi. Và ngoài hành lang, giám thị làm công tác giám sát vẫn không ngừng đi lại, luôn đảo mắt vào các phòng thi.

Kì thi năm đó, tôi được hội đồng chấm Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phân công làm giám khảo. Tôi tham gia chấm lần 3 đối với những bài thi mà 2 giám khảo 1 và 2 chấm lệch nhau trên 1,5 điểm. Và tôi lại trăn trở, có nhiều học sinh thi hỏng chỉ vì thiếu 0,25 điểm, trong đó có môn Ngữ văn mà không ít giám khảo chấm đầy cảm tính…

Vừa qua, truyền thông cho biết, gần 40% học sinh Hà Nội sẽ trượt lớp 10 công lập năm học 2024-2025. Tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh giảm gần 6.200 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập năm học tới.

Tôi nhận thấy, điệp khúc thiếu trường thiếu lớp và thiếu giáo viên đã tồn tại dai dẳng từ hàng chục năm nay, nhưng nhìn chung nhiều địa phương trên cả nước, nhất là ở những thành phố lớn, vẫn chưa có phương án giải quyết khả thi.

Chúng ta thường nói, thường hô hào "trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai", nhưng hiện nay, trường lớp vẫn không đủ cho các em theo học (chứ không chỉ là câu chuyện phân luồng đang tranh cãi không hồi kết) là điều rất đáng trăn trở. Nếu thực trạng này cứ tiếp diễn là chúng ta rất có lỗi với thế hệ con cháu mai sau.