Công dân khuyến học

Tìm hiểu bài thơ "Hoa bạch mai trên núi Bà" theo đặc trưng thể loại Chương trình giáo dục phổ thông mới

Tìm hiểu bài thơ "Hoa bạch mai trên núi Bà" theo đặc trưng thể loại Chương trình giáo dục phổ thông mới

Trần Văn Tâm

Trần Văn Tâm

15:05 - 10/02/2025
Công dân & Khuyến học trên

Dựa vào tri thức thể loại thơ, có thể tìm hiểu bài thơ "Hoa bạch mai trên núi Bà" theo định hướng sau:

Tìm hiểu bài thơ "Hoa bạch mai trên núi Bà" theo đặc trưng thể loại Chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh 1.

(Lê Trí Viễn, "Văn thơ Tây Ninh trong nhà trường cấp 3", NXB Giáo dục, Hà Nội, 1994, trang 63).

Nội dung chính của bài thơ

Đề tài: Bài thơ viết về đề tài thiên nhiên, một đề tài quen thuộc trong thơ ca.

Cảm xúc: Bài thơ thể hiện cảm xúc ngưỡng mộ, tôn kính của nữ sĩ trước vẻ đẹp của hoa bạch mai và núi Bà.

Chủ đề: Bài thơ miêu tả vẻ đẹp của hoa bạch mai trên núi Bà, một địa danh nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh; qua đó, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và tình yêu thiên nhiên và đất nước của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.

Vẻ đẹp của hoa bạch mai: Hoa bạch mai được miêu tả là một loài hoa quý phái, thanh khiết, tinh khôi, trong sáng, không vướng bụi trần (sắc trắng, vóc ngọc mình băng, sắc nước hương trời,...). Hoa nở vào mùa xuân, báo hiệu một năm mới đầy hy vọng, đồng thời thể hiện sức sống mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn. Hoa thường được trồng ở những nơi thanh tịnh (Điện Bà), thể hiện tinh thần cao thượng, không màng danh lợi. Vẻ đẹp của hoa bạch mai từ vóc dáng đến cốt cách tượng trưng cho vẻ đẹp của con người Việt Nam.

Vẻ đẹp của núi Bà: Núi Bà là một địa danh nổi tiếng của Tây Ninh, được mệnh danh là "nóc nhà" của miền Đông Nam Bộ. Núi Bà không chỉ có vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ mà còn thơ mộng như cảnh thần tiên (tuyết đượm nhành tiên, sương pha bóng nguyệt, mây lành gió tạnh,..). Có thể nói, khung cảnh núi Bà hội tụ nhiều yếu tố của một ngọn núi linh thiêng, hấp thụ linh khí đất trời (đất phước, non linh, hơi chánh, hoa thần,…) làm mê hoặc lòng người ngay lần đầu tiên đến đây.

Mối quan hệ giữa hoa bạch mai và núi Bà: Hoa bạch mai và núi Bà "nương" nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, huyền bí ở trần thế. Hoa bạch mai tinh khôi, thuần khiết "riêng chiếm vườn hồng" trên núi Bà hùng vĩ, tráng lệ; hai hình ảnh này hòa hợp với nhau tạo nên một biểu tượng về vẻ đẹp toàn diện của đất nước, con người Việt Nam.

Chủ thể trữ tình: Chủ thể trữ tình chính là tác giả - nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, xuất hiện ở dạng ẩn như đang hòa mình vào cảnh sắc để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên, đồng thời bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc của mình về vẻ đẹp của hoa của núi của đất trời. Dù xuất hiện ẩn nhưng người đọc vẫn cảm nhận được chủ thể trữ tình là nữ sĩ có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm (khả năng cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của thiên nhiên, đặc biệt là vẻ đẹp thanh khiết, tinh khôi của hoa bạch mai); tình cảm yêu mến, trân trọng thiên nhiên (thể hiện sự gắn bó, yêu mến đối với cảnh vật thiên nhiên, coi đó là một phần không thể thiếu của cuộc sống); niềm tự hào về vẻ đẹp của đất nước (không gian đất trờinhư cõi thiên thai gắn với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc).

Nghệ thuật đặc sắc của bài thơ

Thể thơ: Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Đây là thể thơ truyền thống của văn học dân tộc, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thể thơ này có những quy định chặt chẽ về số câu, số chữ, vần điệu và luật bằng trắc. Bài thơ gieo vần chân, vần cách (vần "ân" ở cuối câu 1 - 4 - 6 - 8) tạo sự liên kết và hài hòa cho toàn bài thơ. Nhịp điệu của bài thơ là 2/2/3 hoặc 4/3 tạo sự uyển chuyển và nhịp nhàng. Bài thơ được làm theo luật bằng ("linh") tạo cảm giác êm đềm, thơ mộng của chốn linh thiêng.

Ngôn ngữ: Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh sử dụng ngôn ngữ tinh tế, giàu hình ảnh và cảm xúc. Những từ ngữ như: "đượm", "pha", "ánh"; "vóc ngọc", "mình băng", "sắc nước hương trời" được sử dụng một cách tài tình, gợi lên vẻ đẹp thanh thoát, quý phái của loài hoa.

Hai câu đầu và hai câu cuối có sự đối xứng về âm vận và ý nghĩa. Chẳng hạn câu thơ "Non linh đất phước trổ hoa thần" đối với "Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân". Giọng điệu của bài thơ trang trọng, trữ tình, thể hiện được tình cảm yêu mến của tác giả đối với hoa bạch mai, với thiên nhiên, đất nước.

Tóm lại, bài thơ "Hoa bạch mai trên núi Bà" không chỉ là một bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là một thi phẩm thể hiện lòng yêu nước, yêu văn hóa của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Bài thơ có giá trị nghệ thuật cao, góp phần làm phong phú thêm nền văn học nước nhà; góp phần khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử của núi Bà, một địa điểm nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh. Bài thơ mang đậm dấu ấn cá nhân và phong cách trữ tình của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.

Sương Nguyệt Anh (Nguyệt Anh) sinh năm 1864 mất năm 1921, tên Nguyễn Thị Khuê (Nguyễn Xuân Khuê), là con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, có tài văn chương. Khi chồng mất, bà ở vậy nên thêm chữ "sương" trước tên thành Sương Nguyệt Anh, từng làm chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên ở nước ta là tờ Nữ Giới Chung (Tiếng chuông của giới phụ nữ).

Nhân dịp đi thăm cảnh núi và Điện Bà vào rằm tháng Giêng năm Tân Sửu (1901) theo lời mời của các văn nhân Tây Ninh, bà viết bài thơ này bằng chữ Nôm và hai bài thơ chữ Hán đều vịnh cây bạch mai ở Điện Bà.

Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon