Toán lớp 1 đang chệch hướng tối giản?

An Đôn
06:00 - 29/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sự mầu nhiệm của Toán học nằm trong sự tối giản và phép biến hoá. Vì vậy, Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu đã cho rằng sách giáo khoa Toán 1 đang đi lệch hướng tối giản và giảm hiệu quả của Toán học.

Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu cho rằng, thực hành bài tập nhiều quá mức cần thiết là một trong những hạn chế của sách giáo khoa Toán 1 Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu chia sẻ, chỉ có 10 con số, từ số 0 cho đến số 9 mà có thể biểu diễn bất cứ con số lớn ngàn vạn ức tỷ nào. Và với các phép cộng trừ nhân chia thì thế giới các con số biến hoá khôn lường. Sự mầu nhiệm của toán học nằm trong sự tối giản và phép biến hoá. Thế mà sách giáo khoa Toán 1 – Chương trình mới đang đi lệch hướng tối giản và giảm hiệu quả của toán học.

Toán lớp 1 đang chệch hướng tối giản? - Ảnh 1.

Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu. Ảnh: NVCC

Mất quá nhiều giấy tờ cho một nội dung nhỏ

Chỉ dạy các số từ 0 đến 9 và phép cộng trừ đến 100, học trò ngày xưa dùng mấy nét vẽ, xoá đi xoá lại trên cát, học trò bây giờ chỉ cần vài chục trang giấy với mươi buổi học là biết tính toán. 

Còn sách giáo khoa Toán 1 hiện nay thì sao? 

Toán 1 bộ sách Cánh Diều dày 172 trang với cơ man các hình vẽ. Ngoài ra, còn có sách Bài tập Toán 1, Bài tập Toán 2 dày cũng tương tự. Còn nữa, 1 tập 36 bài phiếu thực hành cuối tuần. Toán 1 của bộ sách Kết nối trí thức với cuộc sống thì chia thành 2 tập, tập 1 dày 114 trang, tập 2 dày 106 trang, tổng thể là 220 trang - chưa nói đến sách bài tập và bổ trợ.

Chỉ xem ngày giờ, tìm hiểu độ dài, làm quen các hình và dạy cộng trừ đến số 100 mà trình bày đến 200 trang sách, quả là ngồn ngộn giấy vở và thời gian cho một nội dung bé xíu. Có người biện hộ, sách bài tập, sách bổ trợ không ai bắt buộc mua thực thế thì các bậc cha mẹ không để cho con bị thua thiệt, mong cho con mình hơn người thi nhau mua sách; nhịn ăn nhịn mặc để cho con không thua kém bè bạn.

Thực hành bài tập nhiều quá mức cần thiết

Hết thảy các con số từ 1 đến 100 đều phải thực hành các phép cộng trừ với cơ man nào là hình vẽ. Trong sách đã nhan nhản các bài tập, lại còn bài tập thêm về nhà, còn cả phiếu thực hành cuối tuần - đó là sự thực hành quá mức cần thiết. Nếu phải thực hành hết các phép tính trong sách giáo khoa và trong sách bài tập thì đúng là "bỏ tù các em trong bài tập toán".

Không có nhà toán học vĩ đại nào trên thế giới, ở tuổi thơ tương ứng, phải làm nhiều phép tính cộng trừ dưới 100 như các em học sinh Việt Nam phải học sách Toán 1 như hiện nay. Phép cộng trừ dưới 100 không làm nên Acsimet (nhà toán học, nhà vật lý, kỹ sư, nhà phát minh và nhà thiên văn học người Hy Lạp).

Sử dụng quá nhiều hình ảnh màu mè

Ai cũng biết trẻ em thích hình ảnh và màu sắc, nhưng con số nào cũng bằng hình ảnh, phép tính nào cũng bằng màu sắc thì dẫn đến loạn thị. Phép tính giản đơn đang biến thành phép tính rối màu, đó là sự lạm dụng màu sắc. 

Đúng là vẽ ra mà dạy!

Kéo dài quá trình tiếp thu tri thức

Như đã nói ở trên, học xem ngày giờ, làm quen với độ dài và hình vẽ, học phép cộng trừ cho đến 100 - không cần đến nhiều trang sách, nhiều bài tập, và nhiều hình vẽ như trong sách Toán 1. Người viết sách giỏi là viết dễ hiểu hơn, viết ngắn hơn người viết trước, chứ không phải viết dài hơn, nhiều hình vẽ hơn, nhiều màu sắc hơn, rối rắm hơn người viết trước.

Nhưng nguy hại của viết dài, rối rắm nằm ở điểm khác, đó là kéo dài quãng đường tiếp nhận tri thức, nó đi ngược với bản chất toán học. Điều may mắn của bạn khi được học với thầy giỏi là thầy đưa điều phức tạp về đơn giản, thầy diễn giải cái khó hiểu thành cái dễ hiểu, thầy cho bạn con đường ngắn nhất đến tri thức. Bạn thật không may mắn khi gặp người thầy làm điều ngược lại.

Với đà này thì Toán 2, Toán 3… Toán 12 sẽ thế nào đây? Học thì phải mua sách, phải trả học phí. Sách in càng dày càng đẹp thì càng nhiều tiền. Người nghèo sẽ ra sao đây? Đừng khoác cái áo lý thuyết cao siêu. Đơn giản chỉ có 2 phép tính cộng trừ. Đừng vin vào hình ảnh đẹp và sách in đẹp bắt mắt để hút phụ huynh và trẻ em.

Sự tiến bộ của công nghệ in ấn về hình thức không phải là lý do để làm quanh co nội dung. Sự yêu thích màu mè và hình khối của trẻ em không thể là lý do kéo dài hành trình tiếp nhận kiến thức.

Nếu các phụ huynh biết rằng, chỉ cần không đầy một nửa thời gian của 105 tiết học, con của họ vẫn thông thạo phép tính cộng trừ đến số 100, nếu phụ huynh biết rằng, chẳng cần phải ngàn hình vẽ màu mè, chỉ mươi trang sách giản đơn, con của họ vẫn thông thạo phép tính cộng trừ đến số 100, thì họ sẽ nhận ra rằng con họ đã học toán ngược với bản chất của toán học là tối giản và hiệu quả.

Hoang phí bộ nhớ trẻ em

Các tác giả soạn sách giáo khoa Toán 1 vì muốn cung cấp cho học sinh nhiều thí dụ, với những hình vẽ nhiều màu sắc hấp dẫn tuổi thơ, mà vô tình đã phạm sai lầm là đã hoang phí bộ nhớ và thời gian của trẻ nhỏ. Bộ nhớ của mỗi người có hạn, chứa điều này thì thôi chứa điều khác. Bộ óc của trẻ em lớp 1 còn trắng tinh, thông tin lần đầu sẽ được lưu giữ khó quên, nên phải đưa những thông tin quý, cần thiết, nhớ mãi cả cuộc đời vào bộ nhớ của các em.

Nhưng các nhà soạn sách giáo khoa Toán 1 đưa cả hàng ngàn hình vẽ với nhiều màu sắc của cả 200 trang sách, chỉ để dạy phép cộng trừ cho đến số 100, trải dài trong suốt 105 tiết học, không tính thời gian làm bài tập thêm ở nhà, hỏi có phí phạm bộ nhớ và thời gian của các em không?

Hỏi có bao nhiêu hình vẽ đó hữu ích cho cuộc đời sau này của các em? Hỏi sau 50 năm có bao nhiêu hình vẽ đó còn lưu giữ trong trí nhớ của các em? Những bức tranh vô thưởng vô phạt đó không thể lưu giữ trong trí nhớ của các em, vì nó phải nhường chỗ để lưu giữ thông tin hữu ích khác.

Cũng là trí nhớ tinh khôi của em bé 6 tuổi, chân trần, lưng trần, đầu trần - ngó lên bầu trời sao. Em bé 6 tuổi đó biết tìm sao Bắc cực để xác định hướng đi trong đêm. Em biết sao Hôm, sao Mai để xác định thời gian. Em biết các chùm Đại hùng tinh, Tiểu hùng tinh, Thần Nông, Kim Ngưu, Tua Rua, Ngưu Lang, Chức Nữ… Em nhìn lên sao mà biết thời tiết. Những chùm sao thức dậy trong em sự tò mò về vũ trụ bao la, không bao giờ bị xoá khỏi trí nhớ em cho đến cuối cuộc đời - đó là những lưu giữ đầu đời quý giá.

Phải biết quý trọng mỗi micron thể tích bộ nhớ tinh khôi của trẻ em. Không thể đưa vào bộ nhớ của các em hàng ngàn hình ảnh màu mè rồi phải xoá. Không thể bắt bộ nhớ của các em phải lặp đi lặp lại những phép tính thường nhật nhàm chán - cộng trừ của tất cả các số từ số 1 cho đến số 100, những phép tính mà toán học đã chỉ ra, là chỉ cần làm thí dụ và suy ra, chứ không phải thực hành tất cả. Thực hành sao hết vô tận các số. Phải dành thời gian và trí não của các em cho tiếp nhận và lưu giữ những tri thức quý giá khác.

Quá nhiều tác giả

Một điều sửng sốt khác là để viết sách Toán lớp 1 dạy 2 phép toán cộng trừ đến số 100, thì sách Toán 1 của Cánh Diều  có 5 tác giả và Toán 1 của Kết nối trí thức với cuộc sống có đến 6 tác giả. Thậm chí Toán 1 để cho giáo viên của Kết nối trí thức với cuộc sống dày 118 trang nhưng có đến 7 tác giả. Dạy cho học trò xem ngày giờ, dạy cho học trò cộng trừ cho đến số 100 mà phải viết sách riêng để dạy cho giáo viên!

Sách giáo khoa Toán lớp 1 lần này gợi nhớ lại thời sinh viên, khi tôi học đại học ở Liên Xô. Thuở đó được học giáo trình kinh điển 'Giáo trình phép tính vi phân và tích phân' (Курс дифференциального и интегрального исчисления) gồm 3 tập khoảng 2.000 trang của Giáo sư Fichtengolz (фихтенгольц) – chi một người viết. Và dạy cho sinh viên năm thứ nhất là các thầy giáo đầu ngành, lâu năm, giỏi nhất - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu chia sẻ. 

Chừng nào mà sách giáo khoa còn được viết bới một 'lô xắc xông' các tác giả 5 - 7 người như hiện nay, thì chừng đó đừng mong có được bộ sách giáo khoa xuất sắc. Và chừng nào còn đếm trang để tính kinh phí thì sách giáo khoa còn bị tiếp tục vẽ rồng vẽ rắn.

Nếu bất bình thì xin hỏi, ở cơ chế của các nước Âu - Mỹ, các tác giả hiện đang viết sách giáo khoa có cùng nhau viết một tập thể như thế này không? Có bán được sách giáo khoa như thế này không? Tiếp nhận sự chỉ trích là một đẳng cấp. Chỉ những nhân cách lớn mới biết chấp nhận và tận dụng được chỉ trích.

Cải thiện bằng cách nào?

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thay đổi quy trình viết sách giáo khoa hiện nay, khởi đầu lại một giai đoạn mới bằng một quy trình khác, đừng sợ bị chê là thất bại. Trong hoàn cảnh hiện nay, chưa thể chống được lợi ích nhóm, thì chỉ cần 2 -3 bộ sách giáo khoa. Càng nhiều bộ sách giáo khoa càng phí phạm thêm tiền bạc của nhân dân, mà chưa nâng cao được chất lượng.

Phải cách mạng cách lựa chọn tác giả và thay đổi cơ chế viết sách giáo khoa. Phải bắt buộc thực nghiệm trước khi đưa vào sử dụng. 2 - 3 bộ sách giáo khoa cũng có tính cạnh tranh - tuỳ thuộc vào cơ chế chọn lựa tác giả viết sách như thế nào. Đây là thời điểm cần quyết định từ cấp trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Giáo dục quan trọng đến mức từ thường dân cho đến người đứng đầu quốc gia - đều không thể ngủ ngon khi còn sạn.

Bình luận của bạn

Bình luận