Toạ đàm "Đi đến ngày toàn thắng" - sống lại những ngày tháng lịch sử

Ngô Văn Hiển
17:49 - 10/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Hướng tới kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), với mục tiêu giáo dục sinh viên "Biết ơn lịch sử – Phát triển tương lai", ngày 10/4/2024, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Hà Nội đã tổ chức toạ đàm "Đi đến ngày toàn thắng".

Toạ đàm "Đi đến ngày toàn thắng" - sống lại những ngày tháng lịch sử- Ảnh 1.

Diễn giả, đội ngũ giáo viên và sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic tham dự toạ đàm "Đi đến ngày toàn thắng". Ảnh: Ngô Hiển

Toạ đàm "Đi đến ngày toàn thắng" - sống lại những ngày tháng lịch sử- Ảnh 2.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic phát biểu khai mạc toạ đàm "Đi đến ngày toàn thắng". Ảnh: Ngô Hiển

Ban lãnh đạo Trường Cao đẳng FPT Polytechnic gồm Hiệu trưởng Vũ Chí Thành, Hiệu phó Hoàng Văn Lợi, giáo viên và gần 300 sinh viên nhà trường tham dự toạ đàm. 

Diễn giả của chương trình là PGS.TS Trần Đăng Sinh – nguyên Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Cựu chiến binh Đoàn tàu không số và sinh viên Cao Thị Thùy Linh, nữ diễn viên chính trong phim "Đào, Phở và Piano".

Toạ đàm nhắc lại sự kiện lịch sử đặc biệt của dân tộc, cách đây 49 năm, ngày 30/4/1975, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải. Kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta. Viết lên trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc.

Toạ đàm "Đi đến ngày toàn thắng" - sống lại những ngày tháng lịch sử- Ảnh 3.

Toạ đàm "Đi đến ngày toàn thắng" - sống lại những ngày tháng lịch sử- Ảnh 4.

PGS.TS Trần Đăng Sinh tham dự chương trình toạ đàm "Đi đến ngày toàn thắng". Ảnh: Ngô Hiển

Trở lại những tháng ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, PGS.TS Trần Đăng Sinh, nhân nhân lịch sử cho biết: "Tôi sinh năm 1954 ở mảnh đất Tây Mỗ, Từ Liêm. Năm 1971, tôi thi đỗ khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đang học tập thì năm 1972, hưởng ứng lời tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, tôi cùng nhiều sinh viên tạm xếp bút nghiên vào Nam chiến đấu chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc". 

Thời điểm đó, cuộc chiến ở mặt trận Quảng Trị đang diễn ra vô cùng ác liệt, được gọi là "Mùa hè đỏ lửa". Mỗi tấc đất đều thấm xương máu của biết bao chiến sĩ đã hi sinh cho sự nghiệp thống nhất đất nước, như ông Lê Bá Dương đã viết:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm

Năm 1974, được điều sang Hải quân, đóng ở Vân Đồn, và biên chế Đoàn tàu Không số, PGS.TS Trần Đăng Sinh kể lại: "Mọi công việc đều hết sức bí mật, viết thư về nhà cũng phải kiểm duyệt chặt chẽ. Mỗi chiến sĩ trước khi ra trận sẽ được làm lễ truy điệu. Trên tàu, ngoài vũ khí thì sẽ có thuốc nổ, khi bị địch truy bắt sẽ cho nổ tàu, không để rơi vào tay địch". 

Ông kể câu chuyện liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng, người cùng quê Tây Mỗ. Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng nhập ngũ tháng 4/1968, là thợ máy số 2, tàu 69B, Đoàn tàu Không số. Tháng 4/1971, khi cho tàu cập bến Vàm Lũng, Cà Mau, tàu bị địch phát hiện nên phải kích nổ. Ông Hùng bơi vào bờ nhưng bị địch bắt. Dù bị tra tấn, đánh đập truy hỏi xem thủy thủ trốn ở đâu, nhưng ông Hùng không khai. Biết không khai thác được gì chúng trói vào gốc cây, chất củi thiêu sống ông trên bãi biển Vàm Lũng".

Sau ngày đất nước thống nhất, nhờ ý chí không ngừng vươn lên học tập và nghiên cứu, từ một người lính, ông đã trở thành PGS.TS, Chủ nhiệm khoa Triết học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Toạ đàm "Đi đến ngày toàn thắng" - sống lại những ngày tháng lịch sử- Ảnh 5.

Sinh viên Cao Thị Thuỳ Linh. Ảnh: Ngô Hiển

Nếu câu chuyện của PGS.TS Trần Đăng Sinh gợi lại cho các thế hệ sinh viên về những tháng ngày hào hùng lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ thì sinh viên Cao Thị Thùy Linh, đại diện cho thế hệ gen Z có những chia sẻ thú vị về cảm xúc khi đóng phim "Đào, Phở và Piano", khắc họa không khí trong 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 trong trận chiến bảo vệ Hà Nội. 

Sinh viên Cao Thị Thùy Linh hiện đang theo học ngành Digital Marketing tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Hà Nội.

Chia sẻ về vai diễn Thục Hương trong bộ phim "Đào, Phở và Piano", Cao Thị Thùy Linh cho biết: "Sinh ra trong thời bình, nhưng nhận vai diễn là cô tiểu thư thời chiến tranh, bản thân đã phải nỗ lực rất nhiều để nhập vai. Nhờ đạo diễn và anh chị e kíp đoàn phim hỗ trợ, cùng với đọc tài liệu, em đã hiểu hơn bối cảnh lịch sử lúc đó". Qua đó, dù không phải lên chiến trường, nhưng trải nghiệm về vai diễn trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã giúp Thùy Linh có sự hiểu sâu sắc hơn về sự hi sinh của các thế hệ cha ông trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.

Trong thời đại hiện nay, thế hệ trẻ được sống trong những tháng ngày đất nước hòa bình nhưng tình yêu quê hương đất nước vẫn luôn nồng cháy mạnh mẽ trong giới trẻ. Sinh viên Cao Thị Thùy Linh chia sẻ: "Các bạn ngày nay rất sáng tạo, các video, phim hoạt hình về lịch sử dân tộc, ngày kỷ niệm, ngày cách mạng… đã được sản xuất và đăng tải trên các phương tiện truyền thông, từ đó truyền cảm hứng cho giới trẻ. 

Toạ đàm "Đi đến ngày toàn thắng" - sống lại những ngày tháng lịch sử- Ảnh 6.

Sinh viên tham dự chương trình toạ đàm "Đi đến ngày toàn thắng". Ảnh: Ngô Hiển

Từ bộ phim "Đào, Phở và Piano", em nhận thấy tình yêu đất nước của giới trẻ vô cùng lớn, sẵn sàng dâng hiến mình cho tổ quốc".

Kết thúc chương trình toạ đàm, Hiệu phó Hoàng Văn Lợi chia sẻ: "Tôi rất xúc động khi được tham gia chương trình ngày hôm nay với nhiều câu chuyện xúc động". Ông sinh ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cầm súng chiến đấu trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Thấu hiểu những thành quả mà cha ông ta đã hi sinh xương máu cho hòa bình đất nước hôm nay. Rất tin tưởng các bạn trẻ sẽ làm tốt nhiệm vụ mà tổ quốc giao, học tập tốt cũng là hoàn thành nhiệm vụ.

PGS.TS Trần Đăng Sinh hi vọng chương trình toạ đàm lịch sử là một mô hình giáo dục tốt về truyền thống yêu nước, nên mở rộng. Từ đó giúp cho sinh viên, học sinh có cơ hội tìm hiểu về lịch sử thông qua những câu chuyện, những chia sẻ về năm tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc, để tăng thêm tình yêu, niềm tự hào về truyền thống vẻ vang đó.