Đã giải ngân khoảng 33.500 tỉ đồng để phục hồi kinh tế

PV (Tổng hợp)
16:41 - 09/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã giải ngân 33.500 tỉ đồng, đạt 35% kế hoạch.

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 5 tháng tăng 9,5%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,71 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 305 tỉ USD; xuất siêu 516 triệu USD; thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm đạt 806.000 tỉ đồng. 

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, dự báo tích cực hơn về kinh tế Việt Nam, trong đó chỉ số phục hồi COVID-19 tăng 48 bậc, lên vị trí thứ 14; xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+, triển vọng "ổn định"; chỉ số Chính phủ tốt năm 2022 tăng 4 bậc...

Đã giải ngân khoảng 33.500 tỉ đồng để phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.

Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

 

Phó thủ tướng cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 ngày 30/1 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. 

Đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất. Thủ tướng đã ban hành 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập...

"Đến hết tháng 5/2022 đã thực hiện khoảng 33.500 tỉ đồng, trong đó miễn, giảm thuế, phí 22,6 nghìn tỉ đồng, đạt khoảng 35% kế hoạch", Phó thủ tướng nói. 

Theo Phó Thủ tướng, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hơn 4.800 tỉ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách; các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 2.400 người theo Nghị quyết số 11.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Phó thủ tướng cho biết, đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phải thúc đẩy kịp thời tiến độ vừa phải tính toán kỹ lưỡng để nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Đến hết tháng 5, cả nước đã giải ngân được hơn 22% kế hoạch. Thủ tướng lập 6 tổ công tác kiểm tra thực tế tình hình giải ngân tại các bộ, địa phương để xác định rõ nguyên nhân chậm giải ngân, có giải pháp khắc phục. 

Hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương cam kết có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn để hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.

Báo cáo của Chính phủ thừa nhận "giải ngân vốn đầu tư công còn chậm". 41/51 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022.

Bình luận của bạn

Bình luận