Tổng quan về Tài liệu lưu trữ và giá trị Tài liệu lưu trữ Quốc gia

Trần Thế Vinh
06:49 - 25/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc. Toàn bộ khối tài liệu lưu trữ hiện nay hết sức đa dạng, phong phú và là nguồn sử liệu rất có giá trị, cần phải được tổ chức công bố, sử dụng có hiệu quả để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Tổng quan về Tài liệu lưu trữ và giá trị Tài liệu lưu trữ Quốc gia - Ảnh 1.

Bản dập Đại Nam Nhất Thống Chí - Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.
Ảnh: Trung tâm Lưu trữ khu vực IV

Tổng quan về thành phần, nội dung tài liệu lưu trữ hiện đang bảo quản tại Trung ương và địa phương

Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc. Hiện nay, theo số liệu thống kê, Lưu trữ lịch sử nhà nước ở trung ương (04 Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) đang bảo quản hơn 33.000 mét giá tài liệu với khoảng gần 1.000 phông/sưu tập tài liệu và tại Lưu trữ lịch sử của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang bảo quản gần 68.000 mét giá tài liệu với 3.317 phông tài liệu. 

Những tài liệu này được viết bằng các ngôn ngữ Hán, Hán - Nôm, Pháp, Anh, Việt… trên các vật mang tin bằng giấy, mộc bản, phim, ảnh, băng, đĩa… hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu, phản ánh toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta từ thế kỷ XIX đến nay. 

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chiến tranh kéo dài, cơ sở vật chất bảo quản còn thiếu thốn cùng với việc nhận thức chưa đầy đủ của xã hội về vai trò, giá trị của tài liệu lưu trữ… đã làm cho tài liệu bị mất mát, thất lạc, hư hỏng nhiều. Vì vậy, khối tài liệu lưu trữ quốc gia của nước ta còn lưu giữ lại đến nay không nhiều so với bề dày lịch sử của dân tộc. Cụ thể là:

Tại Lưu trữ lịch sử nhà nước ở trung ương

- Khối tài liệu Hán - Nôm (tài liệu Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn, Địa bạ, Sổ bộ và các sưu tập tài liệu Hán - Nôm khác) đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, II và IV: gần 2.000 mét giá, gồm:

+ Mộc bản triều Nguyễn: 34.619 tấm;

+ Châu bản triều Nguyễn: 743 tập;

+ Địa bạ triều Nguyễn: 17.000 tập;

+ Nha Kinh lược Bắc Kỳ: 3.525 tập;

+ Nha huyện Thọ Xương: 676 tập;

+ Tài liệu Sổ bộ Hán - Nôm Nam bộ;

+ Các sưu tập tài liệu như tài liệu Hương Khê, tài liệu Vĩnh Linh, Sổ đinh…

- Khối tài liệu tiếng Pháp (1858 - 1954) đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, II và IV: gần 9.000 mét giá, gồm:

+ Tài liệu hành chính của các cơ quan cấp Đông Dương, cấp kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ), cấp tỉnh;

+ Khối tài liệu kỹ thuật (xây dựng cơ bản) gồm gần 150 công trình kiến trúc như các dinh thự trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học, công trình thủy lợi, công trình giao thông trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam;

+ Hơn 20.000 bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương, bản đồ hành chính các tỉnh.

- Tài liệu của chính quyền thân Pháp (từ năm 1946 đến năm 1954) đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, II và IV: gần 1.000 mét giá.

- Khối tài liệu thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam (1954 - 1975) đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II: 7.150 mét giá, bao gồm tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức của chính quyền Sài Gòn, như Phủ Tổng thống Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa, Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa và các cơ quan, tổ chức trực thuộc các Bộ, ngành trung ương.

- Khối tài liệu của các cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước ở trung ương và một số địa phương từ tháng Tám năm 1945 đến nay thuộc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, III, IV: gần 12.500 mét giá, bao gồm:

+ Tài liệu hành chính hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức trung ương của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam như Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ…; của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và các tổ chức khác thuộc chính quyền cách mạng trước tháng 5 năm 1975; của các cơ quan, tổ chức cấp kỳ, cấp khu, liên khu như: Khu Tự trị Việt Bắc, Khu Tự trị Tây Bắc, Khu Tả Ngạn và của các cơ quan trung ương, của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội như Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam…;

+ Tài liệu khoa học kỹ thuật hình thành trong quá trình xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia và các công trình quan trọng khác như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đường dây 500 KV Bắc Nam, Thuỷ điện Hòa Bình, Cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Bến Thủy…;

+ Tài liệu địa giới hành chính các tỉnh, thành phố của cả nước và các loại bản đồ khác.

- Khối tài liệu nghe nhìn:

+ Tài liệu ảnh: khoảng 300.000 tấm;

+ Tài liệu phim điện ảnh: 362 cuốn (khoảng 500 giờ chiếu);

+ Tài liệu ghi âm: khoảng 10.000 giờ phát;

+ Tài liệu ghi hình: 271 cuộn (khoảng 540 giờ chiếu).

- Khối tài liệu xuất xứ cá nhân:

+ Tài liệu của gần 120 cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực như văn hóa nghệ thuật, hoạt động chính trị, nghiên cứu khoa học và các dòng họ nổi tiếng;

+ Hơn 70.000 hồ sơ kỷ vật của cán bộ đi B trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

- Khối tư liệu bổ trợ tài liệu lưu trữ Hán - Nôm và tiếng Pháp.

Đặc biệt, trong đó có các khối tài liệu tiêu biểu như:

- Khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn (bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV) được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới (năm 2009);

- Khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn (bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới (năm 2017);

- Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945 - 1946 (bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia (năm 2016).

Tổng quan về Tài liệu lưu trữ và giá trị Tài liệu lưu trữ Quốc gia - Ảnh 2.

Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ khu vực IV

Tại Lưu trữ lịch sử nhà nước ở cấp tỉnh

Hiện nay, Lưu trữ lịch sử nhà nước của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang bảo quản gần 68.000 mét giá tài liệu lưu trữ, chủ yếu là tài liệu giấy và một số ít tài liệu ảnh, băng từ… Phần lớn tài liệu được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh từ sau năm 1975 đến nay. Tài liệu của các cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu và tài liệu của cơ quan, tổ chức cấp tỉnh thuộc các chế độ khác nhau có số lượng không đáng kể. Những tài liệu lưu trữ này phản ánh toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương. Cụ thể là:

- Tài liệu trước năm 1945: khoảng 100 mét giá, gồm:

+ Tài liệu của chính quyền Pháp (đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế);

+ Tài liệu sưu tầm, tặng hoặc ký gửi từ các cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu.

- Tài liệu từ 1945 - 1975: khoảng 3.000 mét giá, cụ thể:

+ Tài liệu thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam (1954 - 1975);

+ Tài liệu của một số cơ quan địa phương từ tháng Tám năm 1945 đến 1975;

+ Tài liệu sưu tầm, tặng hoặc ký gửi từ các cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu.

- Tài liệu từ 1975 đến nay: hơn 64.800 mét giá tài liệu, bao gồm:

+ Tài liệu hành chính hình thành trong quá trình hoạt động của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan chuyên môn trực thuộc; các cơ quan, các doanh nghiệp do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập; các cơ quan trung ương, các đơn vị thành viên của các Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước được tổ chức, hoạt động theo ngành dọc ở cấp tỉnh…;

+ Tài liệu khoa học kỹ thuật hình thành trong quá trình xây dựng các công trình quan trọng thuộc cấp tỉnh đầu tư, quản lý.

Có thể nói, toàn bộ khối tài liệu lưu trữ nêu trên hết sức đa dạng, phong phú cả về nội dung, hình thức và là nguồn sử liệu rất có giá trị, cần phải được tổ chức công bố, sử dụng có hiệu quả để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Tổng quan về Tài liệu lưu trữ và giá trị Tài liệu lưu trữ Quốc gia - Ảnh 3.

- Di sản tư liệu thế giới. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1

Giá trị của Tài liệu lưu trữ Quốc gia

Mặc dù không đầy đủ nhưng số tài liệu còn giữ lại được cho đến nay và đang bảo quản tại các Lưu trữ lịch sử là khối tài liệu quan trọng và có giá trị nhất trong Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam. Giá trị của tài liệu lưu trữ quốc gia được thể hiện trên nhiều phương diện như sau:

- Trong lĩnh vực chính trị, tài liệu lưu trữ quốc gia có thể được sử dụng làm bằng chứng để chứng minh chủ quyền quốc gia; giải quyết các vấn đề tranh chấp, xung đột về biên giới, lãnh thổ, cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Tài liệu lưu trữ quốc gia còn có thể được sử dụng làm bằng chứng tố cáo âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tố cáo tội ác chiến tranh. Đây cũng là nguồn tài liệu để các cơ quan quản lý nghiên cứu về đường lối, chính sách trong các lĩnh vực quân sự, ngoại giao, từ đó có những tổng kết, đánh giá kết quả thành tựu cũng như những tồn tại, hạn chế để xác định phương hướng, nhiệm vụ và đường lối chính sách phù hợp cho từng giai đoạn tiếp theo; là nguồn thông tin đáng tin cậy hỗ trợ đắc lực cho công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội cũng như phục vụ công tác phòng, chống, điều tra và truy tìm tội phạm.

- Trong lĩnh vực kinh tế, tài liệu lưu trữ quốc gia có thể được sử dụng để phục vụ cho việc xây dựng các đề án/chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của đất nước qua từng thời kỳ, quy hoạch phát triển các vùng kinh tế trọng điểm như các số liệu thống kê về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, số liệu về dân số và điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng… Tài liệu lưu trữ quốc gia còn có thể sử dụng để phục vụ việc tìm kiếm, khai thác các tài nguyên, khoáng sản; đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc khai thác thông tin trong tài liệu lưu trữ quốc gia về công nghệ, kinh nghiệm, bí quyết sản xuất, kinh doanh. Việc khai thác, sử dụng khối tài liệu xây dựng cơ bản sẽ giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiết kiệm được nhiều kinh phí, công sức trong việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện đang tồn tại cũng như nghiên cứu lịch sử kiến trúc, phục dựng lại các công trình không còn tồn tại hiện nay.

- Đối với hoạt động quản lý xã hội, tài liệu lưu trữ quốc gia là nguồn thông tin vô cùng quan trọng phục vụ việc hoạch định các chương trình, kế hoạch và ban hành các quyết định quản lý cho phù hợp. Đây cũng là bằng chứng, là căn cứ giúp các cơ quan quản lý thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lý những vi phạm trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức cũng như giải quyết các chế độ chính sách cho những người có công và nhiều thành phần xã hội khác nhau…

- Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, tài liệu lưu trữ quốc gia có thể được sử dụng để phục vụ cho việc nghiên cứu, quảng bá văn hóa của các dân tộc, văn hóa vùng, miền. Đây là những thông tin cần thiết giúp cho các nhà biên kịch, đạo diễn phim, sân khấu xác định bối cảnh xã hội, thiết kế trang phục, đạo cụ cho các bộ phim, vở kịch của từng thời kỳ lịch sử khác nhau… Tài liệu lưu trữ quốc gia còn là nguồn thông tin quý giá phục vụ cho những nhu cầu chính đáng của người dân như xác nhận các thông tin liên quan đến bản thân (xác minh lý lịch, thời gian công tác, trình độ học vấn, hình thức khen thưởng, kỷ luật…) hoặc chứng minh nhân thân để giải quyết các vấn đề về sở hữu và thừa kế tài sản…

- Trong lĩnh vực giáo dục, tài liệu lưu trữ quốc gia có thể được sử dụng để xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục như các số liệu thống kê về dân số, về chương trình và kết quả đào tạo… Tài liệu lưu trữ quốc gia còn cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh, âm thanh trực quan về các sự kiện, nhân vật tiêu biểu trong lịch sử nước nhà, góp phần vào việc xây dựng các bộ sách giáo khoa, giáo trình, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

- Trong lĩnh vực khoa học, tài liệu lưu trữ quốc gia có thể được sử dụng để tham khảo, kế thừa và phát huy các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước. Thông tin trong tài liệu lưu trữ còn là cơ sở cho những phát minh, sáng chế. Tài liệu lưu trữ đặc biệt có giá trị đối với khoa học lịch sử. Tài liệu lưu trữ là nguồn sử liệu đặc biệt, có giá trị và độ tin cậy cao nhất, vì các tài liệu hầu hết được sản sinh ra đồng thời với các sự kiện lịch sử nên nó phản ánh khách quan và chân thực về sự kiện. Việc khai thác các tài liệu lưu trữ không chỉ giúp các nhà sử học tái hiện lịch sử mà còn có giá trị đặc biệt trong việc xác minh tính chân thực, chính xác của các sự kiện và nhân vật, là nguồn thông tin đáng tin cậy để các cơ quan, địa phương tổng kết thành tựu, kinh nghiệm trong quá trình hoạt động và phát triển.

Có thể thấy rằng, tài liệu lưu trữ quốc gia là những bằng chứng lịch sử quý giá chứa đựng những thông tin xác thực về nhiều vấn đề, sự kiện thuộc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phản ánh thành tựu sáng tạo của nhân dân qua các thời kỳ, góp phần xác lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Những tài liệu này không chỉ có giá trị phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử mà còn có giá trị đặc biệt trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì lẽ đó, việc công bố tài liệu lưu trữ quốc gia là thực sự cấp bách và có ý nghĩa thiết thực.