Báo động gia tăng nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia lao động chui

Thuỵ Văn
00:15 - 05/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

2 nạn nhân sa bẫy lừa đảo dụ dỗ "việc nhẹ - lương cao" sang Campuchia lao động chui vừa được giải cứu về lại Gia Lai.

Báo động gia tăng nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia lao động chui- Ảnh 1.

Lực lượng phòng chống ma tuý, tội phạm Bộ đội Biên phòng đón Puih Thái tại sân bay Pleiku. Ảnh: Biên phòng Gia Lai cung cấp

Vào tối ngày 3/7, tại sân bay Pleiku (Gia Lai), lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng đã đón 2 công dân Việt Nam là Puih Thái (sinh năm 1994) và Puih Phú (sinh năm 2006), cùng trú tại Làng KLoong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Đây là 2 nạn nhân may mắn được giải cứu về nước trong số 7 người Gia Lai bị lừa đảo đi lao động chui sang Campuchia.

Bẫy "việc nhẹ - lương cao" bên kia biên giới

Sau gần 1 tháng lập chuyên án và theo dõi hoạt động môi giới, tổ chức xuất cảnh trái phép sang Campuchia, lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với cơ quan an ninh Campuchia đã đưa được 2 công dân trở về Việt Nam. 

Ngày 4/7, 2 nạn nhân đã về lại nơi cư trú. Ban đầu, Puih Thái thông tin: Đối tượng Trần Quang Quyết, sinh năm 2001, trú tại thôn 7, xã Ia Đal, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum có facebook "Bin Trần" đã móc nối và dụ dỗ các nạn nhân sang Campuchia lao động. 

Chính đối tượng này đã dùng xe đón rước các nạn nhân rồi chở thẳng các nạn nhân sang Campuchia bán cho các chủ sử dụng lao động. 

Puih Thái khai báo bản thân đã bị một nhóm người đe doạ, đánh đập và quật bằng roi điện, doạ bán cho chủ khác và doạ "đưa ra bãi biển chơi với ma". Puih Thái phải gọi điện cho người nhà chuyển sang cho các đối tượng 90 triệu mới được tha về. Các nạn nhân khác bị lừa đi cùng có người phải nộp tiền chuộc lên đến 150 triệu được gọi là "chi phí bồi thường hợp đồng lao động". 

Cảnh giác với chiêu trò dụ dỗ việc nhẹ - lương cao từ mạng xã hội

2 nạn nhân may mắn được về lại địa phương nằm trong số 7 nạn nhân đã bị đối tượng Trần Quang Quyết lừa đảo thông qua trang Facebook "Bin Trần". Với chiêu trò rủ đi làm ăn, việc nhẹ lương cao, đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia lấy tiền môi giới. 

Các nạn nhân sa bẫy lừa đảo phải làm việc với cường độ cao, bị đánh đập thường xuyên bằng gậy và dây diện, và gợi ý nộp tiền đền hợp đồng mới cho về. 

Ngay lập tức, Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai có văn bản đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, báo cáo việc người lao động trên địa bàn bị lừa sang Campuchia làm việc, đánh đập, đòi tiền chuộc qua vụ này. 

Tình trạng các công dân bị lừa qua môi giới xuất cảnh trái phép sang Campuchia, Trung Quốc để làm việc với hy vọng được trả lương cao đã diễn ra nhiều năm nay. Thời điểm 6 tháng đầu năm 2022, khi COVID-19 giảm căng thẳng chung trong khu vực, nhu cầu sử dụng lao động phổ thông tăng lên, công dân mong muốn đi làm trở lại đã bị các đối tượng môi giới, lừa đảo đưa người sang bán cho các chủ sử dụng lao động. 

Việc người nhà ở Việt Nam phải nộp tiền "chuộc thân" cho các đối tượng ở Campuchia để cứu người về đã diễn ra nhiều năm nay. Cá biệt có vụ việc người nhà không đủ tiền chuộc, người lao động mất mạng. Nhưng tình trạng đi lao động chui, bị lừa đảo vẫn diễn ra. 

Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an thông tin thời gian qua, nhiều công dân Việt Nam bị lừa sang Campuchia làm việc thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu ra nước ngoài làm việc nhẹ nhàng, lương cao.

Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị đưa vào làm việc tại các cơ sở tổ chức "đen" hoạt động lừa đảo như: đánh bạc, đá gà ... Họ bị cưỡng ép lao động từ 12 giờ đến 16 giờ mỗi ngày, không được ra khỏi cơ sở và bị bán đi bán lại cho các chủ sử dụng lao động khác.

Nạn nhân muốn về thì bị ép gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc nhưng bị kẻ sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác. Năm 2016, một nạn nhân người Việt trú tại Long An xuất cảnh trái phép rơi vào sòng bạc tại Bavet (Campuchia) đã không đủ tiền chuộc và bị đánh đập đến chết. Các thanh thiếu niên miền Tây bị dụ dỗ đi làm "việc nhẹ - lương cao" sau đó sa vào các sòng bạc tống tiền, bị doạ lấy nội tạng rồi phải "chuộc thân" cao giá đã từng diễn ra nhiều lần. 

Hy vọng được giải cứu rất hãn hữu

6 tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, đơn vị này tiiếp nhận 21 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình sống trên địa bàn tỉnh có người thân bị lừa sang Campuchia lao động. Thủ đoạn lừa đảo là dụ đi lao động, đưa nạn nhân xuất cảnh trái phép sang Campuchia và có dấu hiệu buôn bán người có đường dây. Cùng thời điểm này, qua công tác phối hợp, Công an Campuchia cũng thông báo có 9 vụ treo cổ, mất tích không rõ nguyên nhân. 

Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, có 59 trường hợp công dân Việt Nam được Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia trao trả về Việt Nam. Thời gian tới, theo thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, có 14 trường hợp tiếp tục trao trả về Việt Nam.

Ban đầu, tình trạng lừa đảo kiểu dụ đi lao động chui chỉ diễn ra ở các khu vực gần biên giới. Gần đây, người bị lừa có cả ở các vùng nông thôn, thành thị. Các đối tượng lừa đảo gom nạn nhân và đưa người trái phép ra nước ngoài theo đường dây và có tổ chức. 

Đã từng có nạn nhân ban đầu chỉ muốn đi lao động thuê, cuối cùng đã lọt vào các ổ mại dâm, các tổ chức tội phạm có vũ khí, hoạt động ngoài vòng pháp luật. Việc giải cứu gặp rất nhiều khó khăn vì nạn nhân có thể bị thủ tiêu, mất tích. 

Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng cảnh báo người dân khi thấy dấu hiệu các đối tượng gom người đi làm thuê, hứa hẹn việc nhẹ lương cao, phải trình báo cơ quan chức năng trên địa bàn. Tuyệt đối không xuất cảnh trái phép qua biên giới. 

Đặc biệt, người lao động, làm thuê cần tỉnh táo khi kết nối qua môi giới tìm việc làm, kết hôn với người nước ngoài trên mạng xã hội (zalo, facebook, wechat...)