Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập
Sáng ngày 19/8, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tổ chức gặp gỡ, thông tin báo chí nhân 60 năm ngày thành lập Cục (4/9/1962-4/9/2022). Cục trưởng Đặng Thanh Tùng đã giới thiệu một số điểm cơ bản về hoạt động của Cục trong thời gian tới đây.
Chương trình "Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước"
Ngày 24/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 2194/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước".
Mục đích của Chương trình: Công bố rộng rãi tài liệu lưu trữ quốc gia nhằm phát huy hiệu quả giá trị tài liệu góp phần phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng ngành, địa phương, vùng miền; giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho các thế hệ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Tăng cường đổi mới phương thức công bố tài liệu lưu trữ theo hướng sáng tạo, hiện đại, phù hợp xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, tích hợp, chia sẻ các dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ quốc gia, góp phần xóa bỏ rào cản về thời gian, không gian địa lý để công chúng ở trong và ngoài nước có thể tiếp cận với thông tin tài liệu lưu trữ nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.
Phạm vi tài liệu đưa ra công bố: Tài liệu lưu trữ quốc gia hiện đang bảo quản tại các Lưu trữ lịch sử nhà nước, gồm 04 Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) và Lưu trữ lịch sử của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ những loại tài liệu có nội dung bí mật nhà nước và tài liệu thuộc diện hạn chế sử dụng.
Phạm vi không gian: Công bố tài liệu lưu trữ trong phạm vi cả nước, ở các ngành, các địa phương; tại các quốc gia có đông người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập; tại các quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam.
Định hướng nội dung công bố: Nội dung công bố tài liệu lưu trữ phải bám sát định hướng, phục vụ phát triển của đất nước giai đoạn 2021 - 2030, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XIII; tập trung vào các nhóm chủ đề sau đây:
- Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam qua các thời kỳ;
- Quan hệ quốc tế của Việt Nam;
- Tổ chức đơn vị hành chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử;
- Vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng và quyền con người ở Việt Nam;
- Vấn đề phát triển nông thôn, nông nghiệp và nông dân ở Việt Nam;
- Vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam;
- Vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;
- Vấn đề phát triển giáo dục đào tạo ở Việt Nam;
- Chính sách và kết quả thực hiện các chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo;
- Các phong trào đấu tranh, các cuộc kháng chiến giành, bảo vệ độc lập dân tộc;
- Danh nhân, nhân vật và di tích lịch sử - văn hóa Việt Nam;
- Lịch sử phát triển các ngành nghề, lĩnh vực.
Thời gian thực hiện: Chương trình được thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030.
Chương trình được thực hiện sẽ đem lại hiệu quả không chỉ đối với ngành Lưu trữ mà còn đối với cả xã hội, góp phần quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin tài liệu lưu trữ ngày càng tăng của xã hội, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và lợi ích của nhân dân.
Xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số
Ngày 11/11/2011, Luật Lưu trữ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012. Luật Lưu trữ ban hành đã đánh dấu một bước phát triển mới về luật pháp lưu trữ Việt Nam, tạo khung pháp lý cao nhất về lưu trữ, tạo điều kiện cho công tác lưu trữ phát triển, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, thực tiễn thi hành Luật Lưu trữ đã phát sinh một số vướng mắc, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hiện nay, nhằm tiếp tục tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nói riêng và ngành Lưu trữ nói chung; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.
Luật Lưu trữ (sửa đổi) tập trung vào 4 chính sách:
- Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam: Phân định rõ thẩm quyền quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam giữa cơ quan lưu trữ của Đảng và cơ quan lưu trữ của Nhà nước; giữa cơ quan lưu trữ của Nhà nước ở trung ương và địa phương; thẩm quyền quản lý tài liệu của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao nhằm quản lý thống nhất, hiệu quả tài liệu lưu trữ.
- Quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử: quy định các quy trình nghiệp vụ lưu trữ đối với tài liệu điện tử; quản lý tập trung, thống nhất dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử; điều kiện, trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia các dịch vụ lưu trữ tài liệu điện tử và quy định về chứng thực tài liệu lưu trữ điện tử.
- Hoàn thiện, bổ sung các quy định của pháp luật về quản lý tài liệu lưu trữ tư.
- Hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế.
Thời gian dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV (tháng 10/2023); trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV (tháng 5/2024) và dự kiến thời gian Luật có hiệu lực từ 01/01/2025.
Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước 60 năm xây dựng và phát triển (04/9/1962 - 04/9/2022)
Sau khi đất nước giành được độc lập, ngày 08 tháng 9 năm 1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh thành lập và chỉ định người đứng đầu Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Tiếp đó, ngày 03 tháng 01 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 1C-VP gửi các Bộ trưởng, trong đó Người khẳng định "Tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia".
Ngày 04 tháng 9 năm 1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/CP thành lập Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng. Đây là cơ quan có tư cách pháp nhân đầu tiên của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý tập trung thống nhất công tác lưu trữ và trực tiếp quản lý Kho Lưu trữ Trung ương.
Ngày 05/8/1964, đế quốc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc. Thực hiện chỉ thị của Phủ Thủ tướng về "phòng không nhân dân", Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng và Kho Lưu trữ Trung ương đã vận chuyển, sơ tán tài liệu lưu trữ quốc gia cùng cán bộ, viên chức về địa điểm bí mật tại tỉnh Tuyên Quang làm việc 20 năm trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ trên miền Bắc nước ta.
Từ năm 1992, theo yêu cầu tinh giản bộ máy Nhà nước và giảm đầu mối các cơ quan trực thuộc, Hội động Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã giao cho Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) trực tiếp quản lý Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động lưu trữ phát triển, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, ngày 04/4/2001, Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh lưu trữ quốc gia. Theo đó, cơ quan quản lý lưu trữ trung ương có chức năng tham mưu cho Đảng, chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về lưu trữ. Tiếp đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Luật lưu trữ đã được thông qua ngày 11/11/2011.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tham mưu và xây dựng trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quan trọng, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác văn thư, lưu trữ thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước là trực tiếp quản lý tài liệu lưu trữ có ý nghĩa quốc gia. Hiện nay, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước quản lý trên 30km giá tài liệu có ý nghĩa quốc gia, được viết bằng các ngôn ngữ Hán - Nôm, Pháp, Việt… trên các vật mang tin bằng giấy, mộc bản, phim ảnh, ghi âm.v.v... Những tài liệu này được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu ở Việt Nam từ thế kỷ XV cho đến ngày nay. Đây là di sản của dân tộc, là nguồn sử liệu chính xác, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, chiến lược phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google