Tổng thống Italy chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng, giải tán Quốc hội, mở đường cho bầu cử sớm
Ngày 21/7, Tổng thống Italy Sergio Mattarella thông báo trong một phát biểu ngắn trên truyền hình rằng ông đã giải tán Quốc hội và sẽ cho tổ chức bầu sớm do đòi hỏi của "tình hình chính trị".
Thủ tướng 2 lần nộp đơn xin từ chức
Ngày 21/7, Tổng thống Italy Sergio Mattarella thông báo trong một phát biểu ngắn trên truyền hình rằng, ông đã giải tán Quốc hội và sẽ cho tổ chức bầu sớm do đòi hỏi của "tình hình chính trị". Tuyên bố này được Tổng thống Sergio Mattarella đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Mario Draghi đệ đơn từ chức trong cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất của nước này.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mattarella đã chấp nhận đơn xin từ chức của Thủ tướng Mario Draghi. Văn phòng Tổng thống cho biết, Chính phủ của ông Draghi vẫn tiếp tục nắm quyền để xử lý các công việc hiện tại cho đến cuộc bầu cử tiếp theo, sớm nhất là vào đầu tháng 10 tới.
Đây là lần thứ 2 trong tuần, Thủ tướng Mario Draghi nộp đơn xin từ chức.
Trước đó, ngày 20/7, mặc dù Thủ tướng Mario Draghi đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện Italy với 95 phiếu ủng hộ, 38 phiếu chống, song 3 đảng lớn trong liên minh cầm quyền là Phong trào 5 sao (M5S), Đảng Liên đoàn (Lega) và Forza Italy vẫn từ chối tham gia bỏ phiếu. Tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này, trong số 320 thượng nghị sĩ đủ tư cách bỏ phiếu, chỉ có 133 người tham gia. Sự vắng mặt của 3 chính đảng này được đánh giá là có nguy cơ gây ra ảnh hưởng bất lợi đến chính quyền của Thủ tướng Draghi.
Cuộc khủng hoảng chính trị Italy đến từ đâu?
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy chính thức được bắt đầu từ sau cuộc bỏ phiếu của Thượng viện ngày 14/7 liên quan dự luật hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp ứng phó tình trạng giá cả leo thang.
Mặc dù dự luật vẫn được Thượng viện thông qua với tỉ lệ 172 phiếu thuận so với 39 phiếu chống, song việc Phong trào 5 Sao (M5S), đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền, tẩy chay cuộc bỏ phiếu chính là nút thắt quyết định khiến Thủ tướng Draghi nộp đơn xin từ chức như ông đã tuyên bố trước đó. Thủ tướng Draghi quyết định từ chức bởi cho rằng, các điều kiện cần thiết để tiếp tục với chính phủ liên minh đã "không còn nữa", và, "hiệp ước về sự tín nhiệm vốn là nền tảng của chính phủ hiện nay cũng không còn nữa". Tuy nhiên, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã không chấp nhận đơn từ chức hôm 14/7 của ông Draghi.
Ông Draghi từng là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Những đóng góp cá nhân của Thủ tướng Draghi và năng lực điều hành của Chính phủ Italy hiện nay được ghi nhận cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với tính chất là một liên minh mở rộng, những khác biệt và bất đồng vốn đã tồn tại, càng trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây. Một số đảng thành viên chủ chốt như M5S, Đảng Dân chủ (PD), Lega thường xuyên chỉ trích, tranh cãi nhau liên quan đến các đề xuất chính sách ngay từ khi mới được thảo luận trong nội bộ Chính phủ. Trong đó, dự luật cứu trợ (Aiuti) gần đây được đa số liên minh ủng hộ song M5S lại phản đối vì cho rằng một số nội dung không phù hợp với giá trị nền tảng của đảng.
Hiện các đảng phái ở Italy đang bước vào giai đoạn vận động tranh cử. Chính phủ tiếp theo rất có thể sẽ là một liên minh bao gồm các đảng trung hữu, theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm nghi ngờ Liên minh châu Âu (EU). Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Cải cách châu Âu, Luigi Scazzieri, cho rằng một liên minh như vậy "sẽ tạo ra một kịch bản biến động hơn nhiều cho Italy và EU".
Như vậy những khó khăn trong nền kinh tế và mâu thuẫn trong nội bộ đảng phái, cũng như bất hoà giữa các đảng phái trong liên minh cầm quyền đã đẩy Italy - nền kinh tế lớn của EU vào cuộc khủng hoảng chính trị, trong bối cảnh EU đang đối mặt với những thách thức rất lớn về lạm phát, biến đổi khí hậu, nguy cơ suy thoái kinh tế, sự thống nhất...
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google