Tình hình COVID-19 tại Hà Nội và một số thành phố lớn trên cả nước

Dũng Minh
15:26 - 22/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 21/4, cả nước có thêm 2.474 ca mắc COVID-19, tuy nhiên không ghi nhận bệnh nhân tử vong.

Bộ Giáo dục và Đào tạo Khuyến cáo khẩn về phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ngành y tế cần đánh giá lại nguy cơ của COVID-19 xem liệu có xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vaccine chúng ta đang sử dụng hay không. Ảnh: VOV.


Tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội

Theo số liệu từ Bộ Y tế ngày 21/4, Hà Nội ghi nhận thêm 295 ca Covid-19, tăng 55 ca so với ngày trước đó.

Tình hịnh Dịch COVID-19 tại Hà Nội và một số thành phố lớn trên cả nước  - Ảnh 2.

Biểu đồ ca bệnh Covid-19 mới tại Hà Nội. Nguồn: KCB.

Hà Nội hiện có 388 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn, trong đó 344 bệnh nhân ở mức độ trung bình. Trong số các F0 đang điều trị, 35 ca phải thở oxy (34 trường hợp thở oxy mask, gọng kính và một trường hợp thở máy xâm lấn).

Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân của sự gia tăng này do thời tiết giao mùa và nhu cầu đi lại của người dân gia tăng.

Kết quả giải trình tự gen virus, tại quận Nam Từ Liêm cho thấy, 2 mẫu cho kết quả chủng XBB.1.9.1. Đây là chủng có ở nhiều nước như: Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Singapore, Phillipines, với đặc điểm lan truyền nhanh và diễn biến lâm sàng nhẹ.

Hà Nội tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen để giám sát các chủng virus SARS-CoV-2.

Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó yêu cầu các đơn vị, cá nhân thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho khách du lịch và người lao động, tuân thủ các biện pháp theo thông điệp 2K (khẩu trang - khử khuẩn).

Trước nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, dù số ca mắc có gia tăng nhưng khả năng dịch bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay số ca tử vong tăng mạnh như đợt dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam năm 2021 là khó xảy ra.

Bởi hiện biến chủng phụ dù lây lan nhanh nhưng vẫn là biến thể của chủng Omicron, chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng.

Tuy nhiên, ngành y tế cần đánh giá lại nguy cơ của COVID-19 xem liệu có xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vaccine chúng ta đang sử dụng hay không.

Từ đó có cảnh báo cho người dân, đưa ra các phản ứng phù hợp để chủ động trong công tác phòng chống dịch.

Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 185 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ

Tính từ 16h ngày 20/4/2023 đến 16h ngày 21/4/2023, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 185 ca mắc mới COVID-19, 50 ca nhập viện, 14 ca xuất viện, 140 ca đang điều trị, 46 trường hợp cần hỗ trợ hô hấp.

Số ca mắc, nhập viện do COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang có chiều hướng tăng nhẹ trong thời gian gần đây. Để phòng bệnh, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn), bên cạnh Vaccine + Thuốc + Điều trị + Ý thức người dân và các biện pháp khác.

Trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát trở lại do miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 có xu hướng giảm và sự xuất hiện của các biến thể phụ của Omicron, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ngành y tế thành phố và UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần triển khai ngay các giải pháp nhằm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ từ nay tới 30/6.

Cụ thể, rà soát, cập nhật danh sách, chuẩn hóa dữ liệu và quản lý người thuộc nhóm nguy cơ: UBND xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, bao gồm: người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 ở người trên 18 tuổi.

Tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19: Hỗ trợ người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ theo dõi sức khỏe và điều trị ngay khi phát hiện mắc COVID-19.

Khi thực hiện việc cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà cho người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn về cách tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà; cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo quy định.

Thực hiện chăm sóc, điều trị bệnh nền cho người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao tại nhà hoặc tại các cơ sở điều trị.

Tổ chức truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe: Tăng cường hoạt động truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ biết cách tự theo dõi sức khoẻ, thực hiện tốt thông điệp 2K, đặc biệt là đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế tụ tập và đến nơi tập trung đông người.

Thông tin đầy đủ về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng COVID-19; hướng dẫn phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 và thông báo với cơ quan y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, ngay khi xuất hiện một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người, mệt mỏi, mất vị giác hoặc khứu giác cần báo ngay cho trạm y tế xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn, kiểm tra y tế, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi, cách ly và điều trị theo quy định.

Tăng cường phòng chống dịch bệnh trong trường học

Văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo; các Đại học, Học viện, các trường Đại học, Cao đẳng Sư phạm, nêu rõ: Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia và công văn số 2116/BYT-DP ngày 12/4/2023 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19; nhằm tiếp tục chủ động các biện pháp phòng chống và kiểm soát tình hình dịch, không để dịch bùng phát, lây lan trong trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19...

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học với danh sách 16 bệnh truyền nhiễm quản lý trong trường học bao gồm: sởi, tay chân miệng, rubella, ho gà, bạch hầu, quai bị, thủy đậu, cúm (A, B), sốt xuất huyết, viêm họng nhiễm siêu vi, tả, não mô cầu, viêm não virus, viêm phổi virus nặng, bệnh nặng không rõ nguyên nhân và COVID-19.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức giám sát, phát hiện, báo cáo ca nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm. Thông báo ngay cho trạm y tế khi có một trong các trường hợp: phát hiện ca mắc hoặc nghi mắc một trong các bệnh truyền nhiễm; ghi nhận nhiều người học, giáo viên, nhân viên cùng có vấn đề sức khỏe trong cùng một thời gian...

Khi có ca nghi ngờ hoặc ca mắc bệnh truyền nhiễm, nhà trường cần thông báo và phối hợp ngay với trạm y tế tổ chức điều tra dịch tễ, xử lý ca bệnh, ngăn ngừa bệnh lây lan... Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh trong trường học và truyền thông đến phụ huynh về lợi ích của việc tiêm vaccine.

Tình hình dịch COVID-19 tại Đồng Nai

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận khoảng 10 ca mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ.

Đáng chú ý, đã phát hiện 3 ca bệnh thuộc chùm ca ghi nhận tại công ty trách nhiệm hữu hạn Pouchen Việt Nam (thành phố Biên Hòa) nên đã đề nghị trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố theo dõi sát các chùm ca bệnh COVID-19 mới phát sinh, đặc biệt là các chùm ca bệnh phát sinh tại cơ sở sản xuất, cơ sở giáo dục.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, khuyến cáo người dân chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng, đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, những nơi tập trung đông người, nhất là vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.



Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận