Xét tuyển học bạ: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách dài hơi

Ly Hương
11:52 - 24/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nếu phản ánh đúng năng lực học sinh. Tuy vậy, vẫn còn chuyện học bạ "ảo", học bạ được "làm đẹp" gây bất công cho thí sinh.

Trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu bỏ việc xét tuyển đại học theo phương thức lấy điểm học bạ. Cử tri tỉnh này phản ánh, có tình trạng tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ và "chạy điểm" của các nhà trường.

Phúc đáp kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 220/BGDĐT-VP nêu rõ: khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục Đại học ngày 18/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học quy định, phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Liên quan đến việc nhiều trường đại học xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ, một số giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Giáo viên nói gì về điểm học bạ?

Thầy Đoàn M.Q, giáo viên bậc trung học phổ thông một trường tư thục ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn bức xúc khi hiệu phó chuyên môn can thiệp vào việc cho điểm học sinh lớp 12.

"Tôi đánh giá học sinh theo quá trình, nghĩa là các em được phép làm bài kiểm tra nhiều lần để lấy điểm số cao nhất cho cột điểm thường xuyên (hệ số 1). Thế nhưng, nhiều em vẫn làm bài đối phó, viết sơ sài chỉ vài ba câu, buộc tôi phải cho 2, 3 điểm. Mặc dù tôi cho điểm yếu, kém nhưng học sinh vẫn thản nhiên, không hề biết lo sợ, có lẽ các em đã biết trước điểm học bạ đã được nhà trường "bảo kê".

Mới đây, hiệu phó chuyên môn gọi điện than phiền rằng, tôi chấm điểm quá thấp, học sinh làm sao đậu tốt nghiệp. Hiệu phó gợi ý, em nào học yếu kém thì ít nhất cũng được… 7.0 điểm – đó là chủ trương của nhà trường. Tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán!", thầy M.Q trải lòng.

Thầy Phan Anh, giáo viên đang dạy cả hai hệ công lập và tư thục bậc trung học phổ thông ở Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, tiết lộ học sinh trường công hay tư đều được làm đẹp học bạ nhằm giúp các em có cơ hội đỗ tốt nghiệp và trúng tuyển đại học.

"Học sinh trường công lập học ngày 2 buổi, buổi thứ 2 có thu tiền phụ huynh nên hầu hết giáo viên đều nương tay trong việc đánh giá học sinh. Nhiều người nghĩ, học trò cũng như con em mình, với lại trường khác họ cho điểm cao thì tại sao mình lại cho thấp.

Ở trường tư thục, học sinh có lực học yếu kém thường có điểm tổng kết học bạ cao nhất lớp. Các em được mặc định điểm trung bình môn phải trên 8,0 cộng với điểm nghề thì mới có khả năng đỗ tốt nghiệp và… được xét tuyển vào đại học. Chuyện này tôi đã tận mắt chứng kiến từ nhiều năm nay", thầy Phan Anh nêu thực trạng về điểm học bạ ở trường phổ thông hiện nay.

Cần có chế tài việc các trường chủ trương cho điểm vô tội vạ

Cho đến thời điểm này, có khoảng 130 cơ sở giáo dục đại học công bố xét điểm học bạ trung học phổ thông để tuyển sinh năm 2023. Nhiều giáo viên, chuyên gia nhận định, việc xét tuyển bằng phương thức lấy học bạ là hình thức tiên tiến nếu phản ánh đúng năng lực học sinh. Tuy vậy, việc kiểm soát điểm số học bạ vẫn là bài toán còn "bỏ ngỏ".

Vì điểm học bạ chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến tình trạng kì tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, điểm chuẩn học bạ nhiều ngành chạm ngưỡng 30 điểm. Ví dụ, Đại học Luật Hà Nội (HLU) lấy điểm trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ cao nhất lên đến 29,52 (bao gồm cả điểm khuyến khích theo quy định riêng của trường). Ngành có mức điểm chuẩn cao nhất là Luật kinh tế, khối A00 lấy 29,10 điểm. Như thế, phương thức tuyển sinh này có độ tin cậy thấp nhất, thiếu công bằng với các thí sinh.

Nhận thấy việc xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ có độ tin cậy thấp, thời gian qua, một số cơ sở giáo dục đại học đã dùng kết quả học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, hay có thêm bài phỏng vấn, bài luận, kiểm tra đánh giá tư duy, đánh giá năng lực để xét tuyển. 

Để kiểm soát điểm học bạ, sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm học bạ.

Thế nhưng, việc đối sánh điểm thi và điểm học bạ chỉ ở bề nổi – nghĩa là đối sánh theo tỉnh thành. Nếu việc đối sánh này được thực hiện theo từng trường trung học phổ thông thì cơ quan quản lí giáo dục sẽ thấy được độ lệch rõ nét.

Nên chăng, sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương tiến hành đối sánh điểm thi và điểm học bạ. Nếu trường nào có độ lệch vượt mức cho phép thì ngành giáo dục phải vào cuộc thanh kiểm tra và xử lí nghiêm minh.

Bình luận của bạn

Bình luận